Chiều 8/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến với Sở GD&ĐT Bình Định về giám sát thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT).
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của UBND tỉnh Bình Định đánh giá: Triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đầy đủ, kịp thời, từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản GD&ĐT, tạo hành lang pháp lý cho thực hiện chương trình, SGK GDPT.
|
Đại biểu tham dự tại đầu cầu Sở GD&ĐT Bình Định. (Ảnh: TT) |
Quy chế, quy trình biên soạn chương trình GDPT tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục được ban hành theo Luật định, tương đối đầy đủ, khoa học. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành được chương trình GDPT hoàn chỉnh trước khi tổ chức biên soạn SGK.
Về phía tỉnh Bình Định, các văn bản của HĐND, UBND, Sở GD&ĐT được ban hành kịp thời, tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội trong việc đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo.
Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 được UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai sớm. Bắt đầu từ khâu rà soát, sắp xếp, sáp nhập trường có quy mô nhỏ; dồn dịch điểm trường lẻ gần điểm chính, đi lại thuận tiện do đó mạng lưới trường lớp ngày càng tinh gọn, hiệu quả trong việc bố trí, sử dụng nguồn lực.
Đội ngũ giáo viên đã được bổ sung về số lượng. Trong tuyển dụng đã quan tâm nhiều đến cơ cấu và chất lượng. Công tác bồi dưỡng được thực hiện một cách chủ động, nội dung bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả. Do đó, khi thực hiện chương trình mới giáo viên hoàn toàn chủ động xử lý các vấn đề mới phát sinh, không bỡ ngỡ, lúng túng.
Cơ sở vật chất đã được các địa phương quan tâm đầu tư, đa số các cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày. Các trang thiết bị được mua sắm bổ sung, nhất là các thiết bị công nghệ mới đầu tư cho các lớp 1, lớp 2 góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Việc lựa chọn SGK được đông đảo phụ huynh, học sinh và đội ngũ giáo viên ủng hộ, dư luận xã hội đồng thuận cao. Tài liệu giáo dục địa phương được biên soạn công phu, thẩm định kỹ lưỡng, phát hành kịp thời và đưa vào giảng dạy đúng theo lộ trình.
Các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được vận dụng linh hoạt nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tất cả các trường đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số điểm nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Về hạn chế, khó khăn, vướng mắc, theo ông Đào Đức Tuấn, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 được tiến hành trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát nên gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Cơ sở vật chất của một số đơn vị chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình. Một số trường còn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng; đồ dùng, trang thiết bị đã xuống cấp.
Một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa chủ động trong việc tự nghiên cứu, tiếp cận với chương trình mới, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục môn học còn gặp khó khăn nhất định. Nhà trường chưa thực hiện được quyền tự chủ cho tổ bộ môn sắp xếp lại nội dung, xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp với đối tượng học sinh ở trường mình.
|
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: TT) |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đổi mới chương trình SGK GDPT theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội được Đảng, Nhà nước, nhân dân đặc biệt quan tâm.
Ngày 29/8/2022, Quốc hội có Nghị quyết số 581 quyết định thành lập 4 đoàn giám sát tối cao; trong đó có 2 đoàn giám sát tối cao ở cấp Thường vụ Quốc hội và 2 đoàn giám sát tối cao cấp độ Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết số 581, Quốc hội đã ban hành Quyết định 59 về thành lập đoàn giám sát và chọn 8 địa phương Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp, trong đó có Bình Định.
Đánh giá cao nỗ lực của ngành Giáo dục Bình Định trong triển khai đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Thứ trưởng đồng thời đưa ra những lưu ý khi địa phương, cơ sở giáo dục chuẩn bị đón đoàn giám sát.
Trong đó, cán bộ, giáo viên phải nắm chắc, hiểu sâu chương trình mới. Khi báo cáo, trả lời đoàn giám sát cần rõ, thẳng thắn, đầy đủ, trung thực, nêu được cả điểm mạnh, hạn chế và chỉ rõ nguyên nhân… để đoàn giám sát đưa ra kết luận cuối cùng phản ánh đúng, khách quan những gì ngành Giáo dục đã và đang làm.
Thứ trưởng hoanh nghênh Sở GD&ĐT Bình Định đã hoàn thành việc tổ chức bồi dưỡng cho 204 giáo viên môn Tin học và Công nghệ cấp tiểu học, 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học) và 512 giáo viên môn Lịch sử và Địa lí cấp THCS để đáp ứng việc giảng dạy các môn học này.
"Giáo dục là một quá trình và cần có thời gian đủ lớn để đánh giá kết quả. Cùng đó, khi xây dựng chương trình, có những việc triển khai được ngay; nhưng cũng có việc cần cả quá trình, không phải có sẵn, đầy đủ mọi điều kiện mới làm. Ví dụ như triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, cần lộ trình từng bước để chuẩn bị đội ngũ có thể làm chủ được các phân môn của môn học" - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý.
Sau cuộc họp hôm nay, Thứ trưởng đề nghị Sở GD&ĐT tổ chức cuộc họp với các đơn vị đoàn giám sát sẽ làm việc trực tiếp để chuẩn bị chu đáo, tốt nhất cho việc đón đoàn tới đây, đặc biệt là các vấn đề về chuyên môn./.