Đồng chí Lê Quang Tùng phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: HH)
Một văn kiện lịch sử vô giá
Theo Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết vào thời điểm bản lề của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; cách mạng dù còn khó khăn song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Trong Di chúc, Bác căn dặn nhiều điều: Trước hết nói về Đảng. Bác dạy: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Người tâm huyết nhắc nhở các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ: cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Đặc biệt Bác nhấn mạnh: Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Điều đó cho thấy sự nung nấu, suy tính của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiều năm, chứa đựng chiều sâu của tư tưởng, tình cảm, chiều cao trí tuệ của Người.
Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, là kết tinh của tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Di chúc là những lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão và khí phách, thể hiện trong từng lời nhắc nhở, dặn dò trước lúc Bác đi xa. Bác đã chuẩn bị cho việc ra đi của mình thật là ung dung và thanh thản "để sẵn mấy lời" cho đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bè bạn khắp nơi khỏi thấy đột ngột.
“Mấy lời để lại của Bác chứa đựng nội dung phong phú và sâu sắc, chuyện nước nhà, chuyện thế giới, dặn dò lãnh đạo, nói với nhân dân, từ già đến trẻ, về hiện tại và tương lai, về việc chung và việc riêng... hầu như ai cũng được Bác nhớ đến và dặn dò với muôn vàn tình thương yêu. Mấy lời để lại của Bác là tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng” – đồng chí Lê Quang Tùng nêu rõ.
Theo đồng chí Lê Quang Tùng, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, thể hiện cụ thể trong suy nghĩ, và thực hiện công việc hàng ngày, trong quan hệ với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Bản tổng kết về lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng
Còn theo đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bản Di chúc kết tinh tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho ta thấy một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn lộng gió thời đại - mà hôm nay là thời đại Hồ Chí Minh và nhất là tình thương yêu bao la của Bác với nhân dân, với Đảng, với đồng bào, đồng chí. Di chúc Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, là những chỉ dẫn quý báu và là nguồn cổ vũ, động viên hết sức to lớn cho chúng ta trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Di chúc là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước. Trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất, cả nước dốc sức cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, Di chúc khẳng định sức mạnh và niềm tin tất thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đụng đầu lịch sử chống chủ nghĩa đế quốc, tính tất yếu của công cuộc cách mạng giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH của đất nước ta.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Công, Hội thảo là dịp để chúng ta tham gia đóng góp ý kiến, tham luận, thảo luận của các đồng chí sẽ góp phần làm đầy đủ, phong phú và thấu đáo hơn những nhận thức của chúng ta về nội dung Di chúc và đặc biệt là việc vận dụng những nội dung đó vào công tác Xây dựng Đảng hiện nay; thiết thực đóng góp trí tuệ cùng toàn Đảng giải quyết những nhiệm vụ đặt ra, những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống gắn liền với những yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Đây là một trong những cách tốt nhất để tất cả chúng ta hôm nay thể hiện lòng tri ân, lòng kính yêu vô hạn đối với Bác.
Minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc
Tìm hiểu về minh triết Hồ Chí Minh trong Di chúc, GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, bản Di chúc của Người đã để lại cho đồng bào, đồng chí, bầu bạn quốc tế thêm một lần được thấu hiểu và thấu cảm về Người.
GS Hoàng Chí Bảo – nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết
về tính minh triết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: HH)
Theo GS Hoàng Chí Bảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn viết Di chúc vào dịp sinh nhật để vui chứ không buồn. “Thông thường, con người ta khi viết Di chúc bao giờ cũng mang theo tâm trạng buồn, bởi sự sống hữu hạn của một bản thể đã sắp hết và cái chết đang đến gần. Vậy mà Hồ Chí Minh viết Di chúc để mừng sinh nhật 75 tuổi, tỉnh táo và mẫn tiệp biết rằng mình đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, “nhân sinh thất thập cổ lai hy” nên thanh thản viết sẵn mấy lời để lại cho đồng bào và các đồng chí trong Đảng. Không biết trên đời này còn có ai như Hồ Chí Minh, chọn dịp sinh nhật để viết Di chúc, để vui chứ không buồn” – GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Theo GS Hoàng Chí Bảo: “sự sống - vốn mạnh hơn cái chết. Lấy sự sống để vượt lên cái chết, với Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bản lĩnh văn hóa. Người thực sự là một hiện tượng văn hóa độc đáo. Con người Hồ Chí Minh và bản văn Di chúc của Người là trường hợp hy hữu của lịch sử. Lý giải điều này cần phải tìm trong minh triết Hồ Chí Minh. Người cộng sản hiện đại, nhà tư tưởng mác-xít hiện đại nhưng lại mang cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam”.
Di chúc Hồ Chí Minh mang tầm cao tư tưởng của một lãnh tụ kiệt xuất - Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước. Lý luận là hạt nhân của tư tưởng và chỉ với 1.000 từ, Người đã làm một tổng kết lớn lý luận và thực tiễn về cách mạng Việt Nam, về sự nghiệp của Đảng, của dân tộc mà Người một đời gắn bó, dấn thân và dâng hiến.
Trong Di chúc, Người cũng đặt ra vấn đề dự báo trong tương lai. Với tất cả sự nhạy cảm và linh cảm, Người biết rằng, đổi mới là thường xuyên và lâu dài, là một cuộc chiến đấu khổng lồ, chống lại những cái cũ kỹ, hư hỏng, lỗi thời, hướng tới tiến bộ, phát triển tốt đẹp, vì thế phải dựa vào dân, tập hợp dân thành phong trào, lực lượng để dân thực hiện.
“Bản Di chúc không chỉ thực hiện tư tưởng ở tầm cao thời đại mà còn kết tinh ở đạo đức trong sáng và cao thượng, ở phong cách giản dị, hài hòa, thấu lý, đạt tình, trọn vẹn tình nghĩa của một con người mang cốt cách “Chân - Thiện - Mỹ” mang tên Hồ Chí Minh”- GS Hoàng Chí Bảo khẳng định.
Trí tuệ và đạo đức trong cuộc đời, sự nghiệp Hồ Chí Minh “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, sáng lập và rèn luyện Đảng ta thành một Đảng cách mạng chân chính, “Đảng là đạo đức, là văn minh” làm nên minh triết của Người.
Định hướng cho cách mạng Việt Nam
Theo PGS, TS. Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau nửa thế kỷ, càng sáng tỏ giá trị lịch sử và tầm nhìn thời đại, tầm nhìn xa trông rộng của một bậc thiên tài. Di chúc Hồ Chí Minh soi đường, định hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm qua, hôm nay và mai sau. Di chúc bất hủ của Người là chỉ dẫn, là lời dạy, là ngọn đuốc soi đường cho đất nước ta vững bước đi lên, phát triển bền vững.
Đồng chí Vũ Văn Phúc cho biết, mở đầu Di chúc, với ý chí phi thường, niềm tin son sắt, tinh thần lạc quan cách mạng, trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, Người đã dự báo rất đúng về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và về sự thống nhất đất nước. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Đây là dự báo của một thiên tài, biết trước sự việc sẽ diễn ra.
Hình ảnh tại Hội thảo. (Ảnh: HH)
PGS, TS. Vũ Văn Phúc cũng nhấn mạnh, là Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đảng lãnh đạo, Đảng cầm quyền mà không đoàn kết thống nhất thì sự nghiệp cách mạng của dân tộc không thể thắng lợi.
"Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng" - đồng chí Vũ Văn Phúc khẳng định.../.