Đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhà trường trong việc lựa chọn sách giáo khoa

Thứ ba, 31/10/2023 17:32
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên. Theo đó, Bộ sẽ trao quyền chọn sách cho các nhà trường thay vì UBND tỉnh, thành phố như hiện nay. Việc này đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía.

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuẩn bị bước sang năm thứ 5 triển khai, với việc phê duyệt, đưa vào sử dụng sách giáo khoa của 3 lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12). Tuy nhiên, quy định về việc lựa chọn sách giáo khoa tại các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay vẫn còn tồn tại những khó khăn, bất cập khiến một số nhà trường lúng túng, thậm chí có hiện tượng thiếu minh bạch, khách quan trong kết quả lựa chọn sách giáo khoa của một số tỉnh, thành phố.

 Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường sẽ đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, nhà trường. Ảnh minh họa: TL

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường mang tính chất quyết định

Thầy Trần Văn Hân - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (tỉnh Đồng Tháp) nhận định, có nhiều điểm mới, đặc biệt liên quan đến hội đồng lựa chọn, quy trình, trách nhiệm công khai sách giáo khoa cấp tỉnh và đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục sách khi có kiến nghị phù hợp.

Theo đó, hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do hiệu trưởng nhà trường thành lập với sự tham gia sâu của tổ chuyên môn, giáo viên. Cụ thể, hội đồng bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó; đại diện tổ, nhóm, phòng chuyên môn, giáo viên, Ban đại diện cha mẹ học sinh. Sở GD&ĐT thẩm định hồ sơ các đơn vị và trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Như vậy, kết quả lựa chọn của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhà trường mang tính chất quyết định.

Đồng tình điểm mới này, theo thầy Trần Văn Hân, giáo viên là người biết rõ điều kiện cơ sở vật chất, tình hình đội ngũ của trường, nắm tâm lý, năng lực từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ sách giáo khoa, vì vậy sẽ có lựa chọn phù hợp nhất. Tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tổ chuyên môn, thành viên hội đồng, nhất là hiệu trưởng nhà trường được phát huy cao nhất, vì dự thảo quy định hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định.

Dự thảo Thông tư cũng tăng thời gian nghiên cứu, nhận xét, đánh giá từng sách và mỗi môn chỉ lựa chọn một sách giáo khoa duy nhất tạo thuận lợi, thống nhất trong lựa chọn. Điều này, theo thầy Trần Văn Hân, tránh được trường hợp nhà trường đề xuất lựa chọn sách khác với sách giáo khoa hội đồng của tỉnh lựa chọn, hoặc có thay đổi khi UBND phê duyệt nhiều hơn một sách giáo khoa đối với môn học nào đó.

“Dự thảo đồng thời quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo sở GD&ĐT thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến nhà trường trước 30/4 hằng năm.

Điều này giúp thông tin về sách giáo khoa chính thống, kịp thời đến nhà trường, học sinh, cha mẹ, tạo sự chủ động và chuẩn bị tốt nhất. Ngoài ra, quy định nhà trường tổng hợp kiến nghị của giáo viên, học sinh và cha mẹ (nếu có) báo cáo về cơ quan quản lý trực tiếp về việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung danh mục sách cũng bảo đảm tính thực tiễn, hiệu quả, phù hợp”, thầy Trần Văn Hân nhấn mạnh.

Ghi nhận ý kiến từ phía các giáo viên, nhà trường cho thấy, nhiều quan điểm đồng tình với việc chuyển hội đồng lựa chọn sách giáo khoa về cơ sở giáo dục. Bởi sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là tài liệu dạy học quan trọng mà người sử dụng trực tiếp là giáo viên, học sinh.

Bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức lựa chọn sách giáo khoa

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho giáo viên, cha mẹ học sinh được cho là thực hiện nguyên tắc dân chủ tốt nhất, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Việc quy định tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học tham gia lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo cũng cho thấy khía cạnh chuyên môn được đề cao.

Song việc giao quyền tự chủ cho các trường cũng đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi giáo viên phải ý thức sâu sắc về quyền và vai trò của mình, không qua loa chiếu lệ, không phó mặc trong việc lựa chọn sách giáo khoa. Đồng thời, cần có quy chế chặt chẽ để hiệu trưởng và cấp trên không thể can thiệp và thao túng vào quyết định lựa chọn sách giáo khoa của giáo viên.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: Quy định mới trong dự thảo trả lại đúng vai trò cho giáo viên và các cơ sở giáo dục. Thầy cô là người hiểu rõ điều kiện và hoàn cảnh của học sinh từng nơi, từng vùng để từ đó chọn những bộ sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, các trường phải làm một cách nghiêm túc, cần vì yêu cầu đổi mới giáo dục cho từng đối tượng học sinh để lựa chọn đúng bộ sách giáo khoa phù hợp, không bị tác động bởi yếu tố khác. Khi được làm chủ phải thực sự tròn trách nhiệm, tránh làm mất đi tính khách quan.

Để tăng vai trò, trách nhiệm của cơ sở giáo dục với việc lựa chọn sách giáo khoa như trong dự thảo, thầy Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Văn Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho rằng, các nhà trường cần có giải pháp khắc phục những hạn chế hiện nay như: không bảo đảm đủ thời gian nghiên cứu hết các bộ sách; một số giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá sách giáo khoa; có môn học, nhà trường chỉ có một giáo viên nên việc đánh giá dễ mang tính chủ quan…

Nhằm tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục, thầy Nguyễn Hồng Sơn cũng kiến nghị cần bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Hiện nay, nguồn kinh phí được phân bổ chưa rõ ràng nên cơ sở giáo dục khó khăn trong công tác tổ chức, đặc biệt là chi kinh phí cho thành viên tham gia công tác này./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực