TP Hồ Chí Minh tiếp tục nỗ lực đổi mới giáo dục và đào tạo

Thứ ba, 09/01/2024 23:47
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định đồng thời dành một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị 

Ngày 9/1, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết 29).

Đến dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; PGS-TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng đại diện các quận, huyện và các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trên địa bàn Thành phố.

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Ngân sách đầu tư vào giáo dục và đào tạo tăng hàng năm, đầu tư cơ sở vật chất theo quy hoạch, khang trang, từng bước hiện đại, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các ngành học, bậc học, đổi mới phương pháp giảng dạy, coi trọng giáo dục nhân cách, lối sống, đạo đức, lý tưởng cho học sinh. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục đào tạo cũng đã đạt được những kết quả tích cực. Hệ thống giáo dục đào tạo ngoài công lập góp phần đáng kể vào việc đào tạo nhân lực. Công tác quản lý giáo dục đào tạo đổi mới tích cực, đạt hiệu quả, phát huy vai trò của gia đình phối hợp với nhà trường, xã hội trong giáo dục thế hệ trẻ…

Những thành tựu này vừa là cơ sở để nâng cao hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành phố vừa là động lực góp phần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng xã hội và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo theo xu thế của thời đại và gìn giữ cốt cách truyền thống, khuyến học, khuyến tài, tôn sư trọng đạo của dân tộc mình. Để triển khai thực hiện Nghị quyết 29, Ban Thường vụ Thành ủy đã kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động thực hiện. Tính đến thời điểm này, Thành ủy, HĐND, UBND cũng như ngành giáo dục có nhiều chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết, quyết định có giá trị pháp lý nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 29. Thành phố cũng là một trong những địa phương sớm xây dựng chiến lược phát triển GD-ĐT đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, có nhiều mục tiêu vượt trội. Với quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, Thành phố đã dành một nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển giáo dục-đào tạo.

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại. Trong đó tốc độ tăng dân số cơ học luôn đặt ra một thử thách mới từ công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng đáp ứng cho phát triển giáo dục -đào tạo và hoàn thiện mạng lưới trường, lớp đến việc triển khai giáo dục toàn diện, lấy học sinh là trung tâm… trên địa bàn.

Trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức, hành động cụ thể hơn nữa để cùng chia sẻ với ngành giáo dục. Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các cấp, các ngành phải huy động sức mạnh toàn xã hội để chăm lo, phát triển giáo dục đặc biệt là vận dụng tối đa chủ trương, chính sách, cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục đổi mới đồng bộ, mạnh mẽ các yếu tố cơ bản của giáo dục-đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, bám sát chương trình giáo dục phổ thông đổi mới nhằm phát triển phẩm chất, năng lực hài hòa đức - trí - thể - mỹ. Cùng với đó là định hướng tư duy phát triển giáo dục-đào tạo theo nhu cầu xã hội để chuyển biến dần nhận thức từ việc học để lấy bằng sang học tinh thông nghề nghiệp, phù hợp với tình hình hiện nay. Thực hiện mạnh mẽ chủ trương phân luồng học sinh, quyết liệt đổi mới chương trình khung.

Một nội dung nữa cũng được đồng chí chia sẻ và cũng là một trong những vấn đề mà lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, trăn trở nhiều đó là chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo, làm sao để thu hút được người giỏi, người tài, có tâm huyết. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành phải tiếp tục tiếp tục suy nghĩ, phải nghiên cứu và đề xuất cho lãnh đạo Thành phố các cơ chế chính xác để cải thiện, tạo điều kiện để đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ nhà giáo.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, trong tiến trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trước hết là cần đổi mới tư duy, phương pháp, cách tiếp cận và dũng cảm thay đổi chính mình từ đội ngũ cán bộ quản lý đến thầy cô giáo. Ngành giáo dục cần quan tâm đổi mới bắt đầu từ sự gương mẫu của các thầy cô giáo. Sự gương mẫu luôn là mệnh lệnh không lời, là nhân tố cực kỳ quan trọng, tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh, trung thực, không hình thức.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, TP Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đồng chí đề nghị ngành giáo dục tiếp tục xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để đầu tư và chuẩn hóa việc giáo dục đạo đức văn hóa trong các trường học.

 Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên trao Bằng khen cho các tập thể.

Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu để khuyến khích các tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ ở Việt Nam; tăng cường giao lưu văn hóa và học thuật quốc tế…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã chia sẻ thực tế công tác giáo dục-đào tạo tại đơn vị mình, bài học kinh nghiệm cũng như những khó khăn, giải pháp trong thời gian tới để việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày càng hiệu quả hơn.

Dịp này, ban tổ chức hội nghị cũng cũng biểu dương, khen thưởng 40 tập thể, 13 cá nhân có thành tích xuất sắc, có nhiều đóng góp trong công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh./.

Tin, ảnh: V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực