Vĩnh Phúc dành hơn 2.588 tỷ đồng phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2025
Để phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến y tế cơ sở, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 - 2025. Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025 có 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 15% kỹ thuật của tuyến trên; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% trạm y tế xã thực hiện được đầy đủ các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu theo quy định của Bộ Y tế...
Đón tiếp các bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở trạm y tế Thiện Kế, huyện Bình Xuyên,
tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc
Giai đoạn 2018 - 2025, Vĩnh Phúc dành hơn 2.588 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đào tạo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hơn 1.380 tỷ đồng, nguồn từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của các trung tâm y tế huyện, thành phố 168 tỷ đồng còn lại là nguồn xã hội hóa. Tỉnh tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để hoàn thiện, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở.
Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh sẽ đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế cho y tế cơ sở; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, áp dụng khoa học, công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế; phát triển hệ thống thông tin y tế, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông - giáo dục sức khỏe…
Tuyên Quang: Tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân lực y tế cơ sở
Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tỉnh Tuyên Quang đã ban hành “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới”.
Mục tiêu chung của Đề án là tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược, đề án về y tế; sắp xếp lại tố chức bộ máy; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính; phát triển nguồn nhân lực để nâng chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối họp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị, giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên; bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cán bộ Trạm Y tế phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) khám bệnh cho bệnh nhân có BHYT.
Ảnh Huy Hoàng/Cổng thông tin điện tử Tuyên Quang
Theo đó, “Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” được thực hiện với phạm vi quy mô toàn tỉnh (gồm Trung tâm y tế cấp huyện; y tế xã, phường, thị trấn và y tế thôn bản), thời gian thực hiện: Đến năm 2025.
Đề án được thực hiện với 7 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó, tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nhân lực y tế cơ sở; Truyền thông giáo dục và nâng cao sức khỏe; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở; Bảo đảm tài chính cho mạng lưới y tế cơ sở gắn với bảo hiểm y tế toàn dân; Đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất hệ thống y tế cơ sở…
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ xã đạt “Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế giai đoạn đến 2020” đạt 90%, năm 2025 đạt 100%; tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe năm 2020 đạt 70%, năm 2025 đạt trên 90%; Tỷ lệ Trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị năm 2020 đạt 100% và tiếp tục duy trì đến năm 2025; Tỷ lệ Trạm y tế cấp xã thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm năm 2020 đạt 55%, năm 2025 đạt 95%; Tỷ lệ Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện được tối thiểu 70% (đến năm 2020), 80% (đến năm 2025) danh mục kỹ thuật theo phân tuyến huyện năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 100%...
Cà Mau: Phấn đấu đến năm 2025 duy trì 100% số trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình
UBND tỉnh Cà Mau đã bố trí 300 tỷ đồng cho triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở giai đoạn 2018 – 2025. Trong đó, tỉnh ưu tiên cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, ven biển hoặc mới chia tách chưa có trạm y tế...
Khám bệnh tại ấp Tân Hoà, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Ảnh: Báo Cà Mau
Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ duy trì 100% số trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đẩy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện, bệnh viện huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện, 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã và 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Màu giao Sở Y tế chủ trì xây dựng hoàn thiện các quy trình chuyên môn và triển khai đánh giá chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở; phê duyệt các danh mục kỹ thuật cho các loại hình bệnh viện huyện, trung tâm y tế có giường bệnh, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã. Ngành Y tế phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các chính sách để đổi mới cơ chế hoạt động, tài chính, đầu tư cho y tế cơ sở cũng như cơ chế sử dụng quỹ bảo hiểm y tế cho y tế cơ sở (nếu có) và chăm sóc sức khỏe ban đầu; đồng thời có kế hoạch huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở như: xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho y tế cơ sở…/.