Ảnh minh họa: Thế Lượng
Hậu quả của chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm đáng kể và bền vững, tình hình an ninh lương thực, thực phẩm và bữa ăn của người dân đã được cải thiện rõ rệt.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, đặc biệt là việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao 23,8% và thể nhẹ cân là 13,4%, đồng thời có sự khác biệt giữa các vùng miền, khu vực (theo số liệu của mạng lưới giám sát dinh dưỡng, toàn quốc năm 2017); tỷ lệ thừa cân, béo phì đang gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị.
Theo kết quả điều tra năm 2014-2015: tỷ lệ béo phì ở trẻ em học sinh tiểu học của TP Hồ Chí Minh là trên 50%, khu vực nội thành Hà Nội khoảng 41%; tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng chưa được cải thiện, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%, ở phụ nữ có thai là 32,8%, ở phụ nữ không có thai là 25,5%; tỷ lệ thiếu kẽm còn rất cao: ở trẻ em dưới 5 tuổi là 69,4% và phụ nữ có thai còn đặc biệt cao 80,3%.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế tiến hành năm 2015 (STEP-2015) cho thấy có đến 57,2% số người trưởng thành (18 đến 69 tuổi) ăn ít rau/trái cây (tức là ăn ít hơn 5 suất rau/trái cây trung bình trong 1 ngày - theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới-TCYTTG); mức tiêu thụ muối hiện nay của người Việt Nam cao gấp 2 lần mức khuyến nghị (theo khuyến nghị của TCYTTG là 5gam muối/người/ngày, tương đương với 8g bột canh, hoặc 25ml nước mắm, hoặc 35ml xì dầu), có đến 28,1% số người thiếu hoạt động thể lực (tức là có <150 phút hoạt động thể lực cường độ trung bình trên tuần hoặc tương đương).
Mô hình bệnh tật của người dân Việt Nam đang chuyển tiếp từ các bệnh lây nhiễm là chủ yếu sang các bệnh không lây nhiễm, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam năm 2017 cả nước có trên 541.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76% (411.600 ca), trong đó đứng đầu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, loãng xương, gout,...
Chăm sóc dinh dưỡng sớm
Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và của cả xã hội, là mục tiêu phát triển, đồng thời cũng là nhân tố quyết định để đạt được sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe người dân là trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Đầu tư cho công tác chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe nhân dân phải được ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của mỗi địa phương; nguồn lực đầu tư được huy động từ nhiều nguồn, trong đó ngân sách nhà nước tập trung cho cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân.
Các mục tiêu để cải thiện tình trạng sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, nâng cao tầm vóc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người Việt Nam đến năm 2025 là: Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi ở mức <20%, khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành <12%; tăng chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi, đối với nam đạt 167 cm, nữ 156 cm; giảm tỷ lệ người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây <50%; tăng cường vận động thể lực: giảm tỷ lệ người dân thiếu vận động thể lực với người trưởng thành (từ 18-69 tuổi) là 25%, trẻ em (từ 13-17 tuổi) là 60%; tăng tỷ lệ trường học bán trú, nội trú có tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng cho học sinh với trường mầm non là 70% và trường tiểu học là 75%.
Để đạt được các mục tiêu về dinh dưỡng đến năm 2025 nói trên, nhiều giải pháp đã được đề ra. Trong đó, cần tập trung nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng và của mỗi người dân; xây dựng và tổ chức thực hiện đồng bộ các đề án, chương trình về nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam, ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu/vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và phổ biến các chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với từng nhóm đối tượng, vùng miền...
Đáng chú ý, hưởng ứng ngày Lương thực Thế giới (16/10), Bộ Y tế phát động tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển” từ ngày 16 đến 23/10/2018. Hoạt động của Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển tập trung vào các nội dung sau: Chăm sóc dinh dưỡng sớm, dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của trẻ; bảo đảm dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ trước, trong và sau sinh; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý cho trẻ dưới 2 tuổi; định kỳ thường xuyên theo dõi tăng trưởng và phát triển; sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lý cho bữa ăn gia đình; biết cách lựa chọn, chế biến và sử dụng nguồn thực phẩm an toàn sẵn có tại gia đình và địa phương; thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường tiêu thụ rau xanh/quả chín và thường xuyên vận động thể lực để phòng chống bệnh mạn tính không lây, thừa cân/béo phì, suy dinh dưỡng thấp còi nhằm nâng cao thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống người Việt Nam; chăm sóc dinh dưỡng sớm cho trẻ vị thành niên và trẻ thành niên, phụ nữ có thai, uống bổ sung viên sắt/acid folic để phòng chống thiếu máu; tổ chức bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho gia đình và người lao động; ăn uống đa dạng, đầy đủ và cân đối theo nhu cầu lứa tuổi; thực hiện tư vấn, hướng dẫn cho người cao tuổi, học sinh, phụ nữ và trẻ em về chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn giảm muối, tăng cường hoạt động thể lực./.
Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển, 16-23/10” là: Thực hiện dinh dưỡng ngay hôm nay giúp cải thiện thể lực, tầm vóc, trí tuệ và chất lượng cuộc sống ngày mai! - Thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm trong 1000 ngày đầu đời giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành. - Để thai nhi phát triển tốt, bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, khám thai ít nhất 4 lần và uống viên sắt/acid folic theo hướng dẫn. - Cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ và ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. - Bữa ăn bổ sung của trẻ cần đa dạng các nguồn thực phẩm, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, D. - Trẻ cần ăn uống lành mạnh, hợp lý và tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì. - Trẻ vị thành niên và thành niên cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu, uống viên sắt hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn. |