Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam học và làm theo Bác từ những việc cụ thể

Chủ nhật, 19/05/2019 09:30
(ĐCSVN) - Việc học học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã góp phần quan trọng tạo được sự ổn định, thống nhất xuyên suốt từ nhận thức đến hành động, với ý thức trách nhiệm cao của cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Gắn kết nội dung làm theo Bác với những hoạt động chuyên môn

Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam (áo xanh thứ 3 từ trái sang) trao đổi công việc với các cán bộ phòng bảo quản hiện vật 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam: Thời gian qua Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam rất quan tâm đến việc nâng cao nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đảng ủy thường xuyên tổ chức tập huấn các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tạo được chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động trước vận mệnh mới của đất nước.

Đảng bộ đã xây dựng chương trình hành động cụ thể thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch hành động của Bí thư cấp ủy; xây dựng chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, triển khai 100% đảng viên đăng ký cam kết, tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu hằng năm. 100% đảng viên được giám sát kịp thời, tạo nên chuyển biến và nhận thức và ý thức rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao.

Đảng bộ đã gắn kết nội dung của việc học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ với những hoạt động chuyên môn có ý nghĩa, giảm tải các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo sự thông thoáng trong phối hợp gữa các phòng, ban, cá nhân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị; tận tình hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng địa phương. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành Đảng ủy thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của cơ quan, phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của từng đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Toàn thể cán bộ, viên chức Bảo tàng luôn tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; cán bộ, viên chức trong cơ quan có ý thức rèn luyện nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn của bản thân, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đảng bộ, ban lãnh đạo Bảo tàng đã tập trung thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh tự phê bình và phê bình, đổi mới tác phong lề lối làm việc theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để làm cơ sở cho việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của Đảng bộ và nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Giám đốc Bảo tàng khẳng định: Với vai trò, vị trí, chức năng và nhiệm vụ của mình, Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong 03 năm qua đã đóng góp đáng kể vào việc tuyên truyền giáo dục về lịch sử, lòng tự hào dân tộc, về tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người, sưu tầm bảo quản và lưu giữ nhiều bộ sưu tập, bảo vật quý hiếm. Bảo tàng tận tình phối hợp và hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bảo tàng địa phương. Giúp đỡ địa phương giải quyết công việc một cách thuận lợi, hiệu quả.

Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thời gian qua các cán bộ
của Bảo tàng không ngừng nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Từ năm 2016 đến nay, Bảo tàng tổ chức thành công 31 trưng bày chuyên đề, trong đó có 11 chuyên đề trưng bày tại bảo tàng, 12 chuyên đề trưng bày phối hợp với các đơn vị, địa phương và 08 chuyên đề trưng bày tại nước ngoài; Bảo tàng đón trên 800 nghìn lượt khách tham quan; tổ chức 684 buổi Giờ học lịch sử, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” cho gần 27 nghìn học sinh tại Bảo tàng và nhóm gia đình trên địa bàn Hà Nội và các địa phương.

Học lịch sử qua hiện vật và câu chuyện

Là cán bộ của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được 10 năm, với chị Nguyễn Thị Ngọc Anh cũng như đông đảo cán bộ công chức, viên chức người lao động của Bảo tàng mỗi ngày làm việc không chỉ là những trải nghiệm, mà ở mỗi một vị trí khác nhau lại có một niềm tự hào, hạnh phúc riêng.

Bản thân chị làm công việc hướng dẫn viên, thuyết trình về mảng lịch sử Việt Nam giai đoạn cận hiện đại không chỉ giúp chị hiểu hơn về quá trình đấu tranh giành độc lập tự do của cha ông, qua mỗi một chủ đề, một câu chuyện lịch sử, gắn với mỗi hiện vật lại mang trên mình một sự kiện, một ý nghĩa riêng. Để du khách nắm được các sự kiện lịch sử thông qua hiện vật qua lời kể của mình chị phải tìm hiểu kỹ lưỡng để có thể truyền đạt lại đầy đủ những nội dung đó cho du khách trong và ngoài nước. Qua mỗi câu chuyện đó, không chỉ quảng bá về lịch sử, về đất nước và con người Việt Nam mà còn làm tự hào hơn về những trang sử vàng truyền thống của đất nước đến du khách.

Chị Nguyễn Ngọc Anh giới thiệu với khách tham quan về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng 

Đặc biệt, với chị Ngọc Anh, được giao nhiệm vụ hướng dẫn du khách khi đến tham quan về các hiện vật, các chủ đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều chị cảm thấy vô cùng xúc động. Mỗi một hiện vật, mỗi một câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khiến bản thân chị xúc động mà rất nhiều du khách khi nghe chị kể chuyện về Bác đã nghẹn ngào.

Thông qua các câu chuyện, ai cũng hiểu rằng, tư tưởng của Bác không phải là những gì xa vời, đó là những việc làm thường ngày, giản dị gắn với cuộc sống. Bản thân chị và các cán bộ của Bảo tàng thông qua những câu chuyện về Bác không chỉ giúp khách tham quan hiểu hơn về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, mà chị và đồng nghiệp luôn ý thức việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đặc biệt, trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia triển khai thực hiện tốt hoạt động phát huy giá trị những di sản văn hóa đang được trưng bày, lưu giữ ở bảo tàng. Bảo tàng luôn chú trọng xây dựng các chương trình giáo dục phục vụ các đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội, đó là hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử. Hoạt động này không chỉ tạo nên “sân chơi” bổ ích cho đối tượng học sinh của các trường, các nhóm trẻ em đi theo gia đình trên địa bàn Hà Nội mà đã lan tỏa đến một số trường ở các tỉnh thành trên cả nước.

Để tạo “sân chơi” hấp dẫn cho các em thì những cán bộ bảo tàng cũng đã đầu tư công sức từ việc nghiên cứu lập kế hoạch, nội dung chủ đề, nội dung câu hỏi cho đến các trò chơi dân gian, trò chơi lồng ghép kiến thức lịch sử trên powerpoint, xây dựng clip là những khoảnh khắc đáng nhớ của các em trong suốt thời gian diễn ra chương trình, ví dụ như: chủ đề (“Tiến trình Lịch sử Việt Nam và văn minh sông Hồng”, “Thời kỳ dựng nước đầu tiên đến chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, “Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và giành độc lập dân tộc (1858-1945)”...); các trò chơi dân gian (Bịt mắt đập niêu, kéo co, lăn bóng vào vòng tròn, nhảy bao bố...); trò chơi lồng ghép kiến thức lịch sử (Theo dòng lịch sử, Lật mảnh ghép tìm di sản, Ai nhanh ai đúng, Đuổi hình bắt chữ... ).... Hơn nữa, các em còn được tham gia hoạt động Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, Giờ học lịch sử với chủ đề “ Em tập làm hướng dẫn viên”, học lịch sử bằng tiếng Anh hay tham gia “hóa trang” thành những nhân vật lịch sử ...

Hoạt động Câu lạc bộ Em yêu lịch sử đã tạo nên đặc trưng, “thương hiệu” cho các
hoạt động giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đồng chí Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia khẳng định:Thông qua hiện vật trưng bày ở bảo tàng, câu chuyện xung quanh hiện vật cùng những hoạt động trải nghiệm ...với phương châm “học mà chơi, chơi mà học” đã đem lại những bài học bổ ích, hấp dẫn đối với các em. Chính những hoạt động Câu lạc bộ Em yêu lịch sử; Giờ học lịch sử đã tạo nên đặc trưng, “thương hiệu” cho các hoạt động giáo dục của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong những năm qua. Chính sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, triển khai thực hiện kế hoạch đề ra của các đồng chí lãnh đạo trong Ban Giám đốc, sự gương mẫu đi đầu của các đồng chí đã giúp các cán bộ, nhân viên của Bảo tàng ý thức hơn việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhờ sự nỗ lực của cả tập thể, nhiều năm liền, Đảng bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia đạt trong sạch vững mạnh, tiêu biểu…/.

Đào Văn Lập (Trường Cao đẳng Sơn La)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực