Đã có nhiều điều chỉnh về dạy học các môn tích hợp phù hợp thực tế

Thứ sáu, 13/01/2023 22:36
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN)- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe, trao đổi và đã có nhiều điều tiết, điều chỉnh về việc dạy học các môn tích hợp cho phù hợp với thực tế của các nhà trường. Sau các đợt giám sát của Quốc hội, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đánh giá và điều chỉnh.

Ngày 13/1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022 tại huyện Ứng Hoà.

Tham gia đoàn giám sát có Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn; đại diện các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Sở GDĐT và các sở, ngành của thành phố Hà Nội, UBND huyện Ứng Hòa; đại diện các trường học trên địa bàn huyện.

 Quang cảnh cuộc giám sát. Ảnh: TT

Báo cáo của UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện và quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện nay, toàn huyện có tổng số 3.435 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. 88,39% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo quy định trong Luật Giáo dục 2019. So với yêu cầu, cấp Tiểu học còn thiếu 166 giáo viên, cấp THCS thiếu 29 giáo viên. Tuy nhiên, tháng 12/2022, UBND huyện đã tổ chức thi tuyển được 108 giáo viên tiểu học trên 134 chỉ tiêu và tuyển hết 37 chỉ tiêu giáo viên THCS. Do đó trong thời gian tới, giáo viên THCS cơ bản bảo đảm đủ. 100% giáo viên giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được tập huấn về chương trình, sử dụng sách giáo khoa, về kiểm tra đánh giá và xây dựng kế hoạch giáo dục…

Về cơ sở vật chất, các trường trên địa bàn cơ bản đáp ứng được việc dạy học 2 buổi/ngày, tuy nhiên thiết bị dạy học bổ sung để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn chậm. Để đảm bảo trang thiết bị phục vụ dạy và học theo chương trình mới với lớp 2, 3, 6, 7, Phòng GD&ĐT huyện đã chỉ đạo nhà trường kiểm tra, rà soát các thiết bị hiện có để sử dụng trong các giờ dạy, khuyến khích tự làm đồ dùng dạy học. Cùng với đó, các nhà trường cũng tích cực ứng dụng các phần mềm dạy học, sử dụng kho học liệu điện tử bài giảng, bản đồ, tranh, ảnh, video clip, các thí nghiệm ảo để hỗ trợ giảng dạy…

Báo cáo của UBND huyện Ứng Hoà nhận định: Triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giúp học sinh phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới. Xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa đã thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, khuyến khích được các nhà giáo, nhà khoa học có chất lượng tham gia viết sách. Giáo viên cũng được thúc đẩy để nâng cao năng lực nghề nghiệp do thực hiện chương trình mới đòi hỏi cao hơn về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ…

Thời gian qua, các trường trên địa bàn huyện đã chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; đổi mới quản lý, quản trị nhà trường. Việc lựa chọn, cung ứng sách giáo khoa mới được thực hiện bảo đảm đúng quy định, đầy đủ, kịp thời. 100% học sinh có đủ sách giáo khoa để sử dụng.

Thầy giáo Nguyễn Nam Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A trao đổi tại cuộc giám sát. Ảnh: TT 

Giáo viên phải thực sự tâm huyết, nỗ lực mới đáp ứng chương trình

Chia sẻ với đoàn giám sát, đại diện cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn huyện Ứng Hòa đều khẳng định sự cần thiết, tính đúng đắn, phù hợp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, sự quan tâm vào cuộc trong triển khai thực hiện chương trình từ Bộ GDĐT, địa phương đến từng cơ sở giáo dục.

Thầy Nguyễn Nam Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Ứng Hòa A cho biết, nhà trường triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thuận lợi. Trước khi triển khai chương trình mới ở lớp 10, Sở GD&ĐT đã tổ chức hội nghị để hiệu trưởng các trường THPT được trực tiếp trao đổi, nêu câu hỏi, thắc mắc với Bộ GDĐT và được giải đáp trực tiếp. Nhờ đó, nhà trường khá chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng tiến hành thuận lợi, vai trò của giáo viên được thể hiện rất rõ và hiện nhà trường được sử dụng bộ sách cho chính mình đề xuất.

Cô giáo Bùi Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Xá nhìn nhận, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chuẩn bị kỹ lưỡng, phù hợp với xu thế và thực tế. Bộ GDĐT, thành phố Hà Nội đã quan tâm có giải pháp, triển khai cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là đối với phương pháp giảng dạy và ở các môn học mới.

Về sách giáo khoa, cô Thuỷ cho rằng, các bộ sách đều đáp ứng yêu cầu, quá trình lựa chọn sách được hướng dẫn kỹ, có sự tham gia ý kiến từ giáo viên trực tiếp giảng dạy và phụ huynh học sinh.

Khẳng định chương trình có nhiều ưu điểm, phát huy năng lực của học sinh, giáo viên, cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tân cho rằng, để thực hiện được chương tình, giáo viên phải học hỏi rất nhiều và nếu đáp ứng được sẽ mang lại rất nhiều điều tích cực cho cả học sinh và giáo viên. Cô Hương cũng cho biết, với hướng dẫn đầy đủ của các cấp rất dễ dàng triển khai chương trình, thuận lợi trong xây dựng kế hoạch nhà trường.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao đổi tại cuộc giám sát. Ảnh: TT

 “Đổi mới chưa có tiền lệ, do đó cần kiên trì mục tiêu lớn, điều chỉnh dần”

Trao đổi tại cuộc giám sát, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng, phạm vi tác động cũng như sự kỳ vọng của việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông - thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những trọng tâm nhằm triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Công việc đổi mới có phạm vi tác động rộng, đối tượng tác động lớn, tốc độ triển khai nhanh, toàn xã hội đặt kỳ vọng sẽ nhìn thấy rất nhiều thành quả của đổi mới.

Nhìn nhận “đổi mới là một quá trình, 63 tỉnh/thành trong cả nước là 63 hoàn cảnh tham gia đổi mới”, do đó, theo Bộ trưởng, dù kỳ vọng lớn song cần xác định nguyên tắc mục tiêu căn bản của đổi mới cần làm ngay, còn mục tiêu trọn vẹn phải từng bước. “Có những vấn đề đặt ra là mục tiêu để phấn đấu, kế hoạch để thực hiện, chứ không thể đầy đủ, trọn vẹn ngay. Chuyển đổi là quá trình không thể một sớm một chiều”, Bộ trưởng nói.

Đề cập tới sự khác biệt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với Chương trình 2006 khi lấy chương trình là gốc và việc dạy học theo chương trình, Bộ trưởng đồng thời nhìn nhận để giáo viên thích ứng được với chương trình khác về bản chất như vậy không phải một sớm một chiều mà cần một cuộc cách mạng với thay đổi rất sâu về năng lực, kỹ năng, thái độ, sư phạm… Nêu vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng, quá trình giám sát cần đánh giá giáo viên đã thích ứng, đổi mới đến đâu, đạt được mức độ nào, những gì cần làm tiếp theo để giáo viên có thể thích ứng, đổi mới.

Trước một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và giáo viên, cán bộ quản lý quan tâm, nêu ý kiến tại cuộc giám sát như dạy học các môn tích hợp, tập huấn giáo viên, kinh phí bồi dưỡng tập huấn giáo viên, thiếu giáo viên, cơ sở vật chất…, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những trao đổi cụ thể.

Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ trưởng cùng Bộ GD&ĐT đã lắng nghe, trao đổi và đã có nhiều điều tiết, điều chỉnh về việc dạy học các môn tích hợp cho phù hợp với thực tế của các nhà trường. Sau các đợt giám sát của Quốc hội, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục đánh giá và điều chỉnh. “Đổi mới chưa có tiền lệ, do đó cần kiên trì mục tiêu lớn, điều chỉnh dần”, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Đối với công tác tập huấn giáo viên, Bộ trưởng khẳng định, công tác hỗ trợ giáo vên trong quá trình chuyển đổi cần làm nhiều nữa và sẽ tiếp tục làm, đồng thời mong muốn đội ngũ giáo viên phát huy hơn nữa tinh thần tự học, tự phát triển để đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đối với đội ngũ hiệu trưởng, hiệu phó các nhà trường, Bộ trưởng lưu ý cần đi đầu trong chuyển đổi, bởi “khi giáo viên thay đổi nhưng hiệu trưởng không thay đổi thì trường học cũng khó thay đổi”.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Bộ trưởng đề nghị, đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị với thành phố Hà Nội đầu tư để trong một vài năm nữa sẽ có đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất trường lớp cho các trường học. Riêng về đội ngũ giáo viên các môn học mới như Mỹ thuật, Âm nhạc hiện còn thiếu, theo Bộ trưởng, không thể giải quyết lập tức nhưng phải được đặt ra và làm dần dần, trong đó cần ghi nhận từng bước đã làm được đến đâu./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực