Khắc phục “lỗ hổng” giáo dục giới tính

Thứ sáu, 03/03/2023 10:43
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Câu chuyện mới đây về các bé gái mang thai và sinh con ở độ tuổi từ 11 - 13 đã cho thấy những “lỗ hổng” trong giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên hiện nay. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội hiện nay, khắc phục “lỗ hổng” giáo dục giới tính là đòi hỏi khách quan để giúp các em có khả năng tự bảo vệ mình…

Liên tiếp các vụ việc như bé gái sinh con ở Phú Thọ khi mới 11 tuổi, hay 1 nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm mà không ai biết kể cả bố mẹ… đã gây tâm lý lo lắng cho không ít phụ huynh có con đang ở tuổi vị thành niên. Điểm chung của các vụ việc học sinh mang thai ngoài ý muốn đó là cha mẹ, người thân của trẻ không biết, hoặc biết khi thai nhi quá lớn, thậm chí là khi trẻ đã sinh con.

Các chuyên gia cho rằng, trẻ dậy thì sớm và giáo dục giới tính muộn, giáo dục giới tính không có hiệu quả đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc trẻ mang thai ngoài ý muốn. Theo TS Đỗ Minh Loan, Trưởng Khoa Sức khoẻ Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), vị thành niên là những trẻ từ 10 đến 19 tuổi. Trong độ tuổi này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Việc có thai ở độ tuổi vị thành niên thường sẽ kéo theo những hệ lụy rất lớn về tâm lý, sinh lý ở trẻ. Do đó, cần nhận biết và sớm khắc phục “lỗ hổng” giáo dục giới tính để giảm thiểu những vụ việc đáng tiếc như nêu ở trên.

 TS Đỗ Minh Loan tư vấn cho phụ huynh có con trong độ tuổi vị thành niên. Ảnh: Thanh Bình.

Thực tế, không khó để nhận thấy những hạn chế trong việc giáo dục giới tính cho học sinh - vị thành niên hiện nay, nhất là những kiến thức về cơ thể con người, sức khỏe sinh sản, quan hệ nam nữ, chống lạm dụng tình dục... Dù đã có sự cởi mở nhất định song đại đa số các bậc phụ huynh thường ít đề cập, giáo dục toàn diện cho con cái vấn đề sức khỏe giới tính trong gia đình. Một phần nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm, xem nhẹ, nhưng phần lớn là do những rào cản về mặt tâm lý hoặc không có kiến thức, phương hướng để truyền tải những kiến thức đó. Nhiều phụ huynh thừa nhận, họ rất khó khăn mỗi khi phải nói với con cái về vấn đề sức khỏe sinh sản, vấn đề giới tính; nhiều người có tâm lý lo sợ “vẽ đường cho hươu chạy” khi đề cập đến các vấn đề sức khỏe sinh sản với con trẻ.

Tại nhà trường, mặc dù đã có các môn học như Sinh học, Giáo dục công dân nhưng những kiến thức mới dừng lại ở lý thuyết, thậm chí nếu không giáo dục tới nơi tới chốn thì lại gây tò mò cho học sinh. Trong khi đó, do chế độ ăn uống nên trẻ đang có xu hướng dậy thì sớm; nhiều em học sinh tiểu học (lớp 4, lớp 5) đã có hiện tượng dậy thì. Mặt khác, trẻ lại thường xuyên chịu tác động tiêu cực bởi internet, mạng xã hội, sách truyện, phim ảnh... khiến tâm hồn non nớt, thích khám phá của các em luôn phải đối mặt với những nguy cơ phức tạp của cuộc sống. Điều này cảng trở lên nguy hiểm khi các em lại thiếu các kiến thức cơ bản về giới tính.

Để khắc phục “lỗ hổng” giáo dục giới tính, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là các em phải được rèn luyện về kỹ năng sống, phải chủ động tìm hiểu và được giáo dục, cung cấp những kiến thức đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên từ cha mẹ, thầy cô và người thân. Người lớn phải chủ động chia sẻ, đồng thời luôn sâu sát, quan tâm để sớm nhận ra những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ em nhằm kịp thời giải đáp, hướng dẫn. Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý. Vì thế, khi có con trong độ tuổi này, cha mẹ nên quan tâm, bảo ban, chăm sóc, chia sẻ với con nhiều hơn. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian trò chuyện tâm sự với con những định hướng đúng đắn về tình cảm. Cha mẹ và nhà trường nên phối hợp để trang bị cho trẻ những kiến thức về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính cho các em, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn tránh được những sai lầm không đáng có.

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề đặt ra ở đây là cha mẹ cần nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn câu chuyện về giáo dục giới tính, giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ. Vấn đề giới tính và sức khoẻ sinh sản là nhu cầu tự nhiên của con người giống như một cái cây hàng ngày vẫn phải phát triển. Vì vậy, thay vì cấm đoán, cha mẹ nên thẳng thắn, cởi mở với con. Thông qua gần gũi, trao đổi, trò chuyện, phụ huynh sẽ có thêm cơ hội để hiểu suy nghĩ, tình cảm của con; đồng thời sẽ giúp nâng cao nhận thức, giúp trẻ có trách nhiệm với hành động của bản thân và nắm được những biện pháp an toàn tình dục.

Một buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho học sinh tại Trường THCS Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Ngọc Minh.

Đối với các nhà trường, cần nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình giáo dục giới tính bảo đảm chủ động và sát thực tiễn hơn nữa. Hiện nay, chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu có lồng ghép các kiến thức về giáo dục giới tính vào các môn học. Để nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính học đường, các trường học cần tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ công khai những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản phù hợp với từng lứa tuổi cụ thể. Đẩy mạnh truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Có thể mời giáo viên hoặc mời chuyên gia nói về sức khỏe sinh sản vị thành niên trong những chuyên đề sinh hoạt lớp. Nhân rộng mô hình “Phòng tâm lý học đường” nhằm giúp học sinh có không gian để chia sẻ với thầy cô những băn khoăn, thắc mắc liên quản đến sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Ở phạm vi rộng, các ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, các cơ quan bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhận thức cho học sinh về giới tình, tình cảm…  Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khoẻ sinh sản. Đồng thời, cũng cần khắc phục những quan điểm lạc hậu, những quan niệm cứng nhắc gây khó khăn cho trẻ vị thành niên trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục, kế hoạch hóa gia đình... Qua đó, từng bước khắc phục “lỗ hổng” giáo dục giới tính, nhằm giúp trẻ vị thành niên có được cuộc sống lành mạnh, an toàn./.

Nguyễn Thị Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực