Phát huy hiệu quả sách lý luận chính trị trong ngành Tài chính

Thứ tư, 26/06/2019 16:49
(ĐCSVN) - Sách lý luận chính trị đã thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu trong công tác tư tưởng của Đảng; có ý nghĩa tích cực trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tài chính.
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 20 của Ban Bí thư

Ngày 27/1/2003, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW "Về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới". 

Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư, 15 năm qua, Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Tài chính, cấp uỷ và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc luôn quán triệt sâu sắc trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị trong toàn Đảng bộ; để mọi cán bộ, đảng viên nắm được vị trí, vai trò của sách lý luận chính trị, cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong công tác xuất bản và phát hành sách lý luận chính trị.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Tài chính, Nhà xuất bản Tài chính đã luôn chú trọng việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 20-CT/TW của Ban Bí thư trong và ngoài ngành Tài chính. Gần đây nhất, năm 2016, được sự phê duyệt của Đảng uỷ Bộ, Nhà xuất bản Tài chính đã xuất bản thành công ấn phẩm: “Cán bộ, công chức ngành Tài chính học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, biểu dương nhiều tập thể và cá nhân cán bộ, công chức trong toàn Ngành học và làm theo Bác.

Nhà xuất bản Tài chính đã tập trung vào công tác xuất bản các ấn phẩm có nội dung gắn với tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; công tác xây dựng, ban hành văn bản quản lý; xây dựng các cơ chế, chính sách; việc hướng dẫn tổ chức thực hiện… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác xuất bản phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị số 20-CT/TW.

Đội ngũ cán bộ, biên tập của Nhà xuất bản Tài chính không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, phẩm chất chính trị, đảm bảo là lực lượng “gác cổng" trên mặt trận văn hoá - tư tưởng của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ được giao của một nhà xuất bản chuyên ngành duy nhất của ngành Tài chính; đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác xuất bản phát hành sách lý luận, chính trị trong và ngoài Ngành.

Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Tài chính cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản Tài chính về công tác xây dựng, ban hành văn bản quản lý; xây dựng các cơ chế, chính sách; việc hướng dẫn tổ chức thực hiện… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả về công tác xuất bản phát hành sách lý luận, chính trị. Do đó, hầu hết các ấn phẩm xuất bản đều đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của Chỉ thị 20-CT/TW với nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo nhằm đưa chủ trương của Đảng vào ngành Tài chính về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị trong tình hình mới”.

Kết quả là qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị trong tình hình mới, nhìn chung các ấn phẩm lý luận, chính trị đã cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, trang bị kiến thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và một số ấn phẩm hướng dẫn công tác chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên…; góp phần quan trọng trong việc cung cấp các văn bản, tài liệu hướng dẫn cho cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị. Hệ thống sách trong toàn Ngành luôn bảo đảm tỷ lệ phù hợp sách lý luận, chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức nghiên cứu, học tập. Việc khai thác, sử dụng sách lý luận được duy trì thường xuyên, thông qua việc tuyên truyền giới thiệu sách lý luận chính trị, thông qua hình thức biên soạn, biên tập, phát hành các chuyên đề để phục vụ nhiều đối tượng nghiên cứu, học tập.

Nhu cầu sử dụng các loại sách về lý luận chính trị, sách tham khảo về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, văn kiện Đảng; sách phổ biến, tuyên truyền pháp luật; sách nghiên cứu lý luận, chính trị… khá lớn. Các thể loại sách thường xuyên được tìm đọc như: Sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở; sách giới thiệu các mô hình hay, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh chống những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; sách chuyên đề thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; học tập, nghiên cứu các nghị quyết Đảng; sách phổ biến những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong cuộc sống; thủ tục hành chính, về kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế; văn kiện Đảng...

Điều đáng mừng là, công tác quản lý, khai thác sử dụng mang lại hiệu quả tích cực. Đối với cấp cơ sở, hiện nay, nhu cầu tìm đọc, khai thác sách lý luận chính trị của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức khá cao, nhất là những nội dung có liên quan đến lĩnh vực công tác của Ngành. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về lý luận, chính trị có bước chuyển biến tích cực. Sách lý luận chính trị đã thật sự trở thành một công cụ hữu hiệu trong công tác tư tưởng của Đảng; có ý nghĩa tích cực trong việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình hiện nay, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Tài chính.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số hạn chế: Việc thống kê các đầu sách phát hành về đơn vị gặp nhiều khó khăn do chưa có phương pháp để kiểm soát, quản lý toàn diện, triệt để việc đặt mua sách lý luận chính trị của các chi, đảng bộ. Công tác tuyên truyền, phổ biến về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hành sách lý luận chính trị trong tình hình mới chưa được một số cấp uỷ, đơn vị quan tâm đúng mức. Thói quen đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin từ sách lý luận chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thường xuyên, do đó đã ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác, sử dụng sách lý luận chính trị. Về hình thức, nội dung sách chưa phong phú, chưa phù hợp với các đối tượng, nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Cộng tác viên của Ngành viết các ấn phẩm lý luận, chính trị còn ít, chưa chuyên sâu....

Để sách lý luận chính trị tiếp tục thu hút người đọc

Có thể khẳng định, trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, sách lý luận chính trị cũng phải đồng hành cùng công tác tư tưởng, lý luận; thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc góp phần truyền bá những giá trị kiến thức, những vấn đề lý luận và thực tiễn. Trên cơ sở đó, cung cấp cho bạn đọc hệ thống những tri thức về khoa học chính trị, triết học, đạo đức, pháp luật… giúp cho việc củng cố và xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan của con người thời kỳ mới.

Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý, các đơn vị xuất bản phải phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng được nêu trong Chỉ thị 20.

Đối với ngành Tài chính, để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 27/01/2003, thời gian tới, Đảng ủy Bộ tăng cường chỉ đạo cấp ủy đảng các cấp trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy các cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên về vị trí, vai trò của sách lý luận, chính trị trong tình hình mới.

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, thủ trưởng đơn vị trong tổ chức thực hiện hiệu quả, góp phần hình thành thói quen đọc sách đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong giai đọan hiện nay; góp phần phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, đẩy mạnh xây dựng văn minh công sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng các sách lý luận, đổi mới hình thức và nội dung cho phù hợp với từng đối tượng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng...

Mặt khác, cần khắc phục tình trạng thiếu sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống phát hành để giải quyết đầu ra cho các ấn phẩm lý luận, chính trị và sự tiếp cận của bạn đọc; nâng cao chất lượng và số lượng sách lý luận chính trị để đảm bảo phong phú, đa dạng. Các nhà xuất bản nên tạo điều kiện để đơn vị sử dụng sách chủ động trong việc đăng ký nhu cầu về số lượng sách phục vụ, tăng cường hơn nữa công tác quản lý xuất bản để đảm bảo chất lượng.

Sách lý luận chính trị thường bao gồm các nội dung mang tính tổng hợp ở tầm chiến lược, vĩ mô. Vì vậy, để thuận lợi cho khai thác, sử dụng, dễ hiểu và đi vào cuộc sống một cách thiết thực thì việc xuất bản, phát hành sách bổ sung thêm hình thức ấn phẩm dưới dạng hỏi - đáp là rất cần thiết. Có chính sách khuyến khích nhằm thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm, tâm huyết tham gia viết./.

Bùi Văn Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực