Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam – Australia hướng đến chuyển đổi xanh

Thứ sáu, 27/09/2024 16:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Từ ngày 25-27/09, phái đoàn giáo dục Australia có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, trong khuôn khổ Chương trình Kết nối Thương mại giữa Australia và khu vực Đông Nam Á (A-SEABX) của Chính phủ Australia.
Phái đoàn giáo dục Australia đến thăm tổ hợp khu công nghiệp DEEP C (Đình Vũ) tại Hải Phòng. (Ảnh: ĐSQ Australia) 

Chuyến thăm này nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu giữa Australia và Việt Nam, tìm hiểu các cơ hội và mô hình hợp tác sáng tạo giữa các tổ chức giáo dục – đào tạo và ngành công nghiệp và cơ quan chính sách, với trọng tâm hướng vào các lĩnh vực chủ chốt góp phần vào chuyển đổi sang nền kinh tế xanh giảm phát thải ròng bằng 0.

Phái đoàn bao gồm các lãnh đạo và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi xanh của 17 trường đại học và cơ sở đào tạo, cùng đại diện của Chính phủ 4 bang và vùng lãnh thổ Australia, do bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư cấp cao Chính phủ Australia dẫn đầu.

Phái đoàn đã tham dự Hội nghị Hợp tác và Đầu tư Giáo dục, do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức ngày 26/9 tại Hải Phòng, qua đó được cập nhật về các chính sách hợp tác giáo dục quốc tế mới nhất của Việt Nam. Đồng thời, 17 tổ chức giáo dục và đào tạo hàng đầu Australia có cơ hội được kết nối, trao đổi với các doanh nghiệp và lãnh đạo ngành công nghiệp tại Việt Nam, trong đó có tổ hợp khu công nghiệp DEEP C (Đình Vũ) để hiểu rõ hơn về quá trình chuyển đổi kinh tế xanh hiện nay của Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia (Austrade) tổ chức buổi tọa đàm tại Hà Nội vào ngày 27/9, chào đón hơn 150 đại diện từ các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành chủ chốt như nông nghiệp, năng lượng và sản xuất tìm hiểu về thế mạnh đào tạo và nghiên cứu “xanh” của Australia. Sự kiện này là cơ hội để các đơn vị tham gia chương trình thảo luận về mô hình hợp tác sáng tạo, khả thi, phù hợp với nhu cầu của ngành trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hành động hướng đến nền kinh tế xanh. 

Cùng ngày, Austrade phối hợp cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên môn, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và công trình xanh. Lãnh đạo và chuyên gia từ Australia đã được cập nhật về các dự án nghiên cứu, chương trình đào tạo hiện nay của Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiêm chuyên môn quý báu và tham gia phiên thảo luận chuyên sâu với các đối tác giáo dục Việt Nam, nhằm trang bị kỹ năng và kiến thức cho sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học và công nghệ Việt Nam hướng tới mục tiêu giảm phát thải và tăng trưởng xanh.

 Tọa đàm Australia – Việt Nam: Hợp tác Giáo dục – Đào tạo – Nghiên cứu hướng đến chuyển đổi xanh tại Hà Nội. (Ảnh: ĐSQ Australia).

Chiến lược quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tập trung vào giảm khí nhà kính, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và tăng cường phát triển đô thị bền vững. Quá trình chuyển đổi dự kiến sẽ tạo ra gần 1 triệu việc làm mới đến năm 2040. Việt Nam sẽ cần phải tái đào tạo, nâng cao kỹ năng và bổ sung kỹ năng mới cho lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu việc làm trong các lĩnh vực mới và các lĩnh vực hiện hữu, bao gồm các ngành năng lượng, sản xuất và giao thông vận tải.

Bà Rebecca Ball – Tham tán Thương mại và Đầu tư cấp cao Chính phủ Australia nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ và quyết tâm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, kinh nghiệm và năng lực của Australia về công nghệ xanh, thực hành bền vững và các giải pháp năng lượng sạch sẽ góp phần giúp Việt Nam nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực và thực hiện hiệu quả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các tổ chức giáo dục và đào tạo của chúng tôi được công nhận trên toàn cầu về các chương trình bền vững, sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực khử các-bon của Việt Nam và chia sẻ tầm nhìn thịnh vượng.”/.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực