Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TA)
3 nghị quyết được kiểm tra gồm 2 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII): Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 4/7/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”.
Thay mặt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Đại cho biết, trước khi sắp xếp (năm 2016), các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở có 33 đầu mối (8 phòng chuyên môn; 8 chi cục chuyên ngành và 17 đơn vị sự nghiệp). Sau sắp xếp, hiện nay còn 22 đầu mối (5 phòng; 8 Chi cục và 9 đơn vị sự nghiệp), giảm 11 đầu mối so với trước khi sắp xếp. Thời gian tới, Sở dự kiến tiếp tục sắp xếp giảm thêm 1 đơn vị sự nghiệp, còn 8 đơn vị.
Đối với kết quả thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, Đảng ủy Sở đã vận dụng và tổ chức triển khai các nội dung phù hợp với đặc điểm tình hình cơ quan; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát thường xuyên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe các thành viên của đoàn và lãnh đạo Sở NN&PTNT trao đổi, làm rõ những nội dung kiểm tra, kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, Sở là một trong những đơn vị thực hiện tốt việc tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 18, 19 của Trung ương. Với vị trí, vai trò quan trọng, trách nhiệm nặng nề, với gần 3.000 cán bộ công chức mà giảm đến 30% là sự cố gắng lớn cả trong công tác tuyên truyền, triển khai kế hoạch lẫn thực hiện trong thực tế.
Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, và yêu cầu Sở tập trung khắc phục. Đó là kết quả xếp hạng về cải cách hành chính còn thấp, trong khi đó mục tiêu cuối cùng của tinh giản tổ chức, bộ máy là nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Do đó, Sở phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ vào quản lý, điều hành. Đồng thời cấp ủy chỉ đạo thường xuyên rà soát quy chế, kịp thời sửa đổi, bổ sung nội dung cần thiết, khắc phục những bất cập còn tồn tại, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa sở và các địa phương, giữa các phòng, ban gắn với phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ và việc xây dựng kế hoạch làm căn cứ phục vụ kiểm điểm cuối năm bảo đảm chính xác.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chỉ đạo, Sở cần chủ động nắm bắt các chủ trương của Bộ NN&PTNT, bám sát chỉ đạo để tinh gọn nhưng trong quá trình thực hiện phải nâng cao hiệu lực hiệu quả chứ không phải tinh gọn một cách máy móc. Đồng thời rà soát lại việc sắp xếp bộ máy, vị trí việc làm, mạnh dạn tinh giản để làm căn cứ cải cách tiền lương, không để cán bộ đông nhưng chất lượng yếu, lương thấp. Hiện nay số lượng công chức của Sở có hơn 600 người là quá nhiều.
Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý, Sở tiếp tục chăm lo công tác xây dựng Đảng; đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Cần quan tâm thu hút đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, giỏi về làm việc, gắn với thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, gia tăng giá trị tri thức, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp…/.