Cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới

Thứ sáu, 06/05/2022 21:17
(ĐCSVN)- Trường ĐH Ngoại thương (FTU) chính thức trở thành một trong 17 cơ sở giáo dục được lựa chọn từ 126 cơ sở giáo dục tại 54 quốc gia trên thế giới, trở thành cơ sở giáo dục duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia Chương trình WTO Chairs (WCP) giai đoạn 3 từ năm 2022 đến năm 2026.

WCP – FTU: Giải pháp kết nối thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO

Chiều 6/5, tại Trường ĐH Ngoại thương đã diễn ra Lễ khởi động Chương trình WTO Chair theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

 Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương và các đối tác. Ảnh: VA

Phát biểu tại buổi Lễ khởi động, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: Chương trình WCP được Ban Thư ký Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa ra vào năm 2010 với mục đích nâng cao kiến thức và hiểu biết về hệ thống thương mại thế giới cho các chuyên gia, học giả và các nhà hoạch định chính sách ở các nước đang phát triển.

Đến nay, Chương trình đã trải qua 3 giai đoạn với 5 mục tiêu nhất quán chính gồm: Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực liên quan đến thương mại quốc tế; Xây dựng và triển khai các khóa học về thương mại quốc tế và hỗ trợ các cơ sở đào tạo trong quá trình giảng dạy; Khuyến khích các hoạt động truyền thông và lan tỏa đến cộng đồng; Thu thập thông tin và thúc đẩy chia sẻ kiến thức về thương mại quốc tế và Thiết lập mạng lưới chặt chẽ giữa các học giả.

PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho hay, với mong muốn giải quyết khoảng cách quá lớn giữa việc thực hiện các cam kết của Chính phủ từ góc độ chính sách và vai trò của các bên liên quan trong thực tế, từ đó đề xuất các giải pháp kết nối các bên liên quan trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới, Chương trình Chủ tịch WTO Trường ĐH Ngoại thương xác định mục tiêu chung của chương trình là “Tăng cường hợp tác giữa các chủ thể trong ngành, các tổ chức học thuật và chính phủ trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thế hệ mới”.

Để đạt được mục tiêu trên, PGS.TS Bùi Anh Tuấn cho biết Trường ĐH Ngoại thương dự định thực hiện nhiều hoạt động xoay quanh ba trụ cột chính của chương trình: hoạt động nghiên cứu, hoạt động xây dựng chương trình đào tạo và hoạt động tiếp cận với sự hỗ trợ trực tiếp của Tổ chức Thương mại Thế giới và sự hợp tác của các đối tác đại diện cho các bên liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, VCCI, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

Cũng tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang bày tỏ với những giá trị mà Chương trình WTO Chair của Trường ĐH Ngoại thương đã, đang và sẽ mang lại, cụ thể là nâng cao năng lực cho khu vực công, đặc biệt là các cơ quan chức năng/chính quyền địa phương, cho các tổ chức, doanh nghiệp cũng như tăng cường kết nối giữa các chủ thể nhằm thực hiện đúng và hiệu quả cam kết của Việt Nam trong WTO và các FTA thông qua các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và lan toả cộng đồng, Thứ trưởng tin tưởng Trường ĐH Ngoại thương sẽ đóng góp một vai trò quan trọng và trở thành cầu nối ba bên: Cơ quan nhà nước – Trường Đại học – Doanh nghiệp, góp phần giúp Việt Nam giải quyết hiệu quả những vấn đề kinh tế, pháp lý đặt ra từ quá trình hội nhập vào hệ thống thương mại đa biên hay quá trình tự do hóa thương mại khu vực.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng tin tưởng vào khả năng thực thi hiệu quả Chương trình WTO Chair của Trường ĐH Ngoại Thương, trường đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo chuyên sâu về thương mại quốc tế và là trường đại học được đánh giá cao về khả năng kết nối, hợp tác trong nước và quốc tế cũng như phối hợp nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Ngay sau buổi Lễ khởi động là Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Ngoại thương và các đối tác; các phiên thảo luận bàn tròn về sự hợp tác hiệu quả với các bên liên quan trong khuôn khổ Chương trình “FTU WTO Chair”./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực