Chứng chỉ IELTS có phải là tấm "bùa hộ mệnh"?!

Thứ ba, 05/03/2024 18:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Việc dùng IELTS như một tấm "bùa hộ mệnh" đang trở thành sự bất cập, làm sai lệch đi bản chất của việc học ngoại ngữ. Học là nhu cầu tự thân chứ không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả…

Trước tình trạng một số địa phương bổ sung nội dung ngoài quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh vào lớp 10 THPT, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu dừng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ quốc tế, học sinh giỏi cấp tỉnh.

Thực tế, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT được thực hiện theo Văn bản hợp nhất Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và THPT số 03/VBHN-BGDĐT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Quy chế không có quy định tuyển thẳng hay cộng điểm ưu tiên  đối với những đối tượng trên và Bộ GD&ĐT cũng chưa bao giờ cho phép việc này. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương điều chỉnh để thực hiện đúng theo Quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân của học sinh. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng đó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc; không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ, được tuyển thẳng, hay ưu tiên trong tuyển sinh.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL. 

Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, học ngoại ngữ là chủ trương lớn của đất nước. Việc này nhằm trang bị cho học sinh năng lực ngoại ngữ để các em có một phương tiện tiếp cận nguồn tri thức trong nước và hội nhập quốc tế.

Tất cả chế độ khuyến khích nhằm quán triệt đến địa phương, nhà trường có thể triển khai tổ chức, học tập môn Ngoại ngữ theo đúng quy định một cách hiệu quả nhất. Và như thế, các em học chứng chỉ ngoại ngữ để dùng chứ không phải học ngoại ngữ chỉ là để học ngoại ngữ. Trải qua các kỳ thi, chúng ta chứng minh được năng lực thực sự của mình để có kế hoạch học tập tốt hơn, lựa chọn nghề nghiệp đúng hơn, đáp ứng yêu cầu của cá nhân, phát triển bản thân cũng như đóng góp cho gia đình và xã hội.

“Lời khuyên của tôi là học sinh phải có động lực học và học thực sự nghiêm túc. Học thật rồi thì không cần trông chờ vào sự ưu tiên nào cả. Nếu ở đối tượng được ưu tiên, được tuyển thẳng thì chúng ta hưởng; nhưng nếu không thì chúng ta học để có năng lực bản thân”, ông Thành chia sẻ.

Cô giáo Nguyễn Thu Hồng, giáo viên một trường THCS trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm, các em học sinh, các bậc cha mẹ hãy nghĩ rằng, lợi ích lâu dài trong học ngoại ngữ là trang bị cho các em phương tiện, công cụ để học tập và có kiến thức để thi tốt hơn; không nên chạy đua học để lấy chứng chỉ để được ưu tiên cộng điểm khi tuyển sinh. Do đó, nếu không được cộng điểm ưu tiên thì cũng không nên cảm thấy tiếc nuối hay cho rằng đã đầu tư lãng phí…

Không thể phủ nhận những tác động tích cực của việc học thêm các chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đúng vai trò của chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ ngoại ngữ khác; đồng thời làm rõ những đối tượng, lứa tuổi nào phù hợp để học, thi chứng chỉ IELTS; tránh tình trạng nhà nhà đổ xô cho con đi học IELTS. Việc học sinh chỉ chạy đua, chú trọng, đầu tư thời gian học và luyện đề IELTS để đạt điểm cao, có thể dẫn đến kết quả học lệch, không tốt cho sự phát triển của học sinh; đồng thời đang tạo lên xu hướng việc học ngoại ngữ bị thương mại hoá.

Bên cạnh đó, chi phí cho một khoá luyện thi IETLS rất đắt đỏ, lệ phí thi cao, nếu các phụ huynh và học sinh cứ “cố đấm ăn xôi” thì rất lãng phí và hiệu quả không được như mong muốn, vô tình có thể tạo thêm áp lực cho các em học sinh. Mặt khác, tạo sự không công bằng với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng như học sinh ở vùng sâu vùng xa, học sinh chưa có điều kiện tiếp cận IELTS. 

Vì vậy, đã đến lúc cần nhìn nhận đúng vai trò của các chứng chỉ ngoại ngữ, không nên làm sai lệch bản chất của việc học ngoại ngữ để các em học sinh có thể sử dụng đúng mục đích, hiệu quả; chứ không phải “thần thánh hoá” chứng chỉ này như hiện nay./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực