Phục hồi du lịch hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á

Thứ sáu, 27/05/2022 16:51
(ĐCSVN) - Hội thảo quốc tế lần thứ 11 với chủ đề “Phục hồi du lịch hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á” thuộc diễn đàn trao đổi học thuật Châu Á - Thái Bình Dương, diễn đàn quốc tế thường niên giữa các trường đại học với mục tiêu trao đổi học thuật, kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội lâu dài của khu vực. Đây là lần đầu tiên hội thảo được đăng cai tổ chức bởi Đại học Đông Á - thành viên của diễn đàn.
Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Đình Tăng)

Ngày 27/5, Hội thảo quốc tế lần thứ 11 với chủ đề “Phục hồi du lịch hậu đại dịch COVID-19 tại khu vực Đông Á” đã diễn ra tại Đại học Đông Á (Đà Nẵng). Cùng với điểm cầu ở Việt Nam là các điểm cầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Hội thảo quốc tế lần thứ 11 thuộc diễn đàn trao đổi học thuật Châu Á - Thái Bình Dương, diễn đàn quốc tế thường niên giữa các trường đại học với mục tiêu trao đổi học thuật, kết quả nghiên cứu khoa học và đào tạo nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội lâu dài của khu vực. Đây là lần đầu tiên hội thảo được đăng cai tổ chức bởi Đại học Đông Á - thành viên của diễn đàn.

Hội thảo quy tụ 11 tham luận chuyên ngành được trình bày bởi các chuyên gia đến từ các viện, trường đại học ở Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, gồm 4 trường thành viên diễn đàn: Đại học Nagasaki (Nhật Bản), Đại học Dong-A (Hàn Quốc), Đại học Huaqiao (Trung Quốc) và Đại học Đông Á (Việt Nam) cùng sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trẻ, sinh viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các khoa chuyên ngành về quản trị, du lịch tại Việt Nam.

Hội thảo là những góc nhìn khoa học liên ngành, đa ngành với những phân tích và ứng dụng ở nhiều phương diện khác nhau: các giải pháp công nghệ trong du lịch; giáo dục công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu và phát triển du lịch kiểu mới; tái quy hoạch du lịch hậu COVID-19; giá trị của văn hóa, lịch sử, xã hội trong việc phục hồi sau đại dịch COVID-19… nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hậu COVID-19.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á cho rằng: “Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quốc gia ở khu vực Đông Á đang bắt đầu thực hiện các chính sách mở cửa và tái phục hồi ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch. Đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu bàn luận về cách thức hỗ trợ hoạt động du lịch từ quy mô địa phương đến toàn cầu nhằm góp phần đổi mới, sáng tạo, tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, kinh doanh, phát triển du lịch bền vững. Trong đó, với vai trò là một cơ sở giáo dục, Đại học Đông Á sẽ là nơi đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới thích ứng nhanh cho các hoạt động phục hồi du lịch”.

Nghiên cứu sở thích du lịch của du khách sau đại dịch bằng phân tích dữ liệu văn bản mạng xã hội với đối tượng nghiên cứu được chọn từ 7 quốc gia ở châu Á, báo cáo “Phân tích nhận thức và hành vi của khách du lịch Châu Á sau đại dịch” của tác giả Lisa Zhou, Đại hoc Huaqiao (Trung Quốc) cho thấy nhu cầu tiêu dùng du lịch đã thay đổi rất nhiều sau đại dịch và những yêu cầu mới của người dân đối với sự phát triển du lịch chất lượng cao. Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số và việc ứng dụng nhanh chóng các công nghệ mới đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ chuỗi du lịch, chẳng hạn như thu thập thông tin du lịch, lựa chọn nhà cung cấp, kích thích tiêu dùng, thanh toán thuận tiện và chia sẻ xã hội, và trở thành một điểm đột phá để tạo nguồn cung du lịch mới.

Dịch bệnh đã làm thay đổi rất nhiều quan niệm và thói quen tiêu dùng của người dân, trình độ dịch vụ trực tuyến và tư duy trực tuyến cũng dần được cải thiện. Điều này cũng đòi hỏi nguồn cung du lịch phải đẩy nhanh ứng dụng công nghệ theo nhu cầu mới, nâng cao khả năng thích ứng tổng thể và hiện thực hóa du lịch thông minh, tìm các sản phẩm thay thế ở chính doanh nghiệp mình để giảm bớt ảnh hưởng từ các sự kiện bất ngờ đến sự phát triển du lịch.

Thông qua dữ liệu từ sách trắng và khảo sát về du lịch, cũng như các bài báo trong nước, đề tài “Những thách thức đối với du lịch bền vững ở Nhật – ví dụ từ Kyushu” của nhóm tác giả Akihiko Suzuki, Xi Jia, Đại học Nagasaki (Nhật Bản), nêu ra những thay đổi trong xu hướng du lịch sau đại dịch COVID-19 với sự ra đời của một phong cách du lịch mới: du lịch quy mô nhỏ, làm việc và kết hợp kỳ nghỉ, du lịch bền vững ở Nhật Bản. Trong đó, du lịch bền vững sẽ là một trong những đòn bẩy cho sự phục hồi của du lịch.

Phân tích không gian địa lý và tính phù hợp của địa điểm quản lý chất thải du lịch tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, nghiên cứu “Xây dựng nền tảng dữ liệu không gian địa lý để quản lý chất thải du lịch tại thành phố Đà Nẵng” của TS. Lê Ngọc Quang, Đại học Đông Á, hướng đến thúc đẩy giải pháp công nghệ thông qua hệ thống dữ liệu địa lý như một công cụ hỗ trợ trong quản lý chất thải du lịch thành phố. Nghiên cứu cũng xác định các bên liên quan trong quản lý và vệ sinh môi trường để hợp tác hướng tới đạt được một chương trình quản lý chất thải bền vững tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam. Phương pháp tiếp cận sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) và viễn thám (RS), xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý trong quản lý chất thải du lịch thành phố làm dữ liệu cơ sở cho quốc gia. Nghiên cứu thúc đẩy sức mạnh tổng hợp, cam kết và chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan trong quản lý chất thải du lịch đô thị (MTW) ở Việt Nam.

Các nhà nghiên cứu, nhà khoa học tham gia Hội thảo. (Ảnh: Đình Tăng)

Báo cáo “Xu hướng và đặc điểm của chính sách du lịch Hàn Quốc - Tập trung vào du lịch và Di sản Thế giới của UNESCO” của tác giả Cherry Kwon, Đại học Dong-A (Hàn Quốc) chỉ ra các đặc điểm chính của ngành du lịch ở Hàn Quốc: Sự phát triển của du lịch di sản văn hóa, đa dạng hóa các mặt hàng mua sắm như mỹ phẩm; khuyến khích sở thích trong Hallyu; tiến bộ trong du lịch y tế. Hiệu ứng du lịch từ việc các di sản thế giới được UNESCO công nhận là rõ rệt với ước tính rằng, tại Hàn Quốc, số lượng khách du lịch đã tăng lên trong ít nhất hai năm sau khi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Phân tích trên 300 bảng câu hỏi khảo sát, phần trình bày về “Tác động của động cơ trực tuyến của người tiêu dùng đến ý định mua hàng trực tuyến trong đại dịch COVID-19: so sánh người tiêu dùng thế hệ X và Millennial” của nhóm nghiên cứu Ngô Thị Sa Ly và Trần Thị Tâm Châu, Đại học Đông Á (Việt Nam) chỉ ra rằng, có ba động lực được thiết lập liên quan đến ý định mua hàng của người tiêu dùng, đó là: tính hữu ích được nhận thức, các chỉ tiêu chủ quan bên ngoài và động lực hưởng thụ. Trên cơ sở những kết quả thu được, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy hoạt động mua sắm trực tuyến thế hệ Z và Y cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ là diễn đàn trao đổi học thuật, hội thảo còn là nơi các đơn vị thành viên tìm kiếm sự hợp tác, phát triển đa phương, qua đó sẵn sàng xúc tiến hợp tác nhiều mặt dựa trên thế mạnh của từng trường thành viên trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là chia sẻ sáng kiến và chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao thuộc các lĩnh vực nghiên cứu.

Được biết, Hội thảo học thuật Đông Á lần thứ 12 sẽ được diễn ra tại Nhật Bản, và trường Đại học Nagasaki là đơn vị chủ trì./.

Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực