Nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới giáo dục

Thứ năm, 04/01/2024 16:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa.

Ngày 4/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Ngô Thị Minh, Hoàng Minh Sơn chủ trì hội nghị.

Nhiều kết quả đạt được trong thách thức

Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 của Bộ GDĐT cho biết: Năm 2023, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ GDĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể, đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bộ GDĐT đã ban hành 6 Kế hoạch hành động  và tổ chức thành công 6 hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế - xã hội.

Triển khai thực hiện Kế hoạch giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trên cơ sở kết luận của Đoàn Giám sát, Bộ GDĐT đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông nhằm chỉ đạo các bộ, ngành, các địa phương.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TH 

Tập trung xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới. Tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và Chương trình Giáo dục thường xuyên mới theo lộ trình. Tổ chức thẩm định và phê duyệt theo đúng lộ trình danh mục sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục.

Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn tiếp tục được nâng cao. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các Kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt kết quả cao. Tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 đảm bảo nghiêm túc, an toàn, minh bạch, đáp ứng nhu cầu chính đáng của thí sinh.

Hoàn thiện và công bố phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Đồng thời, công bố cấu trúc định dạng đề thi và đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đặc biệt, Bộ GDĐT đã trình và đã được Chính phủ thống nhất thông qua về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, đồng thời tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Trước nhu cầu cấp thiết về nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp chip bán dẫn, trong năm 2023, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội thảo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Mặt khác, năm 2023, nhiều hoạt động chủ động mở rộng hợp tác song phương, đa phương; thu hút các nguồn lực, tăng cường hợp tác và đầu tư với nước ngoài  trong giáo dục… cũng đã được Bộ GDĐT thực hiện thành công.

“Hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là ngành hạnh phúc"

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với báo cáo của Bộ GDĐT về những kết quả đạt được, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2024. Đồng thời, đã tập trung trao đổi, thảo luận, đưa đề xuất, kiến nghị liên quan đến triển khai tự chủ đại học; phát triển đội ngũ giảng viên; phát triển khoa học công nghệ trong trường đại học; cơ sở vật chất cho giáo dục…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Năm 2023, toàn ngành Giáo dục trong lộ trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện - là năm quan trọng trong lộ trình triển khai đổi mới đối với giáo dục mầm non, phổ thông, đại học; là một năm có nhiều việc lớn phải làm, nhiều thách thức phải vượt qua và thực tế đã hoàn thành các mục tiêu lớn, vượt qua các thách thức, đạt được nhiều kết quả và niềm vui.

Trong nội bộ ngành cũng rất đồng tâm, nhất trí. “Đây chính là sức mạnh để chúng ta tiếp tục công việc đầy thử thách trong năm 2024”, Bộ trưởng nêu rõ

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TH. 

Theo Bộ trưởng, năm 2024 là năm quan trọng có tính chất nước rút với đổi mới giáo dục phổ thông, khi các lớp cuối cùng bước vào triển khai và chuẩn bị đánh giá cả chu trình đổi mới; cùng với đó là hàng loạt các công việc cần thực hiện theo kết luận giám sát đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Với nhiều thách thức, nhiều khó khăn, nhiều việc đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh từ khóa làm tinh thần triển khai cho năm 2024, đó là: Bản lĩnh - Thực tiễn - Chất lượng - Lan tỏa. “Chặng đường phía trước phải thể hiện tinh thần nhất quán, bản lĩnh để tiếp tục con đường đổi mới”, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng lưu ý, các bậc học dù nhiều việc đang phải làm nhưng luôn luôn phải lấy yếu tố chất lượng làm thước đo cho mọi công việc.

Trong quá trình đổi mới nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới phải được làm lan toả.

“Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, đến phụ huynh một điều: Chúng ta hướng đến trường học hạnh phúc, nhưng lớn hơn nữa là hướng đến ngành hạnh phúc. Ngành chúng ta cũng cần hạnh phúc”, Bộ trưởng gửi gắm.

Đề cập đến nhiệm vụ cụ thể cần tập trung triển khai trong năm 2024, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên là làm thật tốt tổng kết Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT. Đồng thời, trình Chính phủ Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nêu rõ năm 2024 cũng là năm tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông; trong đó thực hiện chu trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa đến lớp 5, 9, 12, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học, đặc biệt là cơ sở đào tạo giáo viên tập trung đổi mới chương trình, phương pháp để sinh viên ra trường có thể nhập cuộc ngay với phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá ở phổ thông…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực