“Động lực của mỗi người thầy là được chứng kiến sự trưởng thành của học sinh”

Thứ năm, 27/10/2022 09:59
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Đó là chia sẻ của thầy Lý Thường Kiệt người Khmer, giáo viên trường THPT Hòa Tú (Hòa Phuông, Hòa Tú 1, Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) - một trong 70 gương giáo viên tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục sẽ được tuyên dương trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2022.
 Thầy Lý Thường Kiệt luôn tìm ra những phương pháp giảng dạy mới để các em học sinh tiếp thu tốt môn học.

Vốn yêu nghề giáo từ thủa nhỏ, năm 2006 khi trở thành tân sinh viên của Đại học Sư phạm Cần Thơ chuyên ngành Sư phạm Giáo dục công dân, ước mơ của chàng trai Lý Thường Kiệt đã dần trở thành hiện thực. Sau khi ra trường thầy được phân công về giảng dạy tại trường THPT Hòa Tú.

Nhiều người cho rằng môn Giáo dục công dân là một học phụ nhưng với thầy Kiệt đây là một môn góp phần giáo dục về nhân cách của các em và sẽ tạo ra những học sinh có ích cho xã hội. Vì muốn truyền niềm yêu thích bộ môn này cho học sinh, thầy Kiệt luôn suy nghĩ và sáng tạo trong cách dạy để các em học sinh yêu thích môn học này.

Cùng với việc lấy các ví dụ là các trường hợp, tình huống hay câu chuyện sưu tầm từ thực tế lồng ghép vào bài giảng để các em dễ hình dung, thầy Kiệt còn thường sân khấu hóa các tiết học. “Các em sẽ được tự mình diễn một vở kịch, một tiểu phẩm về một tình huống cụ thể, kết hợp thảo luận nhóm. Từ đó không chỉ giúp các em hứng thú hơn với môn học, mà bản thân các em được chia sẻ quan điểm, ý hiểu của mình thông qua mỗi câu chuyện”. Thầy Kiệt cho biết.

Lý Thị Huỳnh Trâm, học sinh lớp 12A1, hào hứng bày tỏ: “Những tiết học với các hoạt động thảo luận nhóm mà thầy Kiệt đưa ra giúp tụi em dễ dàng hiểu và tiếp thu bài hơn. Thầy Kiệt dạy rất hay, em ấn tượng nhất là việc thầy đưa ra những ví dụ thực tế để chúng em dễ nắm bài hơn và từ đó chúng em chốt lại nội dung bài học một cách sâu sắc và cụ thể”.

Đặc thù ở địa phương, nhiều cặp vợ chồng bỏ quê lên thành phố làm thuê, làm mướn, để lại quê nhà con thơ ở với ông bà. Không được sự dạy dỗ của cha mẹ, nhiều học sinh nghe theo bạn bè rồi bỏ học, mê game hay sa vào các tệ nạn xã hội… Đây cũng là hành trình rất vất vả mà thầy Kiệt cùng với các giáo viên chủ nhiệm đã đưa các em thoát ra khỏi những tệ nạn trở lại với việc học. Hay chuyện nhiều em do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã nghĩ đến chuyện nghỉ học, thầy Kiệt đã phối hợp kịp thời với Ban Giám hiệu và thầy cô chủ nhiệm tổ chức Đoàn tìm các nguồn học bổng để hỗ trợ các em tiếp tục được đến trường.

Ban tổ chức chương trình Chia sẻ cùng thầy cô tặng quà cho thầy Kiệt (thứ 2 từ trái qua).

Nhớ lại trường hợp của em Võ Mỹ Loan từ nhiều năm trước, thầy Kiệt kể: “Loan là một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Em phải chịu thiệt thòi từ bé bởi bố mẹ ly hôn, em sống cùng mẹ và bà ngoại. Hoàn cảnh của gia đình em Loan rất khó khăn. Năm Loan học lớp 12, khi tìm hiểu về hoàn cảnh tôi được biết em đang lo lắng khi học xong lớp 12 sẽ phải nghỉ học vì không đủ điều kiện để thi vào học đại học. Để Loan yên tâm, sau khi bàn với thầy giáo chủ nhiệm và được sự cho phép của Ban Giám hiệu tôi vận động các thầy cô trong trường và các mạnh thường quân giúp Loan được gần 40 triệu để em yên tâm tiếp tục học tập. Hiện nay, Loan đang là giáo viên dạy môn giáo dục công dân tại một trường trên địa bàn.

Thi thoảng Loan vẫn nhắn tin hỏi thăm tình hình công việc, sức khỏe của tôi; hai thầy trò cũng thường trao đổi với nhau về công tác chuyên môn. Tôi và các thầy cô trong trường đều cảm thấy vui và hãnh diện khi việc làm của mình đã giúp cho Loan có được một tương lai tốt đẹp”.

Qua 12 năm công tác tại Trường THPT Hòa Tú thầy Kiệt đã kết nối, giúp đỡ được rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được nguồn học bổng, giúp các em vượt qua trở ngại trong cuộc sống, vững bước đến trường.

Thầy Kiệt tâm sự: “Ngày xưa đi học hoàn cảnh của tôi cũng rất khó khăn, ba mẹ làm nông mà ruộng thì ít, nhà lại xa trường nên hành trình đi học của mình rất vất vả. Chính vì thế, mình hiểu được khó khăn của các em, cái nào giúp được thì tôi cố gắng hết mình. Tôi tự hào khi những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, nhiều em học sinh đã từng được coi là “cá biệt” đã trưởng thành, có em đã trở thành chiến sĩ công an, có em làm cán bộ Nhà nước… các em vẫn thường xuyên liên lạc, đó là động lực vô cùng lớn với một người thầy”.

Nhận xét về thầy Kiệt,  thầy Đinh Văn Sự, Hiệu trưởng trường THPT Hòa Tú tự hào: Thầy Kiệt luôn tích cực trau dồi chuyên môn, những năm gần đây, khi môn giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thầy Kiệt bằng tất cả sự tâm huyết đã bồi dưỡng rất nhiều em học sinh và liên tiếp các năm đều có học sinh đạt giải cao (nhất, nhì) trong kỳ thi này. Đó là niềm tự hào của thầy Kiệt và của cả trường.

Bên cạnh đó, trong công tác đoàn thầy luôn nhiệt tình, tham gia mọi hoạt động do huyện đoàn cũng như đoàn cấp trên phát động, đặc biệt là hoạt động tuyên truyền chủ trương pháp luật, chính sách đảng, nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Đoàn thông qua các chương trình cụ thể cho các em học sinh của trường.

Từ những nỗ lực không ngừng, thầy Lý Thường Kiệt đã được vinh dự được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Sóc Trăng và các tổ chức; nhiều năm liền là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở…/.

Bài, ảnh: Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực