Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030

Thứ tư, 21/08/2019 15:36
(ĐCSVN) – Theo dự thảo quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, sẽ khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khoá XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.

Dự thảo nêu rõ mục tiêu cụ thể đến giai đoạn đến năm 2021, đến năm 2025, đến năm 2030.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa (Nguồn: C.Nghĩa)

Trong đó, đến năm 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Dự thảo nêu 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để có thể đạt được mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn, gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý;  về cơ sở vật chất và thiết bị; tự chủ và xã hội hoá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đề xuất như sau:

Cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, trường cao đẳng hoạt động không hiệu quả theo quy định của pháp luật hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Nghị định số 143/2016/NĐ-CP ngày 14/10/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.

Từng bước chuyển cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc các bộ, ngành Trung ương về chính quyền địa phương quản lý đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn các địa phương mà có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do địa phương quản lý.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp cần thiết phải xem xét để sáp nhập với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác thì phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động hiệu quả sau sắp xếp và được sự đồng thuận của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo theo quy định.

Đối với các trường công lập đào tạo các ngành, nghề, đối tượng đặc thù (trường dân tộc thiểu số, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường thủ công mỹ nghệ, trường đào tạo các nghề phục vụ kinh tế biển...) thì xây dựng Đề án phát triển và nâng cao chất lượng làm căn cứ đầu tư và giao kinh phí hoạt động thường xuyên.

Khuyến khích thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp./.

Minh Thư
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực