Khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên”

Thứ hai, 08/01/2024 20:50
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Điểm nổi bật của khoá học là việc giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học, các học viên có thể bắt tay vào làm ngay tại các công ty thiết kế vi mạch…
 TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu tại Lễ khai giảng.

Ngày 8/1, tại TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), Trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên”. Sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự hợp tác giữa hai đơn vị trong lĩnh vực giáo dục, công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn.

Đến dự buổi Lễ khai giảng có ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.

Cùng tham dự có lãnh đạo Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu; ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa Sách Sài Gòn (Saigon Book); đại diện lãnh đạo của nhiều trường đại học, cao đẳng…

Theo Ban Tổ chức, khóa đào tạo ToT kéo dài 2 tháng, giành cho các giảng viên của Trường Đại học Thủ Dầu Một, do các chuyên gia của Sun Edu và các Tập đoàn công nghệ vi mạch trực tiếp đào tạo. Trong quá trình học, các giảng viên sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn lớn như Synopsys, Cadence từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.

 PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thông tin tại Lễ khai giảng.

Phát biểu tại sự kiện, TS Nguyễn Quốc Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, điểm nổi bật của chương trình này là việc giảng viên được tiếp cận và sử dụng phần mềm thiết kế vi mạch và nội dung giảng dạy tập trung vào những kiến thức thực tiễn thực sự hữu ích cho việc đào tạo lại cho các học viên, sinh viên, đảm bảo sau khi hoàn thành khóa học và vượt qua kỳ kiểm tra chất lượng một cách kỹ lưỡng, các học viên có thể bắt tay vào làm ngay tại các công ty thiết kế vi mạch và đây cũng là điều các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch trên thế giới mong muốn khi tuyển dụng. Ngoài ra, giúp cho các học viên là giảng viên, nhà quản trị nắm bắt được những kiến thức cơ bản quản trị và điều hành tại đơn vị của mình.

Hiện nay, Trường Đại học Thủ Dầu Một là một trường có uy tín quốc tế, thành viên của CDIO và liên kết với AUN; đã đạt chuẩn chất lượng cao, với nhiều ngành đào tạo kiểm định chất lượng; đạt chuẩn 4 sao UPM, nằm trong top 50 trường tốt nhất Việt Nam, và xếp hạng quốc tế cao. Về phía đối tác, Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu là một trong những đơn vị tiên phong đào tạo quốc tế trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn. Với tầm nhìn và sứ mệnh đột phá, Sun Edu định hướng xây dựng mô hình đào tạo tiên tiến, kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn, ứng dụng công nghệ hiện đại với đội ngủ chuyên gia hàng đầu có nhiều năm kinh nghiệm và chuyên môn sâu.

TS Nguyễn Quốc Cường cho biết: Sắp tới, trường sẽ phối hợp cùng Công ty CP Giáo dục Quốc tế Sun Edu, các trường đại học, các sở, nghành liên quan như Sở KH&CN, Sở TTTT… và các đơn vị đào tạo trên địa bàn tỉnh để khai giảng thêm các lớp đào tạo thiết kế vi mạch nhằm xây dựng nguồn lực cần thiết cho việc phát triển nghành công nghiệp vi mạch bán dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế của Bình Dương.

Tại lễ khai giảng, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đồng thời, ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực. Dẫn vào thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000 người. Ông Thi nhận định, khu vực Đông Nam bộ của Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành này. Riêng TP Hồ Chí Minh cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm. Kế đến là tỉnh Bình Dương cũng có nhiều tiềm năng để phát triển nhân lực cho ngành này.

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi (thứ 3 từ phải sang) cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng khoá đào tạo.

Để phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư tỉnh ủy Bình Dương đặt ra kỳ vọng, ngoài khoá học thiết kế vi mạch, thời gian tới Trường Đại học Thủ Dầu Một cần tiếp tục triển khai những khóa đào tạo khác để nâng cao kỹ năng trong các mảng công nghệ khác liên quan đến công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật, sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo,… đến hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao.

Về phía Trường Đại học Thủ Dầu Một, ông Nguyễn Văn Lợi đã đề nghị Trường cần chủ động sáng tạo đưa ra đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh các cơ chế, chính sách phù hợp. Về phía tỉnh, sẽ sẵn sàng tạo điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như điều kiện về đầu tư để triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.

“Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp Trường Đại học Thủ Dầu Một xây dựng Đề án nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một, để cùng với hệ thống các trường đại học trên địa bàn tỉnh đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển của tỉnh. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho trường triển khai các nội dung như đã đề cập, nhằm xây dựng tỉnh Bình Dương có ngành vi mạch bán dẫn dẫn đầu cả nước”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên là lớp học khởi đầu cho Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới. Với mục tiêu hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển  hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao của tỉnh Bình Dương. Việc phối hợp giữa hai đơn vị là mô hình hay trong liên kết đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương, góp phần hiện thực hoá mục tiêu 50.000 kỹ sư vào năm 2030 của Chính phủ cho ngành vi mạch bán dẫn.
Tin, ảnh: Tường Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực