Ngày 12/8, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết học bạ số cấp tiểu học, triển khai học bạ số cấp học phổ thông năm học 2024-2025 và phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024-2025.
Hội nghị được tổ chức kết nối đến 200 điểm cầu là các trường học trên địa bàn thành phố với hơn 5.000 đại biểu tham dự trực tuyến.
Dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học
Học bạ số ở cấp tiểu học đã được triển khai thí điểm từ tháng 4/2024. Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thí điểm học bạ số này.
Tổng kết một năm thực hiện triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học.
|
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH. |
100% các phòng giáo dục và đào tạo đã xây dựng kế hoạch triển khai, chuẩn bị nguồn lực, thành lập ban chỉ đạo, thành lập tổ công tác thí điểm học bạ số của từng đơn vị. 100% trường tiểu học đã trang bị đầy đủ máy tính kết nối internet, có cán bộ để vận hành hệ thống quản lý giáo dục chuyên ngành và cơ sở dữ liệu giáo dục đào tạo; 100% giáo viên, nhân viên các trường học đều có thể tham gia sử dụng hệ thống quản lý thông tin giáo dục chuyên ngành, dữ liệu về học sinh.
Tính đến ngày 24/6, có tổng cộng 27.533/29.093 giáo viên, nhân viên các trường tiểu học đã được trang bị chữ ký số cá nhân, đạt tỷ lệ 94,64%.
Tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong dịp Hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thí điểm vẫn còn một số khó han như: phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số…
Từ kết quả thí điểm đối với cấp học tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024-2025.
Phát động triển khai học bạ số tại tất cả các trường phổ thông
Tại Hội nghị, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao kết quả ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được trong quá trình chuyển đổi số trong thời gian vừa qua. Theo ông Thái Văn Tài, mặc dù thời gian gấp, sản phẩm học bạ số mang tính xã hội cao, liên quan đến hàng triệu học sinh, giáo viên, song ngành GD&ĐT Hà Nội đã triển khai thành công, hiệu quả. Với việc triển khai thí điểm học bạ số, giúp tăng cường tính minh bạch, tính hệ thống trong dữ liệu, tiết kiệm kinh tế; ngành GD&ĐT đã cung cấp lên hệ thống quốc gia dữ liệu gắn với hồ sơ công dân, được quản lý minh bạch, liên thông, góp phần trong chuyển đổi số quốc gia.
|
Sở GD&ĐT Hà Nội phát động triển khai học bạ số ở tất cả trường phổ thông từ năm học 2024-2025. Ảnh: TL. |
Chúc mừng kết quả chuyển đổi số ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt được thời gian qua, trong đó có việc triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho rằng, việc triển khai học bạ số là một nội dung quan trọng trong thực hiện Đề án 06; đánh dấu bước tiến lớn trong chuyển đổi số ngành GD&ĐT và chuyển đổi số thành phố Hà Nội nói chung.
Nhấn mạnh Hà Nội có số học sinh lớn nhất cả nước với đa dạng loại hình trường học, ông Hà Minh Hải đánh giá, việc triển khai thành công chương trình học bạ số không chỉ giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho các thầy cô mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, giúp thay đổi toàn diện cách thức dạy và học; nâng cao chất lượng giáo dục…
Để triển khai đại trà học bạ số ở các trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội thống nhất nhận thức về công tác chuyển đổi số trong cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu mỗi đơn vị. Đồng thời, cần quan tâm đầu tư hạ tầng dữ liệu đồng bộ; đẩy mạnh việc số hóa và kết nối dữ liệu…/.