Thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học, đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa

Thứ sáu, 01/11/2024 13:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Diễn đàn Quốc tế hóa Giáo dục đại học (FIHE ) lần thứ 7 quy tụ các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách từ nhiều nơi trên thế giới để chia sẻ ý tưởng, khám phá thách thức và xây dựng các mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy giáo dục toàn cầu nói chung và đổi mới trong hợp tác quốc tế giáo dục đại học nói riêng.

Ngày 01/11, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Diễn đàn Quốc tế hóa giáo dục đại học (FIHE ) lần thứ 7 với chủ đề: “Các chi nhánh quốc tế: Cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển”.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: TH)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh: Diễn đàn thường niên do Trường Đại học Ngoại thương khởi xướng đã trở thành một nền tảng quan trọng - nơi chúng ta có cơ hội trao đổi và thảo luận về chủ đề quốc tế hóa giáo dục đại học.

Chủ đề của Diễn đàn năm nay: “Các chi nhánh quốc tế: Cách tiếp cận mới cho các tổ chức giáo dục đại học đa quốc gia ở các nước đang phát triển”, đặt ra một vấn đề cấp bách và mang tính chiến lược. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự cạnh tranh không ngừng gia tăng, giáo dục đại học đang trải qua những biến đổi sâu sắc. Việt Nam, với vai trò là một quốc gia đang nổi lên, đã trở thành tâm điểm của xu hướng này.

PGS, TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương phát biểu khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: TH)

PGS, TS Bùi Anh Tuấn khẳng định: “tại Trường Đại học Ngoại thương, chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào giá trị của quốc tế hóa. Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc các tổ chức giáo dục đại học kết nối với nhau, không chỉ trong nước mà còn trên toàn cầu. Thông qua diễn đàn FIHE, chúng tôi hướng tới việc tạo ra một cộng đồng các tổ chức, các nhà giáo dục cùng hướng tới một mục tiêu - làm cho giáo dục trở nên toàn cầu hơn và cởi mở hơn với tất cả mọi người”.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các diễn giả chính: Ông Rob Stevens – Tổng Giám đốc Phát triển Đối tác Toàn cầu, Đại học Massey (New Zealand) chia sẻ tham luận “One Opportunity, Three Ways to Go - Learnings from Massey's TNE Expansion into Singapore” (tạm dịch: Một cơ hội, Ba cách tiếp cận – Bài học từ việc mở rộng giáo dục xuyên quốc gia sang Singapore của Đại học Massey); GS Julia Gaimster – Phó Hiệu trưởng phụ trách học thuật, nghiên cứu và chương trình giảng dạy cho sinh viên Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ tham luận “RMIT University - Our experience in delivering high quality international education in Vietnam” (tạm dịch: Kinh nghiệm cung cấp giáo dục quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam của Đại học RMIT).

Phiên thảo luận toàn thể của Diễn đàn. (Ảnh: TH)

Sau phần trình bày của các diễn giả chính, phiên thảo luận toàn thể của Diễn đàn diễn ra dưới sự điều phối của PGS, TS Cao Đinh Kiên - Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương. Khách mời là các chuyên gia trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận về cơ hội, cũng như những khó khăn và hướng đi đầy triển vọng trong tương lai cho việc xây dựng các chi nhánh quốc tế ở các nước đang phát triển.

Xuyên suốt các phiên thảo luận, các ý kiến đã nhất trí cho rằng việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, nắm bắt các cơ hội, giải quyết thách thức và đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng là những yếu tố cốt lõi để phát triển các chi nhánh quốc tế (IBCs) tại các quốc gia mới nổi, đặc biệt là Việt Nam. Trong đó, thống nhất nhận định rằng IBCs đóng vai trò quan trọng trong việc mang đến những cơ hội học tập hiện đại, đẳng cấp thế giới cho sinh viên địa phương, đồng thời thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và kiến thức toàn cầu. Việc thành lập IBCs tại các thị trường mới nổi đi kèm với những yêu cầu phức tạp và đòi hỏi phải linh hoạt thích ứng với môi trường văn hóa và xã hội mới. Đồng thời, điều quan trọng là liên tục cải tiến phương pháp giảng dạy và thực hành để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của sinh viên và yêu cầu của bức tranh giáo dục toàn cầu; đẩy mạnh hợp tác liên tục để tạo ra một hệ sinh thái giáo dục liên kết chặt chẽ giữa các trường đại học, chính phủ và doanh nghiệp, nhằm cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học và đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa, đồng thời hỗ trợ phát triển địa phương.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực