Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, năm học 2021-2022, số lượng cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) khu công nghiệp, cụm công nghiệp là 1.021 cơ sở. Trong đó, 119 trường công lập; 323 trường tư thục; 579 cơ sở GDMN độc lập tư thục. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ đạt 27,03% (20.453/75.679 trẻ); trẻ mẫu giáo 69,57% (89.152/128.147 trẻ); trẻ mẫu giáo năm tuổi đạt 90,40% (32.210/35.629 trẻ).
|
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Chi Mai |
100% cơ sở GDMN ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chương trình GDMN sau sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 51/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cấp quản lý GDMN luôn chú trọng quản lý chặt chẽ công tác chăm sóc sức khoẻ, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, nhất là đối với các cơ sở GDMN độc lập tư thục. Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, giám sát việc thực hiện các quy định đối với các cơ sở GDMN được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với khoảng hơn 513.000 lao động đang làm việc, phân bổ dàn trải trên 9/9 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng dẫn tới nhiều vấn đề khó khăn cần giải quyết. Trong những năm qua, mặc dù được chính quyền quan tâm đầu tư nên chất lượng cuộc sống của người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại Bình Dương từng bước được cải thiện nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, giáo dục là vấn đề mà người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lo lắng và bậc học chịu áp lực nhiều nhất là mầm non. Do số công nhân nhập cư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đông dẫn đến số học sinh trong độ tuổi mầm non tăng cao. Trong khi đó, hệ thống trường lớp không đáp ứng đủ yêu cầu đang đặt ra nhiều áp lực đối với ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương.
Hiện toàn tỉnh đang còn thiếu 2.966 giáo viên mầm non tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tập trung chủ yếu là giáo viên mầm non tư thục. Đây là trở ngại, thách thức lớn trong việc bảo đảm an toàn cho trẻ và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình GDMN. Nguyên nhân là do tính chất lao động của giáo viên mầm non khá đặc thù (chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng và giáo dục), nhưng mức thu nhập còn thấp; bên cạnh đó là nhu cầu lao động công nghiệp - thương mại - dịch vụ (lao động giản đơn) của các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là rất lớn, người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp nên khó thu hút nguồn nhân lực vào ngành mầm non.
Về các chính sách của tỉnh để nâng cao chất lượng giáo viên tư thục, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cũng cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch theo từng giai đoạn và trình UBND tỉnh. Riêng đối với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho trẻ em ở các khu công nghiệp theo quy định của Trung ương, hồ sơ cũng đã triển khai, sẽ tiếp tục kiểm tra để quyền lợi nhanh chóng đến được đối tượng. Riêng về công tác xã hội hóa giáo dục, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa GDMN, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trường lớp mầm non phục vụ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân, người lao động ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Hiện tại, tại các công ty có số lượng công nhân lớn, đều thành lập trường mầm non tại đơn vị để phục vụ cho con công nhân của công ty mình.
Đại diện Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cho biết, đặc thù của Bình Dương là có các khu công nghiệp thành lập qua nhiều giai đoạn khác nhau, nên nhu cầu xã hội hóa cũng khác nhau. Hiện nay, tỉnh đang quy hoạch lại các khu công nghiệp, trong đó yêu cầu các khu công nghiệp khi quy hoạch phải dành ra ít nhất 2% quỹ đất cho các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, giải trí...
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp muốn thành lập nhóm trẻ học tại nhà máy, xí nghiệp để giảm thời gian công nhân đưa rước con. Tuy nhiên vấn đề khó khăn là tình trạng thiếu giáo viên cũng như những quy định về chính sách tiền lương. Mặc khác, đối với trẻ em, học tại các trường công lập sẽ được cấp giấy chứng nhận hết bậc mầm non chính quy, riêng với trẻ em học tại các trường mầm non do doanh nghiệp thành lập chưa có quy định cụ thể đối với việc cấp giấy chứng nhận. Do đó kiến nghị Trung ương cần có chính sách giáo dục đặc thù tại các khu công nghiệp.
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thông tin thêm, hiện trên địa bàn tỉnh có 2 thiết chế đó là Trung tâm Hội nghị sự kiện (có nhà thi đấu, nhà bơi, sân bóng) và Trung tâm Văn hóa thị xã Bến Cát, có nhà văn hóa đa năng chuẩn bị đi vào hoạt động. Hai thiết chế này đều được tỉnh hỗ trợ hoàn toàn quỹ đất. Hiện đơn vị đang tham mưu lên UBND tỉnh chương trình hành động xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân và thiết chế trường mầm non tại doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh, bên cạnh các công ty trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, còn có các công ty ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, do đó sẽ có những khó khăn nhất định trong vấn đề an sinh xã hội, thu hút đầu tư, chính sách y tế, hạ tầng giao thông. Tỉnh đã và đang quy hoạch lại để không gian phát triển kinh tế - xã hội phù hợp hơn và đảm bảo quốc phòng an ninh./.