Phát triển y tế cơ sở tạo nên bước ngoặt lớn của ngành y tế
Y tế cơ sở (gồm trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế xã, phường) là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ của y tế cơ sở bao gồm các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh. Với mạng lưới rộng khắp, từ đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đến biên giới, hải đảo, thời gian qua, mạng lưới y tế cơ sở được ví như xương sống của ngành y tế đã bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền chăm sóc sức khỏe ban đầu hiệu quả với chi phí thấp, thuận tiện do không phải đi xa. Thông qua các dịch vụ như: Tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường, phục hồi chức năng…, mạng lưới y tế cơ sở đã có những đóng góp quan trọng bảo vệ sức khỏe người dân.
Khám bệnh tại Trạm Y tế xã Bình Xa (Hàm Yên), Tuyên Quang. Ảnh: Báo Tuyên Quang
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, y tế cơ sở hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của Bộ Y tế, công tác chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở ở một số địa phương chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tại tuyến ban đầu. Năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở còn hạn chế, kiến thức và chuyên môn không được cập nhật. Chưa bảo đảm tính sẵn có và tính tiếp cận các thuốc thiết yếu để phục vụ khám chữa bệnh tại tuyến xã, trang thiết bị y tế cơ bản chưa đầy đủ… nên người dân chưa tin tưởng, dẫn tới xu hướng vượt tuyến, gây quá tải không cần thiết cho tuyến trên, tốn kém tiền của người dân...
Phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình tổ chức ngày 7/9 vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ: Rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới. Theo thống kê có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã...
Nhận thức được, vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, nhiều Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đã được ban hành nhằm xây dựng và phát triển hệ thống y tế cơ sở, điển hình như Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đề ra một số chỉ tiêu quan trọng về phát triển mạng lưới cơ sở: đến năm 2025 có trên 90% dân số được quản lý sức khoẻ; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm; đến năm 2030, trên 95% dân số được quản lý sức khoẻ; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm.
Triển khai những chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, đổi mới toàn diện chất lượng hoạt động của y tế cơ sở nhằm giúp tăng cường hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe người dân, nâng cao khả năng phòng chống bệnh tật, giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh. Phát biểu tại lễ khai mạc khóa đào tạo nâng cao chất lượng chăm sóc quản lý sức khoẻ nhân dân các bệnh mãn tính theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã, phường, diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/2018, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Chúng ta quá thuận lợi khi có hệ thống trạm y tế xã, phường phủ rộng khắp cả nước nhưng chưa tận dụng được nguồn lực này, gây ra tình trạng lãng phí trong khi các bệnh viện tuyến trên ngày càng quá tải. Do đó, đây là thời điểm chúng ta phải phát triển y tế cơ sở để tạo nên bước ngoặt lớn của ngành y tế”.
Theo các chuyên gia, là đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết những chứng bệnh đơn giản, nếu mạng lưới y tế cơ sở phát triển và hoạt động hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm rất lớn về chi phí, rút ngắn được chênh lệch về chỉ số sức khỏe giữa các vùng, miền, cũng như tạo được sự cân bằng, trong hoạt động khám chữa bệnh hiện nay. Để làm được điều này, ngoài việc bản thân cán bộ y tế cơ sở phải thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, ngành y tế cần có các giải pháp đột phá, khả thi và hiệu quả cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, cơ chế tài chính, chính sách thu hút và đãi ngộ cán bộ cho tuyến y tế cơ sở, để mạng lưới y tế cơ sở thực sự là “người gác cổng” của ngành y tế.
Quản lí ngoại trú bệnh nhân tăng huyết áp tại trạm y tế xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.
Ảnh: http://syt.bacninh.gov.vn
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình
Để phát triển hệ thống y tế cơ sở, một trong những giải pháp được ngành y tế tập trung nhiều nguồn lực trong thời gian gần đây là việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo Bộ Y tế, mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới và được người dân tin tưởng lựa chọn. Việc triển khai trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình với 6 nguyên tắc: liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.
Bộ Y tế cũng lựa chọn và tổ chức các đoàn khảo sát tại 26 trạm y tế xã, phường của tám tỉnh, thành phố nhằm xây dựng mô hình điểm trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình để nhân rộng trên phạm vi cả nước. Với mục tiêu của việc hoàn thiện mô hình chuẩn trạm y tế là: bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn; cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa cơ sở y tế trên địa bàn và tuyến trên.
Các trạm y tế điểm sẽ được trang bị đồng bộ từ giường tủ, tủ quầy thuốc, biển tên phòng, tên trạm y tế. Các trạm có nhu cầu có thể bố trí trang bị máy siêu âm, xét nghiệm, X-quang… Với các trạm y tế chưa có bác sĩ sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm cùng với tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm… Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…
Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố sẽ tính toán, giao thí điểm định suất cho số thẻ đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế xã thí điểm; đảm bảo đủ thuốc… Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm tại 26 trạm y tế điểm. Đối với các trạm y tế chưa làm điểm, các tỉnh không có trạm y tế điểm, các tỉnh xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của trạm y tế xã theo nguyên lý y học gia đình./.