Bám bản “gieo chữ” vùng biên

Thứ ba, 18/01/2022 10:54
(ĐCSVN) - Trên vùng biên giới giáp Campuchia, có những thầy, cô giáo dành trọn tuổi thanh xuân “cắm bản”, đưa con chữ đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có thầy giáo Vũ Văn Chuyên ở trường Tiểu học - THCS Nguyễn Văn Trỗi, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.
 Thầy giáo Vũ Văn Chuyên (thứ hai từ trái sang) trao đổi phương pháp vận động học sinh đến lớp với Bộ đội Biên phòng.

Từ thành phố Pleiku, phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân tới điểm trường Klar thuộc Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Văn Trỗi của xã biên giới Ia Mơ. Mệt không nói ra lời, mọi người nhìn nhau thở gấp. Cái cảm giác đặt chân đến đích ở một nơi xa thật khó diễn tả. Vì hẹn trước nên thầy giáo Vũ Văn Chuyên đứng ở cổng trường đợi chúng tôi cũng đã khá lâu. Vồn vã, cởi mở, chân thành, mến khách…là cảm nhận đầu tiên về thầy trò nơi vùng biên giới xa xôi đối với khách xa.

Thầy Vũ Văn Chuyên tâm sự, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh rời quê xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương vào tận tỉnh Bạc Liêu học trung học sư phạm rồi trở thành giáo viên trường tiểu học tại huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau. Năm 2010, anh chuyển về Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Văn Trỗi. Hơn 11 năm ròng, không quản ngại khó khăn, gian khổ nơi rẻo cao Ia Mơ, thầy miệt mài truyền thụ những kiến thức học được cho những lớp học trò nghèo thân thương nơi đây.

Là địa phương với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm, tỉ lệ học sinh nghỉ hoặc bỏ học khá cao. Nhà trường loay hoay mãi mà chưa tìm được biện pháp duy trì sĩ số học sinh một cách hiệu quả. Từ năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021, được phân công Chủ nhiệm lớp 5B, kiêm nhiệm tổ khối trưởng 4+5, thầy giáo Vũ Văn Chuyên đã có sáng kiến: “Một số giải pháp duy trì sĩ số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Jrai”.

Thầy Chuyên cho biết, phong tục của bà con dân tộc Jrai là du canh, du cư, phụ huynh đi làm xa nên các em phải theo bố mẹ đi ngủ nương rẫy vào các mùa phát nương làm rẫy; do tục lệ ăn mừng nhà mới, bỏ mả, ăn đám cưới…kéo dài trong nhiều ngày khiến học sinh nghỉ học nhiều; thói quen trông chờ ỷ lại, tính tự ti của người dân còn cao. Bên cạnh đó, do phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con cái, học cũng được mà không cũng được nên học sinh lơ là không thích học; giáo viên chủ nhiệm phần đông không biết tiếng Jrai, phong tục, tập quán địa phương nên vận động học sinh hiệu quả chưa cao; phương pháp giảng dạy còn hạn chế…

Sau 2 năm học triển khai giải pháp của thầy Vũ Văn Chuyên, tỉ lệ duy trì sĩ số tại điểm trường Klar đạt 100%, tỉ lệ chuyên cần đạt 98%. Do tích cực bám trường, bám lớp, bám phụ huynh và hết lòng vì học sinh, tình cảm giữa thầy trò ngày thêm gắn bó, bền chặt. Nhiều học sinh do thầy Chuyên làm chủ nhiệm bỏ học đã trở lại lớp. Tiêu biểu như trường hợp của em Rơ Ma I, học đến lớp 3 thì mồ côi cả bố và mẹ, em đã bỏ học nhưng với tình thương và trách nhiệm, cùng với chương trình “Nâng bước em đến trường” của Bộ đội Biên phòng, mỗi tháng giúp em 500 nghìn đồng, Rơ Ma I đã quay lại lớp và đến nay đang là học sinh khá của trường. Trường hợp của học sinh Kpă Min, lớp 5B thì mẹ mất, bố đi làng xa lấy vợ khác, nhà trường cùng với thầy giáo chủ nhiệm Vũ Văn Chuyên tổ chức quyên góp mỗi tháng từ 10-15 kg gồm: gạo, mì tôm, muối, bột ngọt… tiếp sức cho em, thế là thành công.

Đêm, giữa đất rừng biên giới Ia Mơ, thầy Chuyên kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về những học sinh người dân tộc Jrai… Thầy tâm sự, mỗi năm lại một chuyến đò qua sông, có bao nhiêu khuôn mặt thân thương của đám học trò. Nhưng thầy không thể quên được cậu học trò người dân tộc Jrai tên là Ksor Nhớ. Giờ em đã là học sinh lớp 12A của trường THPT Plâyme, huyện Chư Prông, một cán bộ đoàn gương mẫu của lớp, của trường.

Chuyện là, năm ấy, thầy được phân công chủ nhiệm lớp 5A. Như thường lệ, khi trống vào lớp, thầy kiểm tra bài cũ xong xuôi, rồi thực hiện bài học mới. Thầy bao quát lớp và đi xuống giúp đỡ các em làm bài. Cả lớp thực hiện theo yêu cầu, chỉ riêng có em Kso Nhớ không thực hiện theo yêu cầu của giáo viên. Thầy hỏi: “Sao em không làm bài?”. Nhớ trả lời một cách tự nhiên bằng tiếng Jrai “Bô thầu” (có nghĩa là không thích).

Thật bất ngờ! Thầy Chuyên động viên rồi nói với em:“Việc học tập cần phải có thời gian, kiên trì sẽ đạt được thành công, nếu phần nào không hiểu, em có thể hỏi lại thầy”. Đến ngày hôm sau, khi các bạn đã vào chỗ ngồi ổn định chuẩn bị cho buổi học, không thấy Nhớ đến trường. Buổi học hôm ấy, thầy Chuyên cảm thấy thấp thỏm, lo lắng…

Ngay sau khi tan học, thầy nhờ mấy em học cùng lớp đưa xuống nhà tìm gặp Nhớ. Trông thấy thầy và các bạn, em bỏ chạy ra vườn điều rồi mất hút. Đến ngày hôm sau, chỉ một mình thầy xuống. Lần này em không chạy nữa. Thấy cậu bé mặc quần áo ướt sũng nước, thầy gặng hỏi thì Nhớ thủng thẳng trả lời trống không: “Đi thả lưới để bắt cá”. Một thái độ vui mừng, một tín hiệu tốt có được về Nhớ trong thầy vì em đã giao tiếp, hợp tác... đã tạo ra điều mà thầy đang cần. “Thôi đi thay quần áo đi cho đỡ lạnh kẻo bị đau (ốm)” - Thầy Chuyên ôn tồn nói với Nhớ. Vừa lúc đó bố mẹ em cũng đi nương về. Vì không biết tiếng Jrai nên câu chuyện đành phải gác lại. Hôm sau, thầy Chuyên phải nhờ một thầy giáo cùng trường là người bản địa cùng xuống phiên dịch giúp. Với tấm lòng chân thành và sự yêu thương thực sự, ngay hôm sau, Nhớ đã đến trường học lại bình thường. Thế là những lúc rảnh rỗi, giờ ra chơi, thầy Chuyên chủ động gặp em, vừa nói chuyện và trao đổi với em về tiếng Jrai, vừa chỉ dạy cho em về việc học hành. Mưa dầm thấm lâu, thầy trò ngày càng trở nên gắn bó, thân thiết…

Từ ngày đó, Nhớ đi học đầy đủ, kể cả những khi làng có lễ bỏ mả, hay nhà ma, cưới xin…em cũng không nghỉ học như các bạn cùng trang lứa. Thầy Chuyên tâm sự: “Tôi như có thêm một tình nguyện viên, một chuyên gia phiên dịch, khi có học sinh nghỉ học, tôi lại nhờ em. Thế là Nhớ lại rủ mấy đứa bạn đi gọi các bạn trong lớp ngay. Năm học ấy, lớp tôi làm chủ nhiệm, không có em nào nghỉ học cả. Và mỗi khi gặp khó khăn gì, em thường sang nhà tôi nhờ giúp đỡ, chỉ bảo. Từ khi em xa trường lên huyện học, cứ đến ngày 20/1 hằng năm, Nhớ không quên chúc mừng tôi, và mỗi độ Tết đến, Xuân về, bố mẹ của Nhớ thường qua lại thăm nhà, khi có chút gạo mới cũng mang cho”.

Thầy giáo Ngô Văn Vững, Hiệu phó điểm trường Klar, Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Văn Trỗi nhận xét: “Không chỉ là một giáo viên đam mê, nhiệt huyết với nghề, một giáo viên chủ nhiệm giỏi, chiến sỹ thi đua cơ sở, thầy Vũ Văn Chuyên còn là tấm gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, một đảng viên điển hình trong ngành giáo dục huyện Chư Prông”.

Dẫu cái khó, cái nghèo vẫn còn hiện hữu nơi đây, nhưng với lòng đam mê, nhiệt huyết của những người đang ngày đêm miệt mài bám trường, bám bản, hết lòng vì học sinh thân yêu như thầy giáo Vũ Văn Chuyên, những con chữ trên vùng cao biên giới Gia Lai vẫn được ươm mầm, nảy nở…

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực