Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm sóc người có công (Ảnh minh họa: Thế Dương)
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”[1]. Người chỉ rõ: Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó đã ốm yếu. Vì vậy, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn và giúp đỡ những người anh dũng ấy”[2]. Đó là sự thể hiện nghĩa cử truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta.
Nghị quyết các kỳ Đại hội của Đảng ta đều khẳng định mục tiêu, nhiệm vụ công tác chính sách đối với người có công với cách mạng. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật cũng được xây dựng, ban hành, từng bước hoàn thiện nhằm thể chế đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác này, phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công được toàn xã hội quan tâm, huy động được tiềm năng to lớn của cộng đồng, đạt nhiều thành tựu trên các phương diện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh,... Từ những hành động “hiếu nghĩa bác ái”, phong trào “mùa đông binh sĩ”,… trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám 1945, sau này là những phong trào: vườn cây, ao cá, thửa ruộng, hũ gạo nghĩa tình,... trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, đã phát triển thành phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ với 5 chương trình lớn: Nhà tình nghĩa; Quỹ “đền ơn đáp nghĩa”; Sổ tiết kiệm tình nghĩa; Chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ đổi mới, đạt được hiệu quả to lớn.
Sáng mãi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, phong trào chăm sóc người có công đã trở thành tình cảm, trách nhiệm của toàn xã hội, là những nội dung quan trọng trong các diễn đàn. Qua đó, khơi dậy truyền thống, lòng yêu nước, huy động được sức mạnh của toàn xã hội và trở thành công việc thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, được phát triển từ thôn, bản, làng, xã, khu phố,… đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân, tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, góp phần để chăm sóc, nâng cao đời sống các hộ gia đình người có công với nước. Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, phong trào chăm sóc người có công ngày càng phát triển sâu rộng. Các chương trình: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng,... đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng dân cư, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công, tăng cường an sinh xã hội và “thế trận lòng dân” vững chắc.
Những năm qua, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã nỗ lực vượt bậc, triển khai hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều giải pháp, bước đi thích hợp, có hiệu quả. Tuy vậy, đến nay, chính sách người có công còn một số bất cập: một bộ phận người có công vì nhiều lý do vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách; hồ sơ tồn đọng còn nhiều; một số ít người khai man hồ sơ, trục lợi chính sách chưa được xác minh, xử lý nghiêm; số liệt sĩ chưa được quy tập và xác định danh tính còn nhiều. Vẫn còn không ít người có công gặp khó khăn về nhà ở và con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh khó khăn trong học tập, việc làm,... Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”[3].
Để phát huy tốt hơn nữa truyền thống đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, giúp cho họ bớt những khó khăn vất vả trong cuộc sống, rất cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân trong công tác đền ơn, đáp nghĩa. Trong thời gian tới, xin được đề xuất thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân đẩy mạnh hoạt động xã hội trong phong trào thi đua “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Theo đó, cấp ủy đảng các cấp cần lãnh đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi người có công với nước. Qua đó, làm cho mọi tổ chức chính trị xã hội trong hệ thống chính trị và nhân dân thấy rõ: thực hiên tốt công tác chính sách và phong trào “đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, là đạo lý của mỗi người đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh, là hành động thiết thực nhằm tiếp tục phát huy lòng hiếu nghĩa, bác ái, truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới. Phát huy truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” chính là việc làm thiết thực, góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi Người có công, làm căn cứ triển khai đồng bộ, đầy đủ chế độ ưu đãi đối với các đối tượng được thụ hưởng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách đối với người có công. Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chế độ ưu đãi, đáp ứng yêu cầu thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Hoạt động quản lý phải được đổi mới, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm việc xác nhận, chi trả trợ cấp, thực hiện các chế độ ưu đãi khác ngoài trợ cấp được nhanh chóng, kịp thời, toàn diện; tạo điều kiện thuận lợi để người và gia đình có công được thụ hưởng quyền ưu đãi, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với cá nhân và gia đình mình. Cần chú trọng hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tiêu cực, nhất là những biểu hiện tham nhũng trong lĩnh vực xã hội nhạy cảm này.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hoá phong trào toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 21/CT-TTg, ngày 22/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng và 5 chương trình tình nghĩa, cùng phong trào “Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công”. Tạo điều kiện để các phong trào, chương trình “đền ơn đáp nghĩa” phát triển đúng theo phương châm “Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu”. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc người có công; đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong công tác đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình tiên tiến làm tốt phong trào “đền ơn đáp nghĩa” và các đối tượng chính sách có nhiều cố gắng trong sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, v.v.
“Đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội, để cuộc sống tinh thần và vật chất của gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Thực hiện tốt công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn củng cố niềm tin vững chắc vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; góp phần quan trọng vào việc tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội bền vững./.
[1] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2000, tập 5, tr.175.
[2] Chủ tịch Hồ Chí Minh với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nxb. CAND, Hà Nội 2002. Tr.1425-1426.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội 2016, tr.31.