Giáo dục góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững

Thứ ba, 20/09/2022 23:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Trong giai đoạn phục hồi sau 2 năm đại dịch COVID-19, giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức và kỹ năng cho các thế hệ công dân hiện tại và tương lai vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt, qua đó góp phần thực hiện thành công tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đặt ra.
 Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 19/9
(Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Đó là nội dung Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại Phiên thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục với chủ đề "Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững".

Hội nghị thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục toàn cầu được tổ chức trong 3 ngày 16, 17 và 19/9 do Tổng Thư ký LHQ António Guterres chủ trì tại New York (Hoa Kỳ), với sự tham dự của đông đảo Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục các nước thành viên LHQ và tổ chức quốc tế.

Mục tiêu của Hội nghị là huy động ý chí chính trị và cam kết cho giáo dục và 2 mục tiêu cụ thể: Tăng cường và đẩy nhanh việc thực hiện các hiệp định đa phương hiện có - đặc biệt là Chương trình nghị sự 2030 và thúc đẩy hành động ở cấp quốc gia và toàn cầu, đồng thời hỗ trợ thiết lập các lĩnh vực trọng tâm với các nguồn lực từ Ban chỉ đạo cấp cao Mục tiêu phát triển bền vững số 4 (SDG4).với sự tham dự của đông đảo Người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục các nước thành viên LHQ và tổ chức quốc tế.

Phát biểu khai mạc, Tổng thư ký LHQ Atonio Guterres cho rằng, giáo dục hiện nay đang trong giai đoạn khủng hoảng với nhiều thách thức, thay vì là nền tảng kiến tạo, giáo dục lại đang gây chia rẽ trên thế giới.

Để hiện thực hóa tầm nhìn đối với giáo dục trong thế kỷ 21, Tổng thư ký LHQ đưa ra đề xuất 5 điểm để các nước thành viên LHQ quan tâm và có cam kết mạnh mẽ. Đó là bảo đảm quyền đối với giáo dục cho tất cả, nhất là trẻ em gái; quan tâm đến vai trò và kỹ năng của giáo viên - mạch sống của hệ thống giáo dục; đảm bảo trường học có không gian an toàn, lành mạnh, không có bạo lực, định kiến; tất cả người học được hưởng lợi từ cuộc cách mạng số; bảo đảm tài chính cho giáo dục và đoàn kết quốc tế.

Nhân dịp này, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các đối tác phát triển tăng cường hỗ trợ, dành tối thiểu 15% ODA cho giáo dục, các thể chế tài chính quốc tế cần tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có thêm nguồn lực để đầu tư cho giáo dục.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Trưởng đoàn Việt Nam đã có đóng góp quan trọng tại Phiên thảo luận với chủ đề “Chuyển đổi giáo dục để chuyển đổi thế giới: Học tập để chung sống bền vững”.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (ngoài cùng bên phải) dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị (Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ) 

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, trong giai đoạn phục hồi sau 2 năm đại dịch COVID-19, giáo dục cần phát huy sứ mệnh của mình để trang bị kiến thức và kỹ năng cho các thế hệ công dân hiện tại và tương lai vượt qua những thách thức mà thế giới phải đối mặt, qua đó góp phần thực hiện thành công tất cả các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đặt ra.

Đóng góp thảo luận về giải pháp chuyển đổi giáo dục bền vững, Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận về giáo dục và chất lượng giáo dục, sự hòa nhập và công bằng ở tất cả các cấp học trong giai đoạn tới. Phương pháp, nội dung giảng dạy có thể thay đổi, nhưng điều then chốt là phải giúp học sinh định hướng bản thân, xây dựng nền tảng vững chắc với những giá trị căn bản trong suốt đời.

Bên lề Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp làm việc với ông Miguel Cardona Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) để trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác và đầu tư cho giáo dục thời gian tới./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực