Mục tiêu chuyển đổi số ngành giáo dục đến năm 2025 định hướng 2030

Thứ bảy, 11/11/2023 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngành giáo dục đào tạo Vùng Đông Nam Bộ đã cơ bản hình thành được một hệ sinh thái chuyển đổi số mà ở đó, có đầy đủ các thành tố như: một nền tảng quản trị dữ liệu toàn Ngành với trục liên thông dữ liệu giúp chia sẻ dữ liệu đến hệ thống, ứng dụng khác.
  Ảnh minh họa. (Ảnh: Chi Mai)

Vùng Đông Nam Bộ có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Nghị quyết 24/NQ-TW của Bộ Chính trị xác định Đông Nam Bộ phải là vùng phát triển năng động, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng trong liên kết phát triển với các vùng kinh tế khác.

Để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của mình và tiếp tục nâng cao những đóng góp cho kinh tế quốc gia, đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo Trung ương và Nhân dân cả nước, Vùng Đông Nam Bộ rất quan tâm đầu tư vào những lĩnh vực mới. Hạ tầng số tại thời điểm hiện nay không chỉ được hiểu là những mạng lưới viễn thông, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ mà còn là những hạ tầng công nghệ liên kết các nền tảng số. Trong sự liên kết đó, dữ liệu được tạo ra và được xem là kết quả, hàng hóa, tài nguyên quan trọng nhất trong cả quá trình chuyển đổi số. Nguồn tài nguyên này có đặc điểm vừa là sản phẩm đầu ra, vừa là nguồn nguyên liệu đầu vào cho quá trình khởi tạo ra dữ liệu mới, giá trị mới. Vì vậy, vùng Đông Nam Bộ tiên phong trong xây dựng hạ tầng công nghệ, xem vai trò hạ tầng công nghệ quan trọng như hạ tầng giao thông và có những ưu tiên đầu tư phù hợp với tầm cỡ: “Hạ tầng giao thông là dòng chảy vật chất thì bên cạnh nó phải là dòng chảy dữ liệu tương ứng”.

Giáo dục và Đào tạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chỉ số năng lực cạnh tranh của khu vực, chuyển đổi số trong giáo dục vì vậy luôn được quan tâm và đầu tư như một giải pháp mũi nhọn nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của địa phương. Chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, được phát triển thông qua sự tiếp nhận và tham gia tích cực của cộng đồng và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn tài chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu.

Để chuyển đổi số thành công cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục: Trong đó, chiến lược cần có tầm nhìn tổng thể và đầy đủ cho kế hoạch trung hạn đến 2025 và định hướng 2030, có tính linh hoạt để đáp ứng nhanh chóng những thay đổi trong công nghệ.

Bên cạnh đó, việc triển khai các công nghệ mới phải phù hợp và mang tính kế thừa thành quả của những công nghệ trước đó. Chiến lược phải thúc đẩy sự tham gia và hướng tới sự phục vụ cho số đông cộng đồng, từ đó tạo ra nguồn tài nguyên dữ liệu, nguồn vốn quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi số.

Từ đó, khi xây dựng các chính sách cần hướng tới mục tiêu phát triển, quản lý, bảo toàn, khai thác nguồn vốn dữ liệu từ đó tạo ra giá trị cho xã hội nói chung và ngành Giáo dục nói riêng.

Trong những năm vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ UBND các tỉnh - thành phố, với sự đồng hành của toàn ngành, các thầy cô giáo, quý phụ huynh và học sinh, cũng như sự góp sức của các doanh nghiệp edtech, ngành giáo dục đào tạo Vùng Đông Nam Bộ đã cơ bản hình thành được một hệ sinh thái chuyển đổi số mà ở đó, có đầy đủ các thành tố như: Một nền tảng quản trị dữ liệu toàn ngành với trục liên thông dữ liệu giúp chia sẻ dữ liệu đến hệ thống, ứng dụng khác; Các bộ giải pháp chuyển đổi số giáo dục gồm hệ thống đồng bộ các phân hệ ứng dụng khác nhau cơ bản đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác quản lý, dạy - học, kiểm tra đánh giá, thông tin liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường; Các giải pháp khai thác dữ liệu toàn ngành phục vụ cải cách hành chính như công tác tuyển sinh, chuyển trường, quản lý liên thông văn bản hay quản lý thiết bị đồ dùng dạy học phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đồng thời, có những chương trình hành động cụ thế giúp nâng cao kiến thức chuyên môn và nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công nghệ thông tin về chuyển đổi số để đảm bảo nguồn nhân lực của ngành đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số và cách mạng công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình triển khai, sự thay đổi về công nghệ và khả năng thích nghi của ngành sẽ có thể tác động ít nhiều đến tiến độ thực hiện những mục tiêu đặt ra, nhưng những định hướng chiến lược trong chuyển đổi số toàn ngành, lấy dữ liệu làm cơ sở, lấy giáo viên và người học làm trung tâm là vô cùng vững chắc. Do đó, mục tiêu chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo đến năm 2025 định hướng 2030 cụ thể bao gồm: Đảm bảo Hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ thông tin trường học như: máy tính, đường truyền, trang thiết bị phù hợp để thực hiện các mô hình dạy học mới. Tập trung nghiên cứu, thí điểm các giải pháp máy tính cá nhân trên đám mây để giảm áp lực đầu tư thiết bị, nâng cao tính riêng tư, linh động so với mô hình máy vật lý như hiện nay.

Tiếp đến, nâng cao vai trò của hệ thống thông tin quản lý thông qua đẩy mạnh hoạt động xác thực dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống từ đó nâng cao chất lượng dữ liệu đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hành. Đồng thời, thúc đẩy các mô hình dạy học kết hợp như lớp học thông minh, bài giảng tương tác nhằm mở rộng hoạt động học tập của học sinh ra ngoài phạm vi lớp học; nâng cao hiệu quả dạy học trên lớp, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Việc thúc đẩy dạy học kết hợp trở thành phương án để tiến tới dạy học cá nhân hoá, hỗ trợ phát triển năng lực của người học theo tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, tạo lập kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành giúp giáo viên xây dựng  triển khai các bài giảng trên môi trường LMS nhanh chóng, hiệu quả hơn. Từng đơn vị học liệu được xây dựng dựa trên nội dung kiến thức của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, được định danh thống nhất, chia sẻ đến các hệ thống LMS. Dữ liệu hành vi tương tác của học sinh trên học liệu sẽ được lưu trữ phục vụ cho việc phân tích, cá nhân hóa việc học, tạo nền tảng dữ liệu lớn mở đường cho việc triển khai các giải pháp AI trong hoạt động giáo dục.

Mặt khác, phát triển nền tảng số phục vụ hoạt động dạy hoc và các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs) để tạo điều kiện cho học tập linh hoạt và tiếp cận rộng rãi hướng đến xây dựng xã hội học tập, phục vụ cho mục tiêu học tập suốt đời cho người dân. Đẩy mạnh bồi dưỡng đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số của đội ngũ nhân sự giúp giáo viên, cán bộ quản lý hiểu và sử dụng công nghệ một cách hiệu quả. Tập trung vào các nội dung căn bản như kỹ năng quản trị số, tổ chức lớp học trực tuyến, xây dựng bài giảng tương tác và các nội dung nâng cao như kiến thức về hệ thống dữ liệu, AI.

Song song đó, triển khai các chứng chỉ tin học chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng Tin học cho học sinh phổ thông. Tích hợp hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Edtech để cung cấp đến các đơn vị và cá nhân nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến; thu hút nguồn vốn đầu tư vào thị trường công nghệ giáo dục.

Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để đảm bảo và thúc đẩy sự phát triển của công nghệ trong giáo dục, trong đó có những chính sách tài chính, áp dụng các quy định liên quan đến bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu, cũng như thẩm định các tiêu chuẩn và quy trình tham gia của các doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục. Đánh giá định kỳ để đảm bảo các nỗ lực chuyển đổi số của các cấp chính quyền, cơ sở đạt hiệu quả, theo đúng định hướng chung./.

 

 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực