|
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trên 30% dân số Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số nên việc gia tăng số người học đại học và thu hút con em đồng bào học ở trình độ đại học và cao hơn là một chính sách mang tầm quốc gia. |
Chiều 23/3, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã có chuyến thăm và làm việc với Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk.
Tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Thị Anh Đào - Hiệu trưởng Đại học Đông Á đã báo cáo các hoạt động tại Phân hiệu. Theo đó, Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk được thành lập từ tháng 10/2022 và chính thức đi vào hoạt động tuyển sinh và đào tạo từ năm 2023 ở các ngành đào tạo thuộc 5 khối ngành mà Tây Nguyên cần gồm: Khối ngành Sức khỏe & Khoa học sự sống, Khối ngành sư phạm, Khối ngành kinh tế - du lịch, Khối ngành kỹ thuật - công nghệ, Khối ngành Ngôn ngữ.
Đồng thời, triển khai đào tạo - khảo thí ngoại ngữ tại khu vực Tây Nguyên, Đại học Đông Á đào tạo và kết nối với các tổ chức khảo thí quốc tế cấp các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thuộc: tiếng Anh; tiếng Hàn - Topik; tiếng Trung - HSK; tiếng Nhật – TopJ, vừa tiết kiệm thời gian và chi phí vừa có thêm cơ hội hội nhập, cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên ở Tây Nguyên thay vì phải xuống Đà Nẵng hay TP Hồ Chí Minh để khảo thí.
Lãnh đạo Đại học Đông Á cũng trình bày kế hoạch phát triển trong 10 năm tới của trường Đại học Đông Á tại Tây Nguyên. Trong đó, về đào tạo: Nhà trường mở thêm các ngành đào tạo đáp ứng chiến lược phát triển Tây Nguyên như các ngành thuộc về Dược liệu, Nông nghiệp công nghệ cao, Lâm sinh; Giống cây trồng và vật nuôi, các ngành thuộc về du lịch, giải trí, văn hóa , các khối ngành Luật quốc tế, Trọng tài quốc tế, Sở hữu trí tuệ, các ngành thuộc Trí tuệ nhân tạo, AI, các ngành thuộc giáo dục, Sư phạm.
Dự kiến Trường sẽ đào tạo 20.000 sinh viên (bình quân 2.000/năm); trong đó, đào tạo khoảng 2.000 giáo viên các bậc mầm non, tiểu học, THPT có năng lực ngoại ngữ; đào tạo 18.000 sinh viên ở các khối ngành, trong đó có 5.000 sinh viên khối ngành Kinh tế và Du lịch, và đặc biệt có khoảng hơn 5.000 sinh viên học và làm việc ở các nước phát triển như Nhật, Đài Loan, Đức, Úc.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường dù chỉ mới được thành lập không lâu. |
Về nghiên cứu khoa học: Trường thúc đẩy nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, hợp tác với các trường Đại học, các nhà khoa học trong và ngoài nước tạo thành cộng đồng các nhà khoa học ở các lĩnh vực mà Tây Nguyên đang cần.
Về đầu tư cơ sở vật chất: Trong giai đoạn 10 năm đầu này, nhà trường dự định sẽ đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thiết bị nghiên cứu để phát triển các khối ngành Kinh tế - Du lịch và Văn hóa, Khối ngành Nông nghiệp - Thực phẩm, Khối Kỹ thuật, Khối Sư phạm, Khối ngành Ngoại ngữ. Nhà trường sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở thực hành phục vụ các khối ngành đào tạo, gồm Trường liên cấp mầm non, tiểu học và trung học; khách sạn, bệnh viện dưỡng lão, Viện nghiên cứu Nông nghiệp - Thực phẩm, trang trại nông nghiệp, dược liệu, nuôi cấy mô và chế biến thực phẩm cùng các dịch vụ khác phục vụ sinh viên.
Đồng thời, lãnh đạo trường cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT và chính quyền địa phương 3 vấn đề cụ thể. Trong đó, đề nghị hỗ trợ nhà trường được thuê đất nông nghiệp để làm trang trại, tổ chức thực nghiệm, nghiên cứu, lai tạo giống, phát triển dược liệu, chế biến thực phẩm. Đề xuất Chính phủ hỗ trợ chính sách cho các trường Đại học Tây Nguyên được vay vốn với lãi suất bằng 0% như TP Hồ Chí Minh đã làm với các Trường đại học hơn 10 năm nay, nhằm đầu tư cùng một lúc trên mặt bằng 10 ha tại phân hiệu cho tất cả các hạng mục cơ sở vật chất được quy hoạch thay vì vay vốn đầu tư cuốn chiếu. Đề xuất cho Trường Đại học Đông Á thí điểm mở các ngành Sư phạm bậc học Trung học Phổ thông và hòa cùng cơ chế học bổng cho sinh viên như các trường công lập hiện nay.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường dù chỉ mới được thành lập không lâu; đồng thời mong rằng nhà trường sắp tới sẽ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng thêm nhiều hạng mục lẫn ngành tạo tạo chất lượng khác nhằm thu hút và đào tạo thêm nhiều nhân lực chất lượng cao cho địa phương. Ngoài các chính sách chung thì nhà trường cần quan tâm, hỗ trợ thêm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bằng cách tăng thêm các học bổng và nhiều hơn nữa những cơ chế ưu đãi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao việc một trường đại học sẵn sàng mở phân hiệu và đầu tư trên Tây Nguyên – một trong các vùng của đất nước mà nhu cầu về giáo dục đại học còn đang rất lớn.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tặng quà lưu niệm Đại học Đông Á. |
Theo Bộ trưởng, với một khu vực Tây Nguyên rộng lớn, trên 6 triệu dân nhưng trong đó tỉ lệ người học đại học mới đạt xấp xỉ khoảng 2%. Con số này là còn rất thấp. Và điều đặc biệt là trên 30% dân số ở khu vực Tây Nguyên là đồng bào các dân tộc thiểu số, cho nên việc gia tăng số người học đại học và thu hút con em đồng bào các dân tộc học ở trình độ đại học và cao hơn là một chính sách mang tầm quốc gia. Cho nên bất kể là trường công hay trường tư khi tham gia vào việc phát triển giáo dục đại học ở khu vực này thì Bộ rất khuyến khích và mong các cơ sở đó gặt hái được thành công.
Bộ trưởng cũng mong muốn Đại học Đông Á, khi có một cơ sở tại Tây Nguyên, sẽ thực hiện các ý tưởng theo quy hoạch và phát triển phân hiệu càng nhanh càng tốt. Đặc biệt việc đào tạo trong khối các ngành công nghệ - kỹ thuật như: Công nghệ thông tin, AI, Ô tô, Nông nghiệp và các lĩnh vực khác sẽ sớm triển khai. Bộ trưởng cũng mong trường Đại học Đông Á nghiên cứu mở thêm các ngành nghề phục vụ cho nhu cầu của người dân địa phương và đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên trọng yếu, nhiều tiềm năng và đang ngày càng phát triển thì sự đóng góp đối với xã hội và cơ hội thành công của trường sẽ càng vững hơn.
Ngoài các chính sách hỗ trợ và học bổng, Bộ trưởng cũng mong muốn nhà trường định hình rõ hơn một số các cơ chế ưu ái cho đồng bào con em các dân tộc để được đến học ngôi trường này, bên cạnh mục tiêu vươn ra thế giới và quốc tế hóa, đưa sinh viên ra nước ngoài.
Về ý tưởng đào tạo giáo viên bậc THPT, trường cần chuẩn bị các điều kiện, và khi hội đủ các điều kiện thì phía Bộ cũng sẽ cân nhắc những vấn đề tiếp theo.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đoàn cũng đã tham quan cơ sở vật chất tại Phân hiệu, các phòng thực hành và sơ đồ quy hoạch tổng thể phát triển phân hiệu trong 5-10 năm tới.
Được biết, Phân hiệu Đại học Đông Á tại Đắk Lắk cũng sẽ tham dự và có phần báo cáo tại Hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra tại Đắk Lắk vào sáng ngày 24/3./.