Là Chủ tịch Hội LHPN xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, sớm được tiếp cận, nắm rõ nội dung của Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, chị Nguyễn Thị Lan đã mạnh dạn vay vốn với mong muốn chuyển đổi những cây trồng năng suất thấp, hiệu quả không cao như ngô, đỗ… để có cơ hội tăng thu nhập cho bản thân, gia đình. Nếu hướng đi thành công, là cán bộ Hội, chị sẽ hướng dẫn hội viên trong xã cùng làm theo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Được hỗ trợ vay 900 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh, chị Lan đã mạnh dạn thuê đất, tìm đến nhiều mô hình trang trại ở trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, cũng như cập nhật các kiến thức về khoa học - kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh.
Chị Nguyễn Thị Lan (phải) với mô hình khởi nghiệp từ cây măng tây.
Nhận thấy nhu cầu của thị trường về măng tây là khá lớn, chị Lan đã quyết định khởi nghiệp từ loại cây này. “Giá bán ra thị trường là từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg, măng tây có giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với nhiều loại cây trồng khác”, chị tin tưởng.
Với chị Lê Thị Thương, xã Ðông Minh, huyện Ðông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp THPT, chị quyết định học nghề may rồi tự mở một cửa hàng may nhỏ chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân trong thôn và tạm đủ để trang trải cuộc sống.
Nhận thấy nhu cầu may đồng phục cho học sinh các trường học là khá lớn, tại địa phương lại chưa có xưởng may đồng phục nào, chị Thương đã đi đến quyết định đầu tư mở xưởng may đồng phục. Dù quy mô còn nhỏ nhưng xưởng may đã tiếp thêm động lực để chị hiện thực hóa các ý tưởng.
Năm 2017, được Hội LHPN xã Ðông Minh tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, chị Thương đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thọ Thương, mở rộng xưởng may, mua thêm nhiều máy móc, chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường. Hiện công ty do chị làm chủ tạo việc làm thường xuyên cho 25 công nhân là phụ nữ tại địa phương với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Lan, chị Thương chính là những hội viên, phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp theo Đề án 939. Để hội viên dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn khởi nghiệp, mỗi địa phương có hướng đi, cách làm khác nhau nhưng đều xuất phát cùng mục đích làm sao để nguồn vốn vay thực sự tạo động lực để hội viên, phụ nữ khởi nghiệp thành công.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy cho biết, ngay sau khi triển khai Ðề án 939, Hội LHPN tỉnh xác định tập trung hỗ trợ phụ nữ là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, đặc biệt khảo sát, lựa chọn các cơ sở sản xuất, kinh doanh có từ 10 lao động trở lên, có doanh thu khá để phát triển thành doanh nghiệp. Đối tượng này được lên danh sách cử tham gia các lớp tập huấn về khởi sự kinh doanh. Song song với đó, Hội LHPN tỉnh cũng thành lập ban chỉ đạo phụ nữ ở cơ sở để động viên, hỗ trợ chị em, nắm bắt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khích lệ để chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp.
Xưởng may của chị Lê Thị Thương (đứng) góp phần tạo việc làm cho nhiều hội viên, phụ nữ
tại địa phương.
“Trong quá trình vận động hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, cán bộ Hội Phụ nữ các cấp tập trung giúp đỡ chị em ngay từ ý tưởng đến xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Khi kế hoạch được triển khai, hội viên mong muốn Hội LHPN đồng hành ở phương diện nào thì hội sẽ có phương án giúp đỡ ở phương diện đó sao cho kịp thời, đúng trọng tâm. Chẳng hạn hội viên cần cung cấp kiến thức, cách tiếp cận khoa học - công nghệ, chúng tôi sẽ mở các lớp tập huấn, mời các chuyên gia trực tiếp truyền đạt; với hội viên, phụ nữ là nông dân muốn khởi nghiệp, cán bộ hội sẽ tìm cách thay đổi phương thức sản xuất manh mún, kém hiệu quả lâu nay sang thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, giúp họ hình thành tư duy làm ăn kinh tế theo chuỗi giá trị”, chị Thủy nói.
Với Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thành công và bền vững, nhất là đối tượng phụ nữ yếu thế thì việc liên kết để thành lập các mô hình kinh tế tập thể là một yếu tố quan trọng mà Hội LHPN tỉnh tập trung triển khai.
Với hướng đi này, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thị Hằng vui mừng chia sẻ, năm 2018, Hội đã hỗ trợ thành lập mới 5 hợp tác xã và 16 tổ liên kết do phụ nữ làm chủ. Thời gian qua, Hội đã giải ngân 20 tỷ đồng (được trích từ nguồn ngân sách của tỉnh hỗ trợ ủy thác thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 39 dự án khởi nghiệp của phụ nữ vay với lãi suất ưu đãi. Năm 2019, UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ 30 tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện Đề án giúp phụ nữ ứng dụng khoa học và công nghệ, mở rộng quy mô, phát triển sản xuất.
Vốn vay, kết hợp với nguồn vốn tích cóp được cùng sự hỗ trợ của gia đình, nhiều hội viên, phụ nữ đã tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Nhiều chị mạnh dạn đầu tư mở rộng chăn nuôi theo hướng trang trại, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mô hình kinh doanh tổng hợp giúp cho đời sống của nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo được cải thiện rõ rệt./.