Những điều cần biết về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

Thứ tư, 21/08/2024 15:22
(ĐCSVN)- Bắt đầu từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ áp dụng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Theo đó, Kỳ thi sẽ có rất nhiều đổi mới so với trước đây, đặc biệt là nội dung thi sẽ bám sát Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) với “tính mở” cao.

Để hiểu rõ hơn những thay đổi này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.

 GS.TS Huỳnh Văn Chương: Để ban hành Phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm, tổ chức khảo sát và đánh giá tác động tại nhiều địa phương trên cả nước.

Phóng viên (PV): Học sinh lớp 12 năm học 2024-2025 sẽ là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 như thế nào?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một trong số nội dung quan trọng của ngành giáo dục và được xã hội quan tâm rộng rãi. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết liên quan về công tác thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Để ban hành Phương án thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nhiều buổi toạ đàm, tổ chức khảo sát và đánh giá tác động tại nhiều địa phương trên cả nước.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo, các em học sinh, các tầng lớp xã hội, ngày 28/11/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Phương án tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, để xét công nhận tốt nghiệp THPT mỗi thí sinh phải thi 02 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học và Công nghệ).

Mới đây, trong Khung kế hoạch năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố dự kiến ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là ngày 26-27/6/2025. Việc công bố sớm ngày thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh, nhà trường, các sở GD&ĐT chủ động hơn trong công tác dạy và học cũng như chuẩn bị ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (năm đầu tiên dự thi theo Chương trình GDPT 2018).

Hiện nay, Bộ GD&ĐT cũng đang đồng thời triển khai xây dựng Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đăng mạng để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội. Mọi người có thể theo dõi và xem chi tiết tại Dự thảo Thông tư sắp đăng mạng. Với tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo Thông tư rất mong muốn nhận được sự đóng góp chi tiết, đầy đủ của các tầng lớp xã hội, những nhà chuyên môn và quản lý để có thêm cơ sở hoàn thiện Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

 

PV: Cũng từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tham dự kỳ thi tốt nghiệp ra sao, thưa ông?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Để bảo đảm quyền lợi của thí sinh, ngay khi công bố Phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT đã khẳng định trong năm 2025 thí sinh học theo Chương trình nào sẽ dự thi theo Chương trình đó. Theo đó, trong năm 2025 sẽ có 02 Bộ đề thi khác nhau, 01 Bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và 01 Bộ đề thi cho thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006.

Việc tổ chức thi cho những thí sinh học theo Chương trình GDPT 2006 được áp dụng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Việc tổ chức thi cho những thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 cho những thí sinh này được áp dụng theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT mới (đang xây dựng dự thảo). Trong dự thảo Quy chế thi tới sẽ có điều khoản chuyển tiếp về nội dung này.

Việc đồng thời tổ chức ra đề thi, tổ chức thi cho 02 Chương trình GDPT tại cùng một thời điểm là việc rất thách thức. Tuy nhiên, với phương châm tất cả vì học sinh thân yêu, toàn ngành giáo dục sẽ cố gắng nỗ lực để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các thí sinh.

 Theo GS Huỳnh Văn Chương, để xét công nhận tốt nghiệp THPT 2025  mỗi thí sinh phải thi 02 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

PV: Có thể thấy, năm 2025 là năm đầu tiên các học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 sẽ thi tốt nghiệp THPT, ông có thể cho biết cách thức xây dựng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có những thay đổi như thế nào để học sinh và thầy cô nắm được cấu trúc định dạng đề thi?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Ngày 08/3/2024, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 764/QĐ-BGDĐT về việc quy định cấu trúc định dạng đề thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Việc công bố sớm cấu trúc định dạng đề thi giúp giáo viên và học sinh chủ động hơn trong quá trình dạy và học, ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Theo cấu trúc định dạng đề thi được công bố thì các môn thi trắc nghiệm có một số thay đổi như: Bổ sung thêm 02 dạng thức trả lời trắc nghiệm mới bên cạnh dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm cho 4 đáp án chọn 1 đáp án đúng.

Cách thức tính điểm có một số thay đổi tại dạng thức câu hỏi trắc nghiệm mới.

Những thay đổi này giúp phân loại học sinh tốt hơn và giảm xác suất đoán mò của các em học sinh. Điều này góp phần đánh giá chính xác hơn năng lực của các thí sinh dự thi.

Đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực và không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa, điều này nhằm: Khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc học thuộc từ tài liệu có sẵn một cách máy móc; Để thi phải bám sát Chương trình GDPT 2018, có sự phân loại theo các cấp độ, đáp ứng yêu cầu kỳ thi. Trong đó, yêu cầu học sinh phải vận dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào trong thực tế, bối cảnh được cung cấp.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn cho khoảng 2500 giáo viên các môn học của 63 tỉnh/thành phố về xây dựng câu hỏi thi, từ đó tạo thư viện đề thi có tính mở và được thử nghiệm trên diện rộng tại các địa phương để lựa chọn các câu hỏi tốt đưa vào Ngân hàng câu hỏi thi (có tính chuẩn hóa). Trên cơ sở đó, xây dựng và công bố đề thi minh họa bảo đảm hài hòa với lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018 để các địa phương, giáo viên và học sinh chuẩn bị ôn tập cho Kỳ thi.

Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT. 

PV: Như vậy, theo công bố của Bộ GD&ĐT, đề thi Ngữ văn theo chương trình mới sẽ sử dụng ngữ liệu có thể ra hoàn toàn ngoài SGK. Vậy ông có thể chia sẻ rõ hơn về nội dung này để học sinh lớp 12 và thầy cô hình dung được đề thi môn này?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Như tôi đã đề cập ở trên, Đề thi sẽ được thiết kế theo hướng đánh giá năng lực, yêu cầu thí sinh phải vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã được học để làm bài. Do đó, đề thi tốt nghiệp không vượt quá yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT. Việc sử dụng các văn bản ngoài SGK sẽ triệt tiêu tình trạng dạy và học theo văn mẫu, nhưng khi văn hóa đọc của chúng ta chưa cao thì cấu trúc, định dạng của đề thi sẽ thiết kế bảo đảm một lộ trình thích hợp. Khi các em đã học chắc kiến thức, kỹ năng ở trên lớp thì sẽ có kết quả thi tốt.

PV: Hiện nay, đề thi, kiểm tra trong các nhà trường, địa phương chủ yếu vẫn theo cấu trúc, định dạng cũ. Vậy Bộ GD&ĐT sẽ làm gì để các trường, các địa phương có thể tiếp cận sớm được cấu trúc đề thi mới?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Nhằm tạo thuận lợi cho học sinh, giáo viên trong công tác dạy và học, ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Bộ GD&ĐT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện công tác này, như: Công bố cấu trúc định dạng đề thi từ tháng 3/2024 điều này giúp học sinh và giáo viên có cả năm học lớp 12 (năm học 2024-2025) để ôn tập và tiếp cận với cấu trúc định dạng đề thi mới.

Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên trên toàn quốc về cách thức ra đề thi theo cấu trúc định dạng đề thi mới. Tháng 4-5/2024, Cục Quản lý chất lượng đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức tập huấn cho khoảng 3000 giáo viên cốt cán của các Sở GD&ĐT. Kết thúc đợt tập huấn, các Sở GD&ĐT đều xây dựng được đề thi theo cấu trúc định dạng mới; trong tháng 8/2024, Bộ GDĐT sẽ tổ chức đánh giá các đề thi do các Sở GD&ĐT xây dựng, việc đánh giá sẽ giúp các giáo viên, các Sở nâng cao năng lực ra đề thi.

Để chuẩn bị cho điều này, từ năm học 2022-2023 cho đến nay (khi thí sinh lớp 12 năm nay học lớp 10), Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn năm học trong đó đều có yêu cầu “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong SGK để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Những hoạt động này đều nằm trong lộ trình đổi mới thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và bảo đảm phù hợp theo đúng mục tiêu và tinh thần của Chương trình GDPT 2018.

PV:  Ông có điều gì muốn nhắn nhủ với lứa học sinh lớp 12 năm nay để các em vững tâm học tập đón nhận những thay đổi sắp tới?

GS.TS Huỳnh Văn Chương: Năm học 2024-2025 sắp bắt đầu. Đây là năm học quan trọng vì sẽ triển khai thực hiện nhiều chương trình GDPT 2018. Về phía Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị sớm, kỹ càng và có sự thử nghiệm đánh giá để chuẩn bị tốt cho các khâu như: ngân hàng câu hỏi thi, hạ tầng thi, tập huấn, xây dựng phương pháp kiểm tra, đánh giá. Về phía các Sở GD&ĐT tập trung tập huấn đào tạo giáo viên, định hướng cho học sinh làm thế nào học tập tốt Chương trình GDPT mới.

Về phía các em học sinh lớp 12, thứ nhất, các em hãy tập trung vào học tập và rèn luyện các kỹ năng, kiến thức các thầy cô đã dạy trên lớp; Thứ hai, ngoài các môn Toán và Ngữ văn các em cần căn cứ vào năng lực, sở trường của mình để chọn môn học, môn thi cho phù hợp nhất để phát huy hết năng lực của của mình.

Và cuối cùng chúc các em học sinh bình tĩnh, tự tin, không nên quá lo lắng vào công việc đổi mới thi mà hãy tập trung học, khi đã học tốt thì thi sẽ đạt kết quả theo đúng năng lực của mình.

PV: Trân trọng cảm ơn GS.TS Huỳnh Văn Chương./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực