Lớp tập huấn cho 185 cán bộ, đoàn viên thanh niên về các nội dung của phong trào Vệ sinh yêu nước
Thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể trong tổ chức triển khai nhằm triển khai sâu rộng Phong trào trong toàn xã hội và cộng đồng dân cư. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể người dân về vệ sinh nâng cao sức khỏe, bảo đảm phong trào được thực hiện một cách sâu rộng và bền vững. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân thấy rõ mục đích, ý nghĩa của phong trào. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện phong trào.
Hàng năm, ngành y tế tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 02/7) theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe. Đồng thời, lấy ngày nhất định trong tháng để huy động toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cơ quan, trường học, công sở tạo những thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân. Nhờ đó, công tác vệ sinh phòng bệnh đã được triển khai sâu rộng qua các phong trào: “Ba sạch, ba diệt”; “Ăn sạch, ở sạch; “Sạch làng, sạch ngõ”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, Chương trình xây dựng nông thôn mới...
Cùng với đó, hàng trăm nghìn tờ rơi về công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh chuồng trại gia súc, vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh... đã được phát đến tay người dân; tuyên truyền vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe cũng được triển khai thường xuyên. Thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu, nguồn nước hợp vệ sinh; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà...
Hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, vệ sinh nhà văn hóa khu dân cư tại xã Tùng Khê (Cẩm Khê, Phú Thọ).
Đáng chú ý một số mô hình, chương trình, dự án như: Mô hình thí điểm “Truyền thông vận động cộng đồng cùng tham gia đảm bảo vệ sinh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng” đã được triển khai có hiệu quả. Trong đó, ngành y tế đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt các hoạt động, các quy định về vệ sinh tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thực hiện tốt tiêu chí của mô hình nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với thực hiện tốt tiêu chí đảm bảo vệ sinh khu di tích, mô hình thí điểm này cũng đã đảm bảo tiêu chí gai đình thực hiện nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư. Các hộ dân khu dân cư xã Hy Cương (TP Việt Trì) đăng ký cam kết thực hiện các tiêu chí của mô hình.
Đồng thời, trong năm 2017, ngành y tế tỉnh Phú Thọ đã triển khai xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh tại 4 xã điểm là Trưng Vương (TP Việt Trì), Bản Nguyên, Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) và Đồng Luận (huyện Thanh Thủy) nhằm tuyên truyền vận động người dân xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh; thực hiện tốt việc thu gom và xử lý rác giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường…Bên cạnh đó, việc triển khai dự án Vệ sinh hộ gia đình, gắn kết nhu cầu của người dân với hỗ trợ vốn vay ưu đãi được thực hiện tại 2 xã Lương Sơn, Xuân Thủy (huyện Yên Lập) và 2 xã Ngọc Quan, Vụ Quang (huyện Đoan Hùng). Kết quả, đã có 333 nhà tiêu tại huyện Yên Lập, 232 nhà tiêu tại huyện Đoan Hùng được xây mới, cải tạo.
Sau 5 năm triển khai phong trào (2012-2016), Phú Thọ đã có 17 xã đạt vệ sinh thôn xóm; 14.011 hộ gia đình xây mới nhà tiêu; 61,74% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh lên tới 93,38%.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Loan, sau 5 năm triển khai thực hiện phong trào Vệ sinh yêu nước, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được cải thiện rõ rệt; tăng tỷ lệ nguồn nước sạch cho vùng nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chủ động phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho người dân.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, để phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khoẻ nhân dân; Ðảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về vệ sinh của các chiến lược, chương trình, phong trào có liên quan; Tăng cường các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua Ðài truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ, qua hệ thống loa đài... Đặc biệt, hàng năm sẽ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá triển khai thực hiện phong trào từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả phong trào những năm tiếp theo./.