Thảo luận về những chủ đề trọng tâm trong hoạt động Công đoàn

Thứ tư, 26/09/2018 20:40
(ĐCSVN) - Ngày làm việc thứ ba Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận tại 12 trung tâm về những chủ đề trọng tâm trong hoạt động Công đoàn.

Bổ sung cơ chế, chính sách tạo điều kiện xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh

Về chủ đề “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền chia sẻ, hiện nay lực lượng công nhân đa phần tốt nghiệp THPT hoặc không có bằng cấp, trình độ học vấn, nhận thức còn thấp. Chính vì vậy, công tác phát triển đoàn viên ưu tú, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Trương Văn Hiền, cần có chính sách, cơ chế đãi ngộ để bồi dưỡng, chọn từ những sinh viên ưu tú của các trường đại học để có cán bộ công đoàn giỏi.

Đại biểu nêu quan điểm về “Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh,
góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh” - Ảnh: Minh Châu

Chủ tịch Công đoàn Công an nhân dân Vũ Mạnh Hà kiến nghị với vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn cần có cơ chế đặc thù để công đoàn hoạt động hiệu quả. “Chẳng hạn khi cán bộ công đoàn cơ sở đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động thì chủ doanh nghiệp không được sa thải họ, cần có quy định rõ để cán bộ gắn bó với tổ chức công đoàn”.

Đổi mới mạnh mẽ phong trào thi đua trong CNVCLĐ

Tham gia thảo luận về chủ đề “Đổi mới phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ theo hướng thiết thực, hiệu quả”, đại biểu đoàn Bình Dương nêu thực tế, với 2.000 CĐCS ngoài quốc doanh, mặc dù phát động thi đua và đạt được nhiều thành quả nhưng không đề nghị Bằng Lao động sáng tạo được cho người lao động do thủ tục còn nhiều vướng mắc. Ngay cả người lao động trực tiếp viết báo cáo thành tích của mình cũng không phải là dễ dàng viết xong, người sử dụng lao động không kí vào bản thành tích lao động vì họ không muốn sáng kiến phổ biến ra ngoài.

“Cần sớm giải bài toán này để động viên người lao động hăng say sáng tạo, cống hiến và họ xứng đáng được khen thưởng kịp thời”, đại biểu đoàn Bình Dương kiến nghị.

Đại biểu Công đoàn ngành Công thương cũng nêu bất cập: Phát động thi đua tiết kiệm, tăng năng suất lao động nhưng khối FDI năng suất lao động định mức rất cao, do đó, phải có sự thay đổi trong phát động phong trào thi đua với khối FDI làm sao phù hợp với điều kiện đơn vị và cần sự chủ động ở công đoàn cơ sở cũng như nguồn lực khen thưởng cho người lao động.

Đại biểu Công đoàn Xây dựng Việt Nam kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cần đề nghị chế độ, chính sách đối với người lao động làm việc tại các dự án trọng điểm quốc gia như: Đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam, đường sắt đô thị ngầm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Với những công trình được hoàn thành vượt tiến độ làm lợi cho nhà nước, chủ đầu tư từ 500 tỉ đồng trở lên, Tổng Liên đoàn cần đề nghị có cơ chế trích từ 5% đến 10% giá trị làm lợi để xây dựng thiết chế văn hóa cho CNVCLĐ và nhân dân địa phương hoặc trích cho Tổng LĐLĐ Việt Nam để xây dựng thiết chế văn hóa cho người lao động.

Xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn

Chia sẻ về chủ đề “Giải pháp xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”, Trưởng ban Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn Trần Văn Khải khẳng định, Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” là "bước ngoặt lịch sử", mang tính đột phá của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong chiến lược đổi mới phương thức tập hợp, phát triển đoàn viên của Công đoàn trong tình hình mới. Đề án có tính khả thi cao, có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và đầy đủ cơ sở pháp lý.

Quang cảnh trung tâm thảo luận với chủ đề "Xây dựng đội ngũ cán bộ
công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm" - Ảnh: Minh Châu

Theo đó, đến năm 2020, Công đoàn Việt Nam sẽ xây dựng 50 thiết chế công đoàn tại 50 khu công nghiệp, khu chế xuất với quy mô khoảng 50 ngàn căn hộ gắn với 50 nhà trẻ, 50 siêu thị, 50 nhà đa năng và các dịch vụ thiết yếu khác, tạo nơi ở có chất lượng cho khoảng 200 ngàn đoàn viên công đoàn là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhằm phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất thuộc sở hữu của tổ chức công đoàn, ông Trần Văn Khải mong muốn, Công đoàn Việt Nam cần thực hiện ngay các giải pháp để phát huy, nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất thuộc sở hữu của tổ chức công đoàn như khẩn trương xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu một cách có hệ thống và khoa học nhằm quản lý thống nhất các tài sản thuộc sở hữu của tổ chức công đoàn; đổi mới phương thức quản trị, mô hình quản lý, cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế công đoàn…

Cải cách hành chính trong tổ chức Công đoàn

Phát biểu về chủ đề “Giải pháp cải cách hành chính trong tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên (Hà Nội) Phan Thị Thu Hằng cho rằng, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng của tổ chức công đoàn. Bà Hằng đồng tình việc thực hiện giải thể công đoàn cấp trung gian như công đoàn ngành giáo dục đối với cấp quận huyện là hoàn toàn hợp lý; hay tin học hoá trong chỉ đạo điều hành như: sử dụng phần mềm quản lý văn bản thông suốt ở 2 cấp, Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ thành phố và cấp trên trực tiếp với cơ sở, cấp trực tiếp cơ sở với cơ sở.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định, việc đổi mới phương thức hoạt động với tinh thần cốt lõi là cấp trên phục vụ cấp dưới, tổ chức công đoàn phục vụ đoàn viên, người lao động thật sự cần thiết là một trong ba đột phá của Công đoàn Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2023.

Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện bộ thủ tục hành chính của tổ chức công đoàn với ba bộ phận cấu thành theo tinh thần phục vụ cho đoàn viên, cán bộ công đoàn và điều hành hoạt động công đoàn.

Quy trình xây dựng, ban hành văn bản của tổ chức công đoàn cần tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo tính hợp pháp, tính đồng bộ, cụ thể và khả thi để tạo sự phát triển vừa mạnh mẽ, vừa bền vững của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn.

“Cải cách tổ chức bộ máy phải gắn liền với đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công đoàn đang trở thành yêu cầu cấp thiết, trong đó, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công đoàn lần đầu tiên chính thức được đề cập, thể hiện nhận thức mới của tổ chức công đoàn theo hướng chuyên nghiệp hơn”, ông Trần Thanh Hải nói./.

Minh Châu
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực