Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Thứ ba, 27/12/2022 18:15
(ĐCSVN)- Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là quá trình tác động lâu dài nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, tình cảm và hành vi cá nhân của học sinh. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt vừa mang tính chiến lược, có giá trị định hướng lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoạt động này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, xuyên suốt từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng, xã hội. Trong đó, giáo dục đạo đức gắn chặt với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, giáo dục trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và lao động hướng nghiệp.

Trong bối cảnh công nghiệp hoá, toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, coi trọng, phát triển phẩm chất, năng lực của người học trở thành xu thế tất yếu và phổ quát của mọi nền giáo dục trên toàn thế giới. Xu thế đó đòi hỏi giáo dục phải đào tạo ra những công dân thế kỉ XXI có đầy đủ những phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu của đời sống, xã hội và hội nhập quốc tế, bao gồm: năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp, năng lực xã hội và năng lực cá thể, phù hợp với bốn trụ cột giáo dục theo quan niệm của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để cùng chung sống, học để tự khẳng định.

 Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Đối với Việt Nam, mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trong đó đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Do đó, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trong đó có học sinh luôn được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, các gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Nền tảng bảo đảm giá trị bền vững của giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các em thông qua chương trình hành động đa dạng, thiết thực và hiệu quả. Do vậy, các nội dung giáo dục cho học sinh phải mang tính hiện đại nhưng không tách rời các giá trị đạo đức của dân tộc, xây dựng ý thức kỉ luật, hình thành kĩ năng sống và phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Trên cơ sở đó, thu hút được học sinh vào các hoạt động giáo dục, tạo động lực cho các em trong việc thực hành, vận dụng các giá trị đạo đức vào xây dựng lý tưởng, lối sống và khát vọng cho bản thân mình; đồng thời đảm bảo sự đồng tâm và phát triển ở các bậc học.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung và yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu của học sinh ở cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được thể hiện ở kết quả đầu ra gồm 05 phẩm chất: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”.

Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, ngoài những nội dung, yêu cầu cần đạt về phẩm chất theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, căn cứ vào điều kiện, tình hình, đặc điểm các hoạt động giáo dục được tổ chức ở mỗi nhà trường, đặc thù của mỗi môn học, giáo viên nghiên cứu cập nhật, tích hợp, lồng ghép các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khát vọng cống hiến cho học sinh. Trong đó, lý tưởng cách mạng thôi thúc niềm tin, khát vọng phấn đấu của mỗi học sinh và mỗi người dân Việt Nam đạt tới chính là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. khát vọng cống hiến được hiểu là ước mơ, hoài bão mang tài năng, sức lực của cá nhân để đóng góp cho xã hội, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, con người ngày càng hoàn thiện hơn.

Với học sinh, cống hiến không phải là những hành động quá lớn lao, vĩ đại mà có thể xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Học sinh tự nguyện, tự giác đóng góp trí tuệ, tài năng và tâm huyết của bản thân vì lợi ích của tập thể và cộng đồng trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi mà không đòi hỏi được đáp lại. Để phát huy khát vọng cống hiến, lối sống cống hiến, học sinh có thể đóng góp từ những việc có ý nghĩa dù là đơn giản nhất, duy trì đạo đức, hoàn thiện bản thân và hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Để tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, các nhà trường cần triển khai đồng bộ hai phương thức giáo dục (hay còn gọi là con đường giáo dục) chủ yếu, đó là: Giáo dục thông qua dạy học các môn học có tiềm năng và giáo dục thông qua các hoạt động giáo dục (bao gồm cả hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, hoạt động giáo dục trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS và THPT như  sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, sinh hoạt câu lạc bộ, …).

Mỗi phương thức giáo dục này cần đảm bảo những nguyên tắc riêng, được thực hiện theo những phương pháp riêng và được đánh giá bằng những phương pháp, công cụ đặc trưng./.

Minh Thu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực