Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị

Thứ sáu, 21/06/2019 01:59
(ĐCSVN) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW đã làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Sáng 20/6, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết 37).

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị dự và chỉ đạo Hội nghị. 

Đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì Hội nghị.

Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho biết, Nghị quyết số 37-NQ/TW đã đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao, bình quân giai đoạn 2004 - 2018 là 12,8%/năm; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; thu ngân sách Nhà nước hàng năm trên địa bàn đều vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao và của tỉnh đề ra; tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2018 đạt 55.188 tỷ đồng (gấp 15,7 lần năm 2004). GRDP bình quân đầu người tăng từ 5,9 triệu đồng năm 2004 lên 77,7 triệu đồng năm 2018, tương đương 3.370 USD/người/năm (mục tiêu đến năm 2020 theo Nghị quyết số 37-NQ/TW là 2.000 USD/người/năm).

 

Đồng chí Nguyễn Văn Bình trao Bằng khen cho các nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Nghị quyết số 37

Năm 2004, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,224 triệu USD, đến năm 2018 đạt 25.066,2 triệu USD, gấp 857 lần. Năm 2018, Thái Nguyên là tỉnh đứng đầu vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 4 cả nước về kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 10,2% vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. 

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2004 đạt 432,2 tỷ đồng, năm 2018 đạt 15.023 tỷ đồng (gấp 34,7 lần), tăng bình quân trên 26,3%/năm.   

Số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến hết năm 2018 là 88 xã, đạt 88% mục tiêu đề ra, dự ước đến hết năm 2019 có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 101 xã, về trước 01 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX).

Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác về cơ bản đều hoàn thành và vượt kế hoạch giao hàng năm và kế hoạch 5 năm.

Hệ thống cơ sở hạ tầng văn hóa, xã hội được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số được nâng cao chất lượng. Đã bước đầu hình thành các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên sâu của vùng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đại học Thái Nguyên đã trở thành một trong những cơ sở đào tạo lớn của cả nước.

Quốc phòng, an ninh được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng; chú trọng đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 37, tỉnh Thái Nguyên cũng thẳng thắn thừa nhận những tồn tại, hạn chế như: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; các ngành kinh tế chủ yếu sử dụng nhiều lao động; phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn; ngân sách địa phương dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp. Sản xuất nông nghiệp phát triển chưa thật sự bền vững; tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chưa cao; thiếu các sản phẩm du lịch có chất lượng. Công tác quy hoạch chưa đồng bộ, chất lượng một số quy hoạch chưa cao, thiếu tính khả thi, còn phải điều chỉnh, bổ sung nhiều. Một số tuyến đường chất lượng thấp, chiều rộng hẹp, đang xuống cấp. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa và trang thiết bị tuy đã được ưu tiên đầu tư nhưng so với nhu cầu còn thiếu, chưa đồng bộ nhất là ở cấp xã, cấp huyện...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận và biểu dương, đánh giá cao những kết quả trong thực hiện Nghị quyết số 37 của tỉnh Thái Nguyên .

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị tỉnh căn cứ vào các lợi thế, tiềm năng của địa phương đề xuất phát triển những ngành, lĩnh vực mà địa phương có thế mạnh, có thể là “cực tăng trưởng”, có tác động lan tỏa đối với toàn vùng. Nghiên cứu đề xuất cơ chế hợp tác, liên kết vùng để phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh và cả vùng. Thu hút đầu tư nước ngoài FDI phù hợp với đặc thù của đất nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng, nâng cao sức lan tỏa của khu vực FDI theo hướng có các doanh nghiệp phụ trợ trong nước tham gia để nâng cao giá trị cho quốc gia. Quan tâm phát triển các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tư nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ cả ở cấp quốc gia và các địa phương. Cần nắm bắt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển các doanh nghiệp thâm dụng lao động từ các thành phố lớn lân cận cũng như các doanh nghiệp từ các quốc gia khác do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại trên thế giới hiện nay, chủ động tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh. Nghiên cứu tận dụng vị trí thuận lợi của tỉnh với đa dạng loại hình giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy để phát triển thành trung tâm logistic của vùng. Nghiên cứu trở thành trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của vùng trên cơ sở lấy Đại học Thái Nguyên làm trụ cột.

Hình ảnh tại Hội nghị

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với vùng trung du và miền núi Bắc Bộ nói chung và đối với tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Đây sẽ là một trong những cơ sở quan trọng để xây dựng Báo cáo tổng kết chung, trình Bộ Chính trị ban hành một Nghị quyết mới về phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là cơ sở quan trọng để Thái Nguyên và các địa phương trong vùng xây dựng Nghị quyết Đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025 và hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mình đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Tiếp thu những ý kiến thảo luận tại Hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả  Nghị quyết 37, tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; coi trọng bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh; không ngừng đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống chính trị các cấp, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, ngành, địa phương để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, mạnh, vững chắc.

Nhân dịp này, đã có 23 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 37 được tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy./.

Hương Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực