Tiếp tục xây dựng nông thôn mới tiệm cận với các tiêu chí trở thành quận trước năm 2025

Thứ tư, 14/08/2019 14:30
(ĐCSVN) – Đó là đề nghị của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khi dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” trên địa bàn huyện Thanh Trì ngày 14/8.

Chuyển dịch cơ cấu lao động, không ngừng nâng cao đời sống người dân

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen
cho các tập thể, cá nhân xuất sắc thực hiện Chương trình 02-CTr/TU. (Ảnh: LN)

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Đặng Đức Quỳnh cho biết: Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU, huyện Thanh Trì đã quan tâm phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và bền vững. Mỗi năm, huyện bố trí 5 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ công nghệ mới vào sản xuất.

Về phát triển nông nghiệp, huyện làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa với quyết tâm cao, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tạo cơ sở để phát triển nông nghiệp với những cánh đồng mẫu lớn. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều mô hình về sản xuất, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, như: Sản xuất lúa tập trung ở Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Tả Thanh Oai; ứng dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn hữu cơ tại Yên Mỹ, Duyên Hà; chuyển đổi trồng cây ăn quả, trồng hoa ở các xã Vạn Phúc, Yên Mỹ...

Trong xây dựng nông thôn mới, Thanh Trì là một trong những huyện dẫn đầu thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại 15/15 xã ngay từ năm 2015. Tháng 9/2017, huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện thứ hai của Thủ đô hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới (sau huyện Đan Phượng).

Về nâng cao đời sống nông dân, ước thu nhập bình quân đầu người của Huyện năm 2019 đạt 54,3 triệu đồng/người; tăng 8,6% so với mục tiêu của Chương trình (Mục tiêu đến 2020 đạt 50 triệu đồng/người). Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 01%. Vệ sinh môi trường, nhất là ở các dòng sông Tô Lịch, sông Nhuệ có chuyển biến tích cực…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Thanh Trì tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục xây dựng nông thôn mới tiệm cận với các tiêu chí trở thành quận trước năm 2025. Muốn thế, huyện cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động để nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, thực hiện, giám sát việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Là địa phương đang trong quá trình phát triển, với tốc độ đô thị hóa nhanh, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Thanh Trì cần quan tâm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương; bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị văn hóa, lịch sử các di tích. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, giữ gìn và phát huy nét đẹp trong văn hóa ứng xử, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Cần chú trọng thực hiện các giải pháp hiệu quả đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, đổi mới công nghệ; tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thanh Trì theo hướng bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; làm tốt công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đất đai, xây dựng, giao thông...

Đặc biệt, Thanh Trì cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ ở cơ sở và vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến xã trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương... Đặc biệt, cần chuẩn bị chu đáo để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện trong thời gian tới.

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trên địa bàn huyện./.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực