|
Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III diễn ra từ ngày 25 đến 27/11.
|
Sáng ngày 25/11, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) phối hợp với Trường Đại học Tổng hợp Liên bang miền Đông Bắc mang tên M.K.Ammosov (NEFU) khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Tiếng Nga ở châu Á” lần thứ III. Sự kiện kéo dài từ ngày 25 đến 27/11, quy tụ gần 200 đại biểu gồm các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên.
Trong hơn 10 năm kể từ khi thành lập Khoa Ngôn ngữ Nga vào năm 2013, HUBT đã đào tạo được nhiều cử nhân tiếng Nga và hỗ trợ trên 30 sinh viên nhận học bổng toàn phần của chính phủ hai nước để du học tại Nga. Cùng với sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Nga và Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, trường đã xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt với nhiều cơ sở giáo dục của Liên bang Nga, bao gồm việc ký kết các thỏa thuận quan trọng. Năm 2022, HUBT và NEFU đã ký một thỏa thuận hợp tác, kết quả thực tiễn là việc đồng tổ chức hội thảo lần này và thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nga tại HUBT.
|
Không gian giao lưu văn hóa “Yakutia - Việt Nam” giữa sinh viên NEFU và HUBT.
|
Hội thảo tập trung vào các vấn đề quan trọng như tổng quan ngành Ngôn ngữ Nga trong bối cảnh giáo dục thế giới đa cực, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy tiếng Nga, và những thách thức trong việc giảng dạy ngôn ngữ này hiện nay. Nhiều chuyên gia trình bày về vai trò của các ký hiệu trong giảng dạy tiếng Nga, kinh nghiệm quốc tế trong việc dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, cũng như những cơ hội và hạn chế của trí tuệ nhân tạo trong hệ thống dạy học.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đăng Phát, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Việt - Nga, Tổng Biên tập tạp chí Bạch Dương, nhấn mạnh rằng việc giảng dạy và quảng bá tiếng Nga tại Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của hội. Ông cũng nhắc đến sự cần thiết của việc áp dụng các công nghệ hiện đại, trong đó có trí tuệ nhân tạo, để nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Nga trong bối cảnh mới.
|
Hội thảo thu hút sự tham dự của gần 200 đại biểu gồm các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ, giảng viên và sinh viên.
|
Đáng chú ý, hội thảo còn tạo không gian giao lưu văn hóa “Yakutia - Việt Nam” giữa sinh viên NEFU và HUBT, thể hiện mối quan hệ hữu nghị bền vững và sự gắn kết văn hóa giữa hai quốc gia.
Sự kiện lần này không chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy hợp tác giáo dục mà còn là cầu nối để lan tỏa văn hóa Nga tại châu Á và quảng bá văn hóa Việt Nam tại Nga. Với sự tham gia và đóng góp của các nhà khoa học, hội thảo hứa hẹn mang lại những ý tưởng sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Nga và mở ra những hướng đi mới trong nghiên cứu ngôn ngữ và giáo dục./.