Vì sao điểm chuẩn đại học năm 2024 tăng cao ở một số ngành?

Thứ ba, 20/08/2024 13:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tính đến chiều 19/8, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn xét tuyển năm 2024. Đáng chú ý, điểm chuẩn 2024 tăng cao ở một số ngành, dẫn đến nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt ngành học và trường đại học yêu thích ở nguyện vọng 1.

Trong đó, điểm chuẩn trúng tuyển đại học nhiều trường top, ngành hot rất cao, đặc biệt là điểm chuẩn khối C. Đáng chú ý, ngành cao điểm nhất là Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 29,3 điểm. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, ngành Sư phạm Ngữ văn, Lịch sử điểm chuẩn cũng là 28,83 điểm. Còn tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, điểm chuẩn ở ngành Sư phạm Lịch sử (đào tạo tại cơ sở chính) và Sư phạm Ngữ văn (đào tạo tại cơ sở chính) cũng lên tới 28,6 điểm, đồng nghĩa với việc thí sinh dù đạt trên 9,5 điểm/môn vẫn trượt.

Việc thí sinh “hơn 9,5 điểm một môn vẫn trượt đại học nguyện vọng 1” khiến không ít thí sinh và phụ huynh tỏ băn khoăn, lo lắng và cả tiếc nuối.

Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho hay, nếu chúng ta nhìn nhận theo cách so sánh điểm năm nay với năm khác thì điểm chuẩn như vậy có vẻ như cao quá. Nhưng nếu nhìn nhận theo nguyên tắc của tuyển sinh đại học, tức là tuyển những người có đủ năng lực để vào và mang tính chất lựa chọn thì sẽ thấy rằng chọn từ trên xuống dưới. Đây là câu chuyện quy tắc của việc lựa chọn; sẽ có những khía cạnh khác nhau để nhìn nhận.

Ảnh minh họa (Nguồn: TH)

Nhìn chung, điểm vào khối sư phạm năm nay đều tăng, không chỉ với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lý giải cho điều này, theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, có nhiều lý do, trong đó, những chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách về cấp bù học phí và cung cấp sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm, đã thu hút số lượng thí sinh đăng ký ngày càng đông. Thực tế, số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay cho thấy, số thí sinh đăng ký vào các ngành Sư phạm tăng vọt. Trong khi đó, chỉ tiêu thì có hạn. Như vậy, sẽ chỉ có những bạn tốp trên mới đủ điểm để trúng tuyển. “Tôi cho rằng đó cũng là một dấu hiệu tích cực”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chia sẻ.

Riêng với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho hay, có một điểm khác nữa là theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo được tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia. Theo đó, Trường có khoảng 300 học sinh giỏi quốc gia đăng ký vào các ngành, đương nhiên các bạn được tuyển thẳng. Điều này càng làm cho việc cạnh tranh khó khăn hơn.

Chia sẻ với trăn trở, bức xúc của phụ huynh và thí sinh khi đạt trên 9,5 điểm mỗi môn vẫn không đỗ đại học theo nguyện vọng yêu thích nhất, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng nếu thí sinh đã có điểm cao như vậy, các em không trúng tuyển ngành này thì sẽ trúng tuyển ngành khác bởi hiện nay, thí sinh được đăng ký không hạn chế nguyện vọng.

Phân tích về tổng quan, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Các trường vừa mới công bố điểm chuẩn nên Bộ cần thời gian để phân tích kỹ các dữ liệu từ kết quả tuyển sinh mới có thể đánh giá chính xác về điểm chuẩn gắn với từng ngành, nghề; số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng, số lượng thí sinh nhập học. Tuy nhiên, nhìn một cách khái quát, những năm gần đây, việc định hướng cho thí sinh lựa chọn ngành nghề, lựa chọn trường đại học đã có sự tư vấn kỹ lưỡng hơn, thông tin về các ngành đào tạo ngày càng được các trường cung cấp minh bạch, rõ ràng. Vì vậy, những trường đại học có chất lượng tốt, những ngành học có nhu cầu nguồn nhân lực cao sẽ thu hút được nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên. Cùng với đó, trên bình diện cả nước, có những ngành chỉ tiêu không nhiều nhưng tập trung số lượng thí sinh lớn cũng khiến điểm chuẩn bị đẩy lên cao. Về việc điểm chuẩn khối C00 năm nay tăng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận định ngay từ đầu khi so sánh phổ điểm của năm 2024 với 2023. 

Đối với ngành đào tạo giáo viên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, điểm chuẩn ngành này tăng cao là một tín hiệu vui vì chất lượng đầu vào sẽ nâng lên. Đồng thời cho thấy, thí sinh, phụ huynh đã nắm bắt được nhu cầu của xã hội, nhu cầu tuyển dụng bổ sung đội ngũ giáo viên phổ thông, nhất là giáo viên một số môn học mới cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phân tích: Số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển khối ngành Sư phạm năm nay tăng lên 85% so với năm trước, thậm chí có trường số nguyện vọng tăng lên gấp đôi, trong khi chỉ tiêu thì có hạn. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên năm 2024 ít hơn, các trường đào tạo uy tín như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh…, chỉ tiêu cũng thấp hơn. Vì vậy, điểm chuẩn tăng lên cũng nằm trong dự đoán ban đầu.

Cũng liên quan đến câu chuyện này, ở một khía cạnh khác cho thấy, việc xét tuyển sớm đã bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến thu hẹp cơ hội cho các thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiêp THPT.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, cần nhìn nhận vấn đề xét tuyển sớm trên nhiều khía cạnh. Khía cạnh đầu tiên liên quan đến tự chủ của trường đại học. "Rõ ràng các trường đại học được tự chủ ở mức độ nhất định trong quá trình tuyển sinh và việc đó tôi nghĩ chúng ta cũng nên tôn trọng. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thời gian vừa qua, có một số ý kiến, đặc biệt là ý kiến từ các trường phổ thông về xét tuyển sớm. Đơn cử, nhiều trường đại học chỉ xét tuyển 5 kỳ học bạ, dẫn đến câu chuyện học sinh không tập trung sâu nữa vào việc học để hoàn thành chương trình phổ thông. Đây là vấn đề chúng ta đang phải tìm cách để xử lý" - PGS.TS Nguyễn Đức Sơn chỉ rõ.

PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, phải có cách thức xử lý hài hòa, vừa để các trường đại học vẫn có cơ hội sử dụng các phương thức xét tuyển khác nhau, đảm bảo đầu vào cho mình, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tuyển sinh đại học không được đi ngược lại với giáo dục phổ thông.

PGS.TS. Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhận định, những năm đầu, phương án này thấy có nhiều ưu điểm, trong đó có việc giảm áp lực cho các trường đại học. Tuy nhiên, khi chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường bắt đầu nâng lên cao, thì chỉ tiêu cho xét tuyển dựa kết quả thi THPT giảm đáng kể, qua đó, chênh lệch chất lượng tuyển sinh của xét tuyển sớm và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT, bất cập bắt đầu xuất hiện.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng cần bỏ xét tuyển sớm dựa vào học bạ. PGS.TS Trần Thiên Phúc nêu vấn đề: Không ít trường dành chỉ tiêu cho xét tuyển sớm với mong muốn tuyển càng nhiều càng tốt, và còn lại bao nhiêu sẽ xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhưng nếu trường xét tuyển sớm nhiều, chỉ tiêu cho kỳ thi tốt nghiệp giảm thì điểm chuẩn xét điểm kỳ thi chung bị đẩy lên rất cao, nhưng lại không phản ánh đúng bức tranh điểm chuẩn chung khi so sánh điểm của trường dành 50 - 70% chỉ tiêu với trường chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu cho cùng một phương thức".../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực