Cần có biện pháp nghiêm khắc hơn về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Thứ sáu, 12/10/2018 16:43
(ĐCSVN) - Nhiều ý kiến đồng tình với Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp - tạo cơ sở pháp lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi đang gây bức xúc xã hội.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” do BHXH Việt Nam tổ chức, nêu quan điểm về bảo vệ người lao động trước những hành vi xâm hại của tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho hay, từ năm 2013 đến năm 2015, tổng số nợ BHXH tăng từ 6.257 tỉ đồng lên 7.061 tỉ đồng. Năm 2017, số nợ BHXH có giảm, nhưng vẫn ở mức 5.737 tỉ đồng. Trong đó, số nợ khó thu là 1.667 tỉ đồng; số nợ không thể thu hồi là 476 tỉ đồng. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) đã và đang giải thể, phá sản, có chủ là người nước ngoài bỏ trốn.

Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, tình hình vi phạm pháp luật của các pháp nhân là DN diễn ra khá phổ biến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế- xã hội, có xu thế tăng, với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nhiều vụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Với Bộ luật Hình sự năm 2015, lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam có quy định xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp - tạo cơ sở pháp lý nghiêm khắc hơn đối với các hành vi đang gây bức xúc xã hội.

Chia sẻ về những vi phạm phổ biến được phát hiện qua thanh tra thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp tại các DN, ông Nguyễn Anh Tuấn- Trưởng phòng Thanh tra BHXH (Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều DN trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thông qua việc thỏa thuận với người lao động để ký kết HĐLĐ dưới 3 tháng, 1 tháng, mùa vụ, khoán việc, hợp đồng cộng tác viên, học nghề hoặc thử việc.

Đáng nói, những hợp đồng lao động này có thời hạn rất dài, lặp lại nhiều lần. Về mức đóng, thường chỉ là mức tối thiểu vùng; đóng BHXH không đủ số người thuộc diện tham gia; vi phạm quy định làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức và phục hồi sức khoẻ… Do đó, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với BHXH Việt Nam và Cục Việc làm tiến hành thanh tra việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và giúp mang lại hiểu quả tích cực.

Chung quan điểm, ThS.Nguyễn Thị Hồng Thắm - Thanh tra viên chính (Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ) nhận định: Trong thời gian qua, việc giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho cơ quan BHXH đã giúp tăng cường các hoạt động thanh tra trong lĩnh vực bảo hiểm. Qua đó, đã phát hiện nhiều vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, người lao động, hạn chế thất thoát quỹ BHXH, BHYT…

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, việc thực hiện truy đóng theo các quyết định xử phạt, yêu cầu thu hồi tiền từ các đối tượng được kiểm tra còn gặp nhiều khó khăn, khiến tỉ lệ nộp so với số bị truy đóng, thu hồi vẫn còn thấp; việc phát hiện và xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm còn hạn chế. Do đó, BHXH Việt Nam đã tăng cường phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, trong đó có phối hợp với Bộ Công an thực hiện nghiêm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm có dấu hiện tội phạm tại các Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự./.

Phạm Chính - Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực