Theo các chuyên gia giáo dục, các thí sinh cần đọc kỹ hướng dẫn khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Ở bất kỳ thao tác nào, các em cũng cần thực hiện đúng, đủ quy trình và bảo đảm thành công, không thoát giữa chừng.
Sau khi hoàn tất quy trình, thí sinh có thể đăng xuất khỏi Hệ thống, sau đó đăng nhập lại để kiểm tra những ngành/trường học và thứ tự nguyện vọng đã đúng chưa? Các thông tin cá nhân đã chuẩn chưa để sau này các trường sẽ liên hệ khi trúng tuyển.
Thực tế những năm trước cho thấy, có thí sinh nghĩ trúng tuyển sớm nghĩa là “chắc suất” vào đại học nên không cần đăng ký trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh sinh của Bộ GD&ĐT ); đây là sai sót mà các thí sinh cần tránh.
|
Các thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: TH |
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý, thí sinh không được bỏ qua tiêu chí phụ khi xét tuyển (nếu có), dẫn đến tình trạng “trượt oan”.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, thực tế, nhiều thí sinh vẫn mắc sai lầm khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống. Đầu tiên phải kể đến là sai kỹ thuật. Thí sinh quên kết thúc quy trình điều chỉnh, dẫn tới Hệ thống không ghi nhận nguyện vọng đăng ký.
Lỗi thứ hai là, thí sinh bị nhầm lẫn, khi đã trúng tuyển vào một nguyện vọng xét tuyển sớm của một trường nào đó, thì bắt buộc phải đặt nguyện vọng 1 trên Hệ thống. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, không có trường nào được yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm thành nguyện vọng 1. Nguyện vọng nào các em thực sự yêu thích, mong muốn được trúng tuyển nhất dù là bằng phương thức nào thì hãy đặt lên đầu tiên.
Khi nhập nguyện vọng lên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng 1 (là nguyện vọng cao nhất) đến các nguyện vọng tiếp theo. Hệ thống cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng.
Thí sinh nên đặt các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê ở vị trí phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Các em không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một top những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cũng khó trúng tuyển.
Tuy nhiên, thí sinh cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà nên dàn trải “danh mục đầu tư nguyện vọng” của mình để giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển của chúng ta sẽ cao hơn rất nhiều.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận. Phải thực hiện cho đến hết quy trình cho khi Hệ thống báo rằng những nguyện vọng này đã được xác nhận…
Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, thí sinh cần nắm rõ một số mốc thời gian quan trọng khác như: Thời gian xét tuyển thẳng, thời gian công bố kết quả xét tuyển, thời gian xác nhận nhập học trực tuyến...
Sau khi đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng, từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng bằng hình thức trực tuyến.
Từ ngày 22/7 đến 17h ngày 31/7, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
Trước 17h ngày 19/8, thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1. Chậm nhất là 17h ngày 27/8, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống./.