Giao lưu trực tuyến "Công lý cho nạn nhân chất độc da cam"

Thứ sáu, 09/08/2013 19:29
Mời bạn đọc giao lưu trực tuyến

(ĐCSVN)  Như đã thông báo, hướng tới ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” (10/8), sáng nay (30/7), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Công lý cho nạn nhân chất độc da cam”.

 

 


Tham gia chương trình giao lưu và trả lời các câu hỏi của bạn đọc có các vị khách mời gồm: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh).

Mục đích của cuộc giao lưu trực tuyến nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam; kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân; hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam” 10/8.

Trong chương trình giao lưu trực tuyến, các vị khách mời sẽ trực tiếp giải đáp các câu hỏi do bạn đọc gửi đến. 

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tham gia chương trình theo địa chỉ: 

Ban Chính trị – Xã hội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Địa chỉ: 381 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội.

Email: banthoisudcs@gmail.com
Điện thoại: 080.48952; 0912032672; 0988180758.
Trân trọng kính mời bạn đọc theo dõi và tham gia chương trình.

Ban Biên tập

Sau đây là nội dung cuộc giao lưu:

Nhà báo Phạm Đức Thái - Ủy viên Ban biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 phát biểu khai mạc buổi giao lưu

Nhà báo Phạm Đức Thái – Uỷ viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu khai mạc:

Kính thưa các vị khách mời, kính thưa quý vị bạn đọc!

Thưa toàn thể các đồng chí và các bạn!

Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ sử dụng các loại vũ khí sát thương mà còn biến nước ta thành một phòng “thí nghiệm sống” để nghiên cứu, thử nghiệm các loại hóa chất phục vụ cho quân sự và chiến tranh hóa học. Trong những năm 60 – 70 của thế kỷ XX, quân Mỹ đã rải hàng nghìn tấn chất độc màu da cam – chất độc thuộc nhóm 1 – nguy hiểm nhất xuống Việt Nam nhằm tìm ra các căn cứ bí mật của Quân đội Việt Nam. Thành phần chính của nhóm chất độc này là đioxin. Những hậu quả do hoá chất gây ra không chỉ tác hại đến môi trường sinh thái Việt Nam, mà còn ảnh hưởng rất nặng nề cho sức khoẻ con người. Nhiều căn bệnh tiềm ẩn, nguy hiểm, có tính di truyền gây ra nhiều dạng bệnh tật, gây đau đớn triền miên về thể xác, tổn thương nghiêm trọng về tinh thần cùng nhiều hậu quả, lâu dài cho con người và toàn xã hội. Việc khắc phục thảm họa do cuộc chiến tranh này gây ra không phải một sớm một chiều mà cần có sự nỗ lực bền bỉ và trách nhiệm của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng thảm họa da cam vẫn còn đó. Nó là nguyên nhân gây nên biết bao thảm cảnh cho người dân Việt Nam. Sự thật phải được lên tiếng. Tội ác phải bị vạch trần. Công lý phải được tôn trọng. Đó là tiếng gọi của cuộc sống, của lương tri và lẽ phải.

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thảm họa da cam ở Việt Nam; kêu gọi các nguồn lực xã hội để ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho nạn nhân, hỗ trợ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam,  nhân ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam”, hôm nay (30/7), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề: CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM.

Lời đầu tiên, cho phép tôi thay mặt Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng Ban Tổ chức chương trình xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình giao lưu: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Luật gia Lưu Văn Đạt – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tặng hoa
các vị khách mời trước khi diễn ra cuộc giao lưu

Sau đây, xin mời Nhà báo Lương Thị Thanh Hoa dẫn chương trình giao lưu của bạn đọc với các vị khách mời. Mời quý vị bạn đọc tiếp tục theo dõi và gửi câu hỏi tham gia chương trình giao lưu.

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, xin Thượng tướng cho biết hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam? Hiện tại, những khu vực nào là “điểm nóng” còn tồn dư nhiều chất độc da cam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh:  Núp dưới chiêu bài chất diệt cỏ, làm rụng lá khai quang những khu rừng rậm nhằm vô hiệu hoá nơi ẩn nấp của quân đội và huỷ diệt hoa màu đối phương, từ năm 1961 dến năm 1971, Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hoá học man rợ chưa từng có trong lịch sử loài người ở Nam Việt Nam đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển.

Việc Mỹ sử dụng chất độc hoá học/dioxin tại Nam Việt Nam  cũng được đem ra tranh luận gay gắt tại các phiên họp của quốc hội Mỹ. Thượng nghị sĩ Fullbright, chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ lúc đó đã từng nói: “Mỹ không được sử dụng chất da cam. Phần lớn các quốc gia trên thế giới cho rằng việc sử dụng hơi cay (chất độc CS, CN, DM.) và chất da cam của chúng ta ở Việt Nam là trái ngược với những nguyên tắc và mục tiêu của Nghị định thư Geneve 1925”.

Tháng 4 năm 2002, tại một cuộc Hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức tại Đại học Yale (Mỹ)  quy tụ nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới đã xem xét, đánh giá những công trình nghiên cứu khoa học mới nhất về chiến tranh hoá học và đã đi đến kết luận rằng: “Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh hoá học lớn nhất, độc ác và tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại” tại miền Nam Việt Nam.

Trong thời gian từ 1961- 1971, quân đội Mỹ đã sử dụng 80 triệu lít chất diệt cỏ quân sự các loại, trong đó chất diệt cỏ da cam chứa dioxin chiếm khoảng 64% với 366 kg dioxin làm cho 4,8 triệu dân thường Nam Việt Nam và 2 triệu bộ đội, cán bộ dân-chính-đảng, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến vào Nam chiến đấu, phục vụ chiến đấu bị phơi nhiễm trực tiếp có nguy cơ cao.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trả lời bạn đọc

Sau 52 năm kể từ phi vụ phun rải chất diệt cỏ quân sự đầu tiên (10/8/1961), đến nay, cả nước ta có khoảng 3 triệu người mắc một hay nhiều bệnh có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, sinh con dị tật dị dạng.

90% nạn nhân sinh sống ở nông thôn, hoàn cảnh kinh tế cực kỳ khó khăn; nhiều gia đình có 2 - 3 con dị tật dị dạng, thiếu đói triền miên, không có điều kiện chăm sóc y tế, tiếp cận các dịch vụ phúc lợi công cộng, giao lưu, học hành… Đến tháng 5/3013, theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cả nước mới có 186.000 trường hợp được hưởng trợ cấp ưu đãi người có công; trong số này, cũng chỉ có 56% là người hoạt động kháng chiến, còn 44% là con đẻ của họ. Có gia đình phải cầm cố cả thẻ thương binh hay sổ lương hưu để có tiền thuốc thang kịp thời cho con, cháu. Theo thống kê năm 2008 và 2013, tỉnh Quảng Ngãi có trên 1.200 cháu, tỉnh Quảng Bình có 470 cháu là nạn nhân thể hệ thứ ba. Đây thực sự là một gánh nặng cho gia đình và xã hội!

Về việc Việt Nam có bao nhiêu điểm nóng dioxin. Điểm nóng dioxin là những vùng hiện có mức độ ô nhiễm dioxin cao vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Ở Việt Nam, những điểm nóng dioxin được xác định qua lý thuyết của công ty tư vấn về môi trường Hatfield (Canada) và qua kết luận của các công trình nghiên cứu khoa học của GS Arnold Schecter và cộng sự. Theo lý thuyết của Hatfield, những điểm nóng dioxin là những căn cứ quân sự cũ của quân đội Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam trước đây đã tàng trữ, phân phối chất độc da cam. Theo GS A. Schecter, những điểm nóng dioxin là những nơi mà dioxin trong thực phẩm hoặc trong máu của con người có nồng độ cao hơn nhiều lần so với trong thực phẩm và dân cư ở những nơi khác.

Không có con số thống kê thống nhất về điểm nóng dioxin ở Việt Nam vì phần lớn các điểm nóng này được xác định theo lý thuyết. UB QG khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam cho biết có 7 điểm nóng dioxin, đó là các sân bay: Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Pleiku (Gia Lai), Trà Nóc (Cần Thơ) , Biên Hòa (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, để chia sẻ, giúp đỡ những nạn nhân da cam, chúng ta đã tiến hành những hoạt động gì? Hàng năm, Nhà nước chi bao nhiêu tiền để trợ cấp hàng tháng cho các nạn nhân?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) đã phối hợp với các lực lượng liên quan, nhất là các cơ quan báo chí - truyền thông, tạo sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế quan tâm đến vấn đề da cam; coi việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là tình cảm, là trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng xã hội; đẩy mạnh phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách và tư vấn, phản biện các chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.

Vận động các nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Tính đến hết 12/2012, VAVA đã vận động ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin được 630 tỷ đồng. Số tiền trên đã được chi:

- Trợ cấp làm gần 3.000 ngôi nhà.

- Góp phần xây dựng 19 trung tâm nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam ở địa phương;

- Trao 3.500 suất học bổng, 1.630 suất tìm việc làm.

- Tặng hơn 3,3 triệu suất quà vào dịp lễ, tết và Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8.

- Hỗ trợ vốn sản xuất, cấp xe lăn và các dụng cụ phục hồi chức năng cho nạn nhân.

- Tổ chức cho nạn nhân đi khám, chữa bệnh ở nước ngoài, đi học đại học ở Ấn Độ.

- Trợ cấp do thiên tai, khó khăn đột xuất và nhiều hoạt động khác nhằm chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Từ trái sang phải: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng; Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt;
Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh; Nhà báo Thanh Hoa

Nhà báo Thanh Hoa: Chất độc da cam là thủ phạm gây ra những nỗi đau không thể diễn tả thành lời. Xin hỏi Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, những nghiên cứu của bà cho thấy tác hại chất dioxin đối với con người ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Trên thực tế, tôi là một bác sĩ sản khoa, làm việc hơn 40 năm ở trong một bệnh viện lớn nhất ở miền Nam của Việt Nam. Từ năm 1965 trở đi, tôi đã chứng kiến những trường hợp đầu tiên của nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tôi được tiếp xúc với những đứa trẻ dị tật được sinh ra với những khuyết tật ghê sợ. Từ thực tế như vậy, tôi cùng với các đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu. Nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi là về sự liên quan, liên hệ nhân quả  các trường hợp có dị tật bẩm sinh này với chất độc da cam/dioxin nói riêng và các chất độc hóa học khác của Mỹ trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam nói chung. Tất cả những di tật mà chúng tôi gặp ở bệnh viện phụ sản như:  Vô sọ, tức là chỉ có mặt thôi không có sọ, hoặc không mắt, không tay, không chân; hoặc có những di tật khác như sinh ra dính liền nhau… Những dị tật hay quái thai đó rất ghê sợ.

Chúng tôi đã đi báo cáo từ năm 1987 ở các hội nghị quốc tế. Các nhà khoa học của những công ty hóa chất của Mỹ đã truy chúng tôi rằng những trường hợp như vô sọ… là do Việt Nam thiếu axit folic, mà người dân Việt Nam do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng thường xuyên, nên không phải do chất độc gây ra.

Tôi đã trả lời, chúng tôi nghiên cứu ở đây là nghiên cứu so sánh, so sánh giữa nhóm dân cư cùng một tỉnh, hay nhóm dân cư cùng một khu vực. Ví dụ: Chúng tôi so sánh nhóm dân ở Bến Tre là có nơi có rải chất độc hóa học là rất nhiều và chúng tôi nghiên cứu ở một xã ở Long Xuyên cũng là một nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng không có rải chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi thấy ở hai nơi này, điều kiện sống hoàn toàn tương đồng như nhau và các thói quen trong sinh hoạt cũng vậy, chỉ duy nhất khác là có hoặc không tiếp xúc với chất độc hóa học.

Nếu nói về thiếu axit folic thì cả hai nơi này đều thiếu như nhau. Nhưng ở Bến Tre lại có số lượng người bị dị tật nhiều gấp 3 - 6 lần, thậm chí là 15 lần so với xã không có rải chất độc ở Long Xuyên. Vậy rõ ràng, nghiên cứu kết luận dựa trên sự so sánh là chắc chắn chất độc hóa học nói chung và chất độc da cam/dioxin là chất gây ra khuyết tật bẩm sinh mà Việt Nam chúng ta đang phải gánh chịu.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trả lời bạn đọc

Nhà báo Thanh Hoa: Có lẽ hình ảnh của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin khiến ai đã từng gặp đều đau lòng và không thể nào quên. Trong thời gian công tác, chắc hẳn bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Bác sĩ có thể kể về một vài trường hợp mà bác sỹ đã gặp ?

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Phượng: Tôi xin kể lại với các bạn một  trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho tôi đó là, tôi đã đỡ đẻ 1 cho bà mẹ sinh ra một bé bị “quái thai” không có sọ và đầu và đặc biệt khi đó là bác sĩ vừa ra trường nên còn non nớt kinh nghiệm. Khi nhìn thấy trường hợp như vậy, tôi thấy hốt hoảng, bủn rủn chân tay, ôm đứa trẻ mà tôi như mất hồn vì đây là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhìn thấy cảnh tượng này.

Sau đó  một vài phút tôi mới sực nhớ, lấy khăn đắp cháu lại, rồi chạy ra ngoài vừa khóc vừa nôn và chóng mặt, cảm thấy bị sốc rất nặng nề.

 Khi  gia đình sản phụ nhìn thấy tôi như vậy thì rất lo lắng, không hiểu điều gì đã xảy ra với mẹ và đứa trẻ.

Sau đó, do gia đình sơ suất nên đã để bà mẹ đó nhìn thấy hình hài đứa bé vừa sinh ra, tôi còn nhớ mãi, khi đó chị ấy khóc lóc thảm thiết và nói “Không biết kiếp trước tôi đã làm gì sai mà ông trời trừng phạt tôi thế này”...

Sau này, năm 1976 khi tôi bắt đầu nghiên cứu và phát hiện ra rằng, những trường hợp quái thai này là do chất độc da cam. Sau đó, tôi mới truy lại hồ sơ và biết nhà chị này nhà ở gần sân bay Biên Hòa (nơi tồn dư rất nhiều chất độc hóa học mà Mỹ đã rải xuống).

Một trường hợp khác cũng đau lòng làm tôi day dứt mãi đó là trường hợp ở Đồng Xoài (Bình Phước) - nơi cũng bị Mỹ rải chất độc hóa học rất nhiều. chị khoảng 36 tuổi và có 5 đứa con, chị được đưa vào bệnh viện Từ Dũ và phát hiện mình bị bệnh ung thư buồng trứng, nhưng do hồi đó chưa có siêu âm giỏi như bây giờ, nên khó phát hiện xem bệnh đã di căn đến đâu. Tôi được phân công mổ trường hợp này. Khi đưa chị vào phòng mổ, đứa con đầu của chị ấy khoảng 15 tuổi đã cầu xin tôi: “Bác sĩ hãy cứu mẹ con, bố con mất rồi”. Tuy nhiên, ca mổ đã không thành công, tôi đã rất buồn và đau khổ vì mình không thể làm được gì.

Qua đây, tôi chắc chắn với các bạn  rằng, chất độc da cam/diôxin và các chất độc khác mà Mỹ sử dụng tại Việt Nam đã giết hại dân mình rất nhiều, và làm nhiều cháu bé bị quái thai, khuyết tật khi được sinh ra.

Nhà báo Thanh Hoa: Nguyên là giám đốc bệnh viện Từ Dũ, bà có sáng kiến gì trong việc chữa trị cho các bà mẹ có thể sinh con bị dị dạng?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Để điều trị giảm bớt chất độc trong cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai , Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin đã thành lập trung tâm tẩy độc đầu tiên ở Thái Bình, nhưng chưa có biện pháp nào chứng tỏ có hiệu quả thật sự. Hiện vẫn trong quá trình nghiên cứu, sắp tới đây sẽ thành lập nhiều trung tâm tẩy độc hơn nữa, giúp nạn nhân điều trị tẩy độc có hiệu quả.

Đối với các cháu sinh ra đã bị dị tật, ngoài việc đã có nhiều trung tâm nuôi các cháu, chúng tôi còn tiến hành mổ, sửa đổi khuyết tật, phục hồi chức năng, giúp các cháu tái hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, vấn đề điều trị còn nhiều khó khăn. Vì vậy, công tác dự phòng vẫn là quan trọng. Điều này đòi hỏi chính quyền Mỹ phải phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai các chương trình tẩy độc tại các điểm nóng có tồn dư chất độc, cao nhất là khu vực các sân bay quân sự.

Đối với y tế dự phòng trong nước, chúng tôi có khoa tư vấn tiền sản, siêu âm và xét nghiệm máu phát hiện nguy cơ cao dị tật. Từ đó, chúng tôi làm tư vấn tiền sản phát hiện sớm, can thiệp sớm, tránh sinh con quái thai, dị tật cho bà mẹ có nguy cơ cao, tư vấn để bỏ thai dị dạng.

Ủy ban Dân số gia đình và trẻ em (Bộ Y tế) đã hỗ trợ chúng tôi thành lập tổ tư vấn tiền sản. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo chưa có đầy đủ phương tiện để phát hiện sớm những trường hợp dị tật để tư vấn bỏ sớm.

Ở Việt Nam, dù kinh tế đã có cải thiện và tiến bộ, nhưng chúng ta vẫn còn là nước nghèo nên chưa thể trang bị những thiết bị y tế hiện đại để điều trị cho những nạn nhân ở vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, chúng ta phải đấu tranh để các công ty hóa chất Mỹ (đã hưởng nhiều lợi nhuận từ sản xuất chất độc hóa học) phải có trách nhiệm giúp chúng ta; hỗ trợ trang thiết bị về vùng sâu vùng xa, tránh các trường hợp sinh con, khuyết tật, dị dạng.

Nhà báo Thanh Hoa: Bạn Hà Huyền ở địa chỉ mail : hahuyen1951@yahoo.com hỏi : Thưa Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Bác sĩ đã trực tiếp tham gia 2 trong 3 phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ về vấn đề da cam/dioxin của Việt Nam, bà nhận thấy thái độ của người dân Mỹ với cuộc đấu tranh của chúng ta như thế nào?

BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Ngoài 2 lần điều trần, thì tôi còn có nhiều dịp sang Mỹ, không phải ai cũng biết hết được tác hại của chất độc hóa học đối với con người Việt Nam. Được sự giúp đỡ của Tổ chức Cứu trợ và trách nhiệm Mỹ của bà Merle Ratner và chồng là Tiến sĩ Ngô Văn Nhàn phụ trách, họ có đưa tôi đến các  trường đại học của Mỹ nói chuyện về ảnh hưởng chất độc da cam ở Việt Nam. Khi tôi nói xong, họ rất xúc động. Tại trường đại học Washington đã có một giảng viên đại học hỏi tôi: Thưa bác sĩ, khi nghe báo cáo xong, tôi thấy rất làm xấu hổ và nhục nhã vì những gì Chính phủ Mỹ đã làm với người dân Việt Nam. Họ hỏi phải làm gì để phần nào giúp đỡ người dân Việt Nam? Rõ ràng, khi đã hiểu thì họ rất ủng hộ cuộc chiến của chúng ta, các cựu chiến binh Hoa Kỳ cũng kiện các công ty hóa chất Mỹ và khi biết Việt Nam kiện họ hoàn toàn đồng tình. Cả các tổ chức phi chính phủ họ cũng rất ủng hộ chúng ta, thậm chí cả một số nghị sĩ, hạ viện đều tuyên bố ủng hộ vụ kiện chúng ta tiến hành với các công ty hóa chất Hoa Kỳ.

Đặc biệt các cựu chiến binh, họ là người hiểu nhất, họ còn giúp chúng ta tìm tòi những tư liệu quý, những bằng chứng rõ ràng, cụ thể  giúp chúng ta kiện công ty hóa chất Mỹ sử dụng chất diệt cỏ.

Năm 2007, chúng tôi còn được tạo điều kiện giúp đỡ tham gia Đại hội bác sĩ toàn Liên bang Hoa Kỳ tại Washington D.C với 14.000 thành viên là các nhà khoa học và bác sĩ có uy tín ở Hoa Kỳ. Sau 1 tuần chúng tôi tham gia tất cả các cuộc họp, nghiên cứu về tất cả các độc chất này, tác động cụ thể đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của con người Việt Nam như thế nào.

Cuối cùng, Đại hội đã ra một Nghị quyết chính thức, khuyến cáo chính phủ Hoa Kỳ cùng các công ty hóa chất có liên quan đến sản xuất chất hóa học dioxin phải có trách nhiệm cung cấp nguồn lực đầy đủ (họ tránh chữ “bồi thường”) cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả ở Việt Nam và Hoa Kỳ được điều trị, phục hồi chức năng, được học tập và đủ điều kiện sống hòa nhập trở lại xã hội. Có thể nói, đây là một Nghị quyết rất quan trọng vì Hội nhà y tế cộng đồng này rất có uy tín ở Hoa Kỳ.

Các phóng viên báo chí với một loạt bài viết, phim truyền hình được giải cao ở Hoa Kỳ nói về các nạn nhân chất độc da cam dioxin cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất ủng hộ. Họ đều tin rằng, một ngày nào đó, vấn đề sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Nhà báo Thanh Hoa: Bạn đọc có địa chỉ email: Ngocha@gmail.com hỏi:  Thưa GS. Luật gia Lưu Văn Đạt, là người từ đầu tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân da cam và là một trong 4 nhân vật trong Hội Luật gia Dân chủ quốc tế, trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh đòi công lý này, xin ông tóm tắt lại quá trình đấu tranh của các nạn nhân?

Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt: Đây là vấn đề lớn, đi vào lịch sử đương đại nước ta và đi vào lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Mỹ, ảnh hưởng lớn đến quan hệ của một số nước đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vấn đề pháp lý khó, ngay cả với những luật gia như chúng tôi, quan trọng hơn, nó còn rất nhạy cảm, liên quan đến vấn đề chính trị, vấn đề ngoại giao.

Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt trả lời bạn đọc

Chúng tôi thấy khó khi đặt vấn đề bắt đầu từ đâu, nói cái gì?

Hôm nay tôi sẽ cung cấp với các bạn một số thông tin về vụ kiện này.

Nguồn gốc của việc đòi công lý: Năm 1969, Bác Hồ đã có lá thư gửi Tổng thống Mỹ yêu cầu chấm dứt việc rải chất độc da cam/dioxin, nhưng nhiều năm sau, Mỹ vẫn còn rải chất độc da cam/dioxin lên miền Nam Việt Nam.

Năm 1971, Giáo sư Tôn Thất Tùng đã có một công trình khoa học báo cáo ở Pari với 200 nhà khoa học lên án vấn đề này và nói lên tác hại của chất độc da cam tới sức khỏe con người, đặc biệt là vấn đề sinh sản của phụ nữ.

Vụ kiện bắt đầu từ đâu? Sau chiến tranh, năm 1996, chúng ta mới có ý tưởng bắt đầu vụ việc. Chúng ta không phải là người đầu tiên đòi hỏi công lý. Người đầu tiên khơi gợi vụ việc là hai luật gia, trong đó có một vị là con trai đô đốc Zumwalt - vị đô đốc này đã ra lệnh việc rải chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam - và bạn ông. Luật gia này đã đến thăm Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và giới thiệu vụ kiện năm 1984 của các cựu chiến binh Mỹ với các công ty hóa chất Mỹ. Các ông muốn giúp Việt Nam tiến hành một vụ kiện như thế.

Năm 2000, tại Ban Thường vụ Hội Luật gia quốc tế, đoàn Luật sư Pháp đã yêu cầu phía Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Năm sau, vấn đề này lại được đặt ra ở Diễn đàn Hội Luật gia quốc tế. Giáo sư Lê Cao Đài đã đọc bản báo cáo gây xúc động về các tác hại của chất độc da cam/dioxin. Từ đó, Hội nghị đã đề ra nghị quyết đề nghị tất cả các luật gia và nhân dân trên thế giới ủng hộ việc đòi phía Mỹ bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Năm 2002, Hội Luật gia quốc tế tiến hành thêm một bước nữa. Hội Luật gia  thành lập Tổ tư vấn ở nước ngoài thực hiện vấn đề này. Ngoài ra, chúng ta cũng có một công trình nghiên cứu, và Hội nạn nhân chất độc da cam được thành lập để thực hiện nhiệm vụ đó.

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, gần đây nhất, ngày 2/6/2013, Hiệp hội Golf Việt Nam tại Trung Quốc đã phối hợp với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại nước này tổ chức Giải golf "Hướng tới những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam” nhằm hưởng ứng chương trình “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam” do Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc phát động. Theo Thượng tướng, cần làm gì để nhân rộng các mô hình hoạt động tương tự tại nước ngoài ?    

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Cảm ơn bạn đọc đã gửi câu hỏi thú vị này.

Có thể nói, những mô hình vận động để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam đã diễn ra rất nhiều nước trên thế giới. Chúng tôi cũng  không thể liệt kê hết được tên của những chương trình và sự kiện đã tổ chức.

Bạn đọc có nói đến sự kiện giải golf  ở Trung Quốc. Tôi rất cảm ơn các nhà tổ chức, cảm ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã tổ chức sự kiện này để ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Chúng tôi xin thông báo với các bạn rằng, các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài, Việt kiều ở nước ngoài và nhân dân Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các chương trình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Hiện nay, họ đã tổ chức Ban thường trực tại Việt Nam để chuyển các tài trợ đó đến gia đình, cá nhân các nạn nhân bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

Mới đây nhất, tôi đã gặp Tổng Giám đốc điều hành UNICEF khi ông đến công tác tại Việt Nam. Trong chuyến đi này, ông đã thăm một trung tâm nạn nhân chất độc da cam/dioxin và hứa sẽ tiếp tục ủng hộ các nạn nhân.

Tôi tin rằng, những tổ chức của Liên hợp quốc hiện nay đã biết được hậu quả của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và những tổn thất, những thiệt thòi mà trẻ em phải gánh chịu do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Các vị đại biểu đến dự chương trình giao lưu trực tuyến

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt, để giúp các nạn nhân chất độc da cam có thể theo vụ kiện, Luật sư đã bỏ ra nhiều năm nghiên cứu luật pháp Mỹ. Theo ông, chúng ta có những thuận lợi và khó khăn gì trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân?

Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt: Đây có thể được xem là vấn đề rất khó trả lời, nhưng tôi có thể khẳng định rằng, đó là việc chúng ta đang nghiên cứu rất kỹ và trong quá trình tiến hành vụ kiện thì vẫn tiếp tục nghiên cứu.

 Khó khăn thứ nhất chính là tính chất vụ kiện. Đây không phải là vụ kiện thông thường về mặt pháp lý, có liên quan đến vấn đề chiến tranh ở Việt Nam; trách nhiệm của Mỹ trong việc rải chất độc da cam ở Việt Nam.

Khó khăn thứ hai, nội dung vụ kiện rất phức tạp, chưa có tiền lệ trên thế giới và chưa có ai trên thế giới đi sâu nghiên cứu nội dung vụ kiện này.

Khó khăn thứ ba,  các bị đơn của chúng ta là các tập đoàn rất mạnh. Họ có thế và lực.

Về thuận lợi, chúng ta có nhiều luật sư giỏi sẵn sàng giúp theo vụ kiện. Ở Mỹ, vai trò của luật sư là rất quan trọng. Nhiều luật sư giỏi rất có tâm, nếu không đạt yêu cầu, họ không lấy phí. Mà các bạn biết, phí luật sư ở bên Mỹ là cực kỳ lớn. Hôm nay, tôi chỉ muốn đề cập đến một vấn đề thôi, còn rất nhiều vấn đề, tôi xin bàn vào một dịp khác.

Tôi khẳng định, lúc mới đầu khởi kiện, khó khăn rất lớn, thế nhưng thuận lợi không ít và càng ngày nhiều hơn. Chúng ta dùng thuận lợi để khắc phục những khó khăn đó.

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, cuộc đấu tranh đòi công lý của chúng ta hiện đang gặp những khó khăn nào?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Về phía Mỹ , họ tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm, trì hoãn việc xem xét bồi thường cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam bởi 3 lý do sau đây:

Lý do chính trị: Chính phủ Mỹ sợ bị buộc tội là tội phạm chiến tranh, vi phạm nhân quyền

Lý do kinh tế: Nạn nhân chất độc da cam không phải là một vài nghìn người mà là hàng chục triệu người. Nếu thừa nhận trách nhiệm, họ phải bồi thường rất nhiều tiền của.

Lý do ngoại giao: Mỹ luôn tự xưng là một nước dân chủ, tôn trọng nhân quyền. Nếu họ thừa nhận đã gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam thì sự rêu rao của họ sẽ trở nên vô nghĩa.

Do đó, ý đồ của Mỹ là tìm cách trì hoãn, chờ đến lúc các nạn nhân chất độc da cam chết hết thì vấn đề da cam cũng khép lại.

Về phía ta, nhận thức của một số người về vụ kiện chưa đúng; việc theo đuổi vụ kiện sẽ tốn kém không ít về tiền bạc và thời gian; sự hiểu biết của ta về pháp luật nước Mỹ còn hạn chế. Do đó, nếu thiếu kiên trì và nguốn lực thì khó có thể theo đuổi vụ kiện đến cùng.

Nhà báo Thanh Hoa: Khó khăn là vậy, nhưng trong cuộc đấu tranh này chúng ta không đơn độc, phải không thưa Thượng tướng? Xin Thượng tướng cho biết  một vài hành động cụ thể của bạn bè quốc tế ủng hộ việc đòi lại công bằng cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Trong cuộc đấu tranh đòi công bằng cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, chúng tôi khẳng định không đơn độc. Chúng tôi được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân thế giới, được sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước và nhân dân mình. Tôi rất tự hào, tin tưởng rằng kết quả cuộc đấu tranh của chúng tôi đến ngày nào đó sẽ trở thành hiện thực. Đó là một lời khẳng định.

 

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh trả lời bạn đọc

Bên cạnh đó, chúng tôi cảm ơn các nhà khoa học Mỹ đã có một kiến nghị lên Tổng thống Mỹ rằng, chất độc da cam là một chất độc chứa chất dioxin. Kiến nghị này đã được thực hiện từ năm 1967 - 1968. Các tổ chức phi chính phủ thế giới cũng rất ủng hộ việc này, ngay từ đầu đã lên án và có nghị quyết phản đối chiến tranh rải chất độc da cam ở Việt Nam, kêu gọi Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải đền bù cho Việt Nam. Đó là một tuyên bố làm lay động thế giới.

Còn về Ủy ban hòa bình thế giới, người ta lấy ngày 10/8 là Ngày da cam Việt Nam để ủng hộ. Ngoài ra, hơn 40 đảng cộng sản trên thế giới đứng ra ủng hộ Việt Nam, cũng ra nghị quyết yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm với người dân Việt Nam.

Đến nay, Hội chúng tôi đã có quan hệ 25 nước trên thế giới và họ thực sự rất quan tâm đến vấn đề chất độc da cam/dioxin; ngoài ra, còn có 35 tổ chức trên thế giới. Một lần nữa, tôi khẳng định chúng tôi không đơn độc. Cuộc đấu tranh của chúng tôi với mục tiêu ngăn chặn những cuộc chiến tranh để nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới được hưởng hòa bình.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất cảm ơn nhiều cá nhân như: Ông Sharma - Hội Luật gia da cam thế giới; F. Gendream – Hội hữu nghị Pháp – Việt; W. Bourdon – Hội luật gia Pháp;  M. Ratner – Ban vận động cứu trợ và trách nhiệm; David Cline – Hội Cựu chiến binh hòa bình Mỹ; Len Aldis – Hội hữu nghị Anh Việt… đã hết lòng giúp đỡ đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Đặc biệt, chúng tôi rất cảm ơn các cựu chiến binh Mỹ đã “bắt tay” cùng chúng tôi xoa dịu nỗi đau da cam.

Nhà báo Thanh Hoa: Chúng ta có tiêu chí cụ thể, khoa học để xác định hay kết luận nạn nhân chất độc da cam/dioxin không? Bằng cách nào có thể xác định được một bệnh nhất định nào đó có liên quan đến sự phơi nhiễm dioxin hay không? Bạn đọc ở địa chỉ ducdvgtvt@yahoo.com nêu câu hỏi. Xin bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trả lời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Thưa các bạn, tiêu chí như thế nào là phơi nhiễm và nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Thứ nhất, về phơi nhiễm, chúng ta dựa vào quá trình sinh sống và làm việc trong thời gian chiến tranh.

Thứ hai, bệnh tật nào do chất độc dioxin gây ra thì Bộ Y tế đã đưa ra 17 loại hình có thể liên quan đến dioxin. Tuy nhiên, phải nói thế này: Hiện nay không có một loại bệnh nào nhất định do dioxxin gây ra, Trên thực tế cho thấy có thể thấy nhiều tổn hại cho sức khỏe và dị tật bẩm sinh kể cả với những người không phơi nhiễm. Chỉ có điều ở những người bị phơi nhiễm, tỉ lệ bệnh và khuyết tật bẩm sinh cao hơn 3 đến 4, thậm chí gấp 5 đến 6 lần. Đơn cử như năm 1982 chúng tôi nghiên cứu ở trại phong Bến Tre có trường hợp bị phơi nhiễm gấp 12 lần so với bình thường.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trả lời bạn đọc

 Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, một bạn đọc ở Can Lộc (Hà Tĩnh) hỏi: Tôi là nạn nhân chất độc da cam, mỗi tháng được trợ cấp 1.452.000 đồng; con trai duy nhất của tôi có được tạm hoãn nhập ngũ trong thời bình như thương binh hạng 2/4 không?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh:

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ:

“Điều 4. Những công dân sau đây được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình:

-  Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1, bệnh binh hạng 1;

-  Một người anh trai hoặc em trai của liệt sĩ;

-  Một con trai của thương binh hạng 2;

- Cán bộ, viên chức, công chức, thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, trí thức trẻ tình nguyện làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn có phụ cấp khu vực hệ số 0,5 trở lên, ở hải đảo có phụ cấp khu vực hệ số 0,3 trở lên.”

Như vậy, con của ông không thuộc đối tượng miễn nhập ngũ trong thời bình.

Nhà báo Thanh Hoa: Thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, một số bạn đọc: Nguyễn Phương (Hà Nội), Quang Ngọc (Hòa Bình), Văn Thành (Bắc Giang) hỏi: Hiện nay có hiện tượng khai man hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, chất độc da cam và chế độ thanh niên xung phong, gây bức xúc trong xã hội, thất thoát ngân sách của Nhà nước. Vậy chúng ta có những giải pháp gì để loại bỏ hiện tượng này ?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh:  Trong thực tế, có một số người khai man bệnh tật để được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rằng, tuyệt đại bộ phận những người đang hưởng chế độ, chính sách với nạn nhân chất độc da cam /dioxin là những người có công với đất nước; đã sống trong vùng phơi nhiễm và đã được giám định.

Về phía Hội, chúng tôi đề nghị tất cả mọi người phải đấu tranh, loại trừ những trường hợp khai man để chính sách của chúng ta đến đúng đối tượng, đúng người được hưởng, bảo đảm sự công bằng.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã đề nghị khởi tố một số trường hợp cố tình làm sai để hưởng chính sách của Nhà nước như trường hợp một bác sĩ ở Thái Nguyên. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu thêm một số trường hợp khác để đề nghị xử lý.

Nhà báo Thanh Hoa: Bạn đọc Thu Hiền (Đà Lạt) hỏi: Tôi thấy có rất nhiều chương trình về ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trong đó có phong trào “Tháng hành động quốc gia vì nạn nhân chất độc da cam”? Vậy, kết quả cụ thể của phong trào này tác động như thế nào tới công tác quan tâm, chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở nước ta thời gian qua, thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Các nạn nhân nhiễm chất độc da cam /dioxin luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta. Các nạn nhân này rất cần sự đùm bọc, giúp đỡ của Nhà nước và cả cộng đồng xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam” từ ngày 20/7 đến 20/8. Đây là hoạt động có ý nghĩa dành cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi là thành viên của Mặt trận và rất hoan nghênh hoạt động này bởi thông qua đó, đã giúp đỡ được hàng trăm ngàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, thiếu sót của chúng tôi là đến nay chưa tổng hợp được số người được giúp đỡ cụ thể là bao nhiêu.

Chúng tôi đang chủ trương xây dựng 55 trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam/dioxin, trẻ em khuyết tật. Đến nay, cả nước đã có 29 tỉnh thành đăng ký xây dựng.

Nhà báo Thanh Hoa: Nhiều bạn đọc nêu câu hỏi: Vụ kiện và áp lực của công luận bước đầu đã có tác động đến thái độ và hành động của ngành hành pháp và lập pháp Mỹ. Vậy phía Mỹ đã có những cam kết nào hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề giải quyết hậu quả chất độc da cam, thưa Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: Áp lực vụ kiện với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp Mỹ phải nói như thế này:

Trước khi có vụ kiện, họ rất ngại đề cập đến vấn đề da cam, và mặc nhiên không bình luận về nội dung này trong các cuộc gặp gỡ, làm việc giữa hai bên. Tuy nhiên, hiện nay, sau gần 10 năm đấu tranh theo đuổi vụ kiện, chúng ta nhận được rất nhiều sự ủng hộ của nhân dân thế giới.

Thứ nữa, chúng ta đã tập hợp được những người ủng hộ. Việt Nam là trung tâm mặt trận chính đấu tranh theo đuổi vụ kiện, trong đó tăng cường liên kết quốc tế các nạn nhân của: Mỹ, Hàn Quốc, Việt Nam..., biến vụ kiện trở thành vụ kiện quốc tế.

Tất cả những điều đó ít nhất cũng có tác động đến các cơ quan tư pháp Mỹ , biểu hiện cụ thể họ đã chịu ngồi vào bàn đàm phán về nội dung này; hàng năm chính phủ Mỹ cũng đã phải bỏ ra một khoản nhất định để tẩy độc da cam/dioxin, chấp nhận viện trợ nhân đạo cho trẻ em khuyết tật Việt Nam, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Với cơ quan hành pháp, cụ thể là Bộ Ngoại giao Mỹ đã khẳng định, Chính phủ Mỹ và chính phủ Việt Nam có trách nhiệm giải quyết vấn đề chất độc da cam/dioxin. Với cơ quan lập pháp chúng tôi đã tìm tới một số nghị sĩ ở Hạ viện, Thượng viện. Một số còn hài hước nói rằng: Chúng tôi cũng là nạn nhân chất độc da cam vì vậy chúng tôi phải có trách nhiệm ra luật ủng hộ, bênh vực nạn nhân chất độc da cam/dioxin.


Câu hỏi và câu trả lời đã được các biên tập viên nhanh chóng chuyển tới bạn đọc

Nhà báo Thanh Hoa: Bạn đọc Nguyễn Xuân Lập (Can Lộc, Hà Tĩnh) hỏi: Cần phải tuyên truyền tới thế hệ trẻ kiều bào về hậu quả của chất độc da cam/dioxin, về cuộc sống của gia đình các nạn nhân tại Việt Nam, để từ đó, các thế hệ kiều bào thứ 2, thứ 3 ... có thể có những đóng góp hiệu quả cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân, góp phần xoa dịu nỗi đau da cam ?

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Thưa các bạn, câu hỏi này cũng là trăn trở của chúng tôi – những người làm khoa học và những người công tác trong Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin.

Chúng tôi cũng trăn trở làm thế nào để chuyển tải các thông tin về tác hại của chất độc da cam dioxin đến kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Điều này khó nhưng không phải không làm được. Chúng ta có thể thông qua Đại sứ quán, các cơ quan báo, đài truyền hình nói lên những vấn đề này để kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hiểu hơn về tác hại của chất độc da cam/dioxin. Các Đại sứ quán có thể thông qua những cuốn sách nhỏ để tuyên truyền tới kiều bào. Những lần đi công tác nước ngoài, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều có cuộc gặp mặt kiều bào, thông qua đây cũng nên thông tin về vấn đề này.

Đối với các kiều bào, con em kiều bào về nước, nên tổ chức các chuyến đi thăm đến các địa điểm bị nhiễm chất độc da cam dioxin nặng để từ đó tuyên truyền lại cho bạn bè và cộng đồng người Việt ở nước ngoài hiểu hơn về vấn đề này. Ví dụ như: Tại U Minh (Cà Mau), nơi bị rải chất độc da cam rất nặng nề, một số kiều bào đã được đến thăm, chứng kiến những gương mặt, cuộc sống cụ thể của những người nạn nhân chất độc da cam. Từ đó hiểu hơn và có những hành động chia sẻ thiết thực hơn.

Nhà báo Thanh Hoa: Câu hỏi cuối cùng, xin dành cho Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, trong thời gian tới, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam sẽ tiếp tục làm gì để kêu gọi cộng đồng quốc tế quan tâm tới việc đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh: VAVA sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học trong nước và quốc tế tham gia vào việc đánh giá, lượng định hậu quả cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam; đề xuất các chủ trương, giải pháp khắc phục thảm họa da cam, xoa dịu nỗi đau da cam.

Vận động các cơ quan tư pháp Mỹ có cách nhìn công tâm về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đưa ra những phán quyết công bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Vận động Quốc hội và Chính phủ Mỹ nâng mức viện trợ nhân đạo cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Vận động  và tập hợp các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài ủng hộ vụ kiện, hình thành phong trào quốc tế đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam.

Nhà báo Phạm Đức Thái – Uỷ viên Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu kết thúc chương trình giao lưu:

Kính thưa các vị khách mời, kính thưa quý vị bạn đọc!

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “CÔNG LÝ CHO NẠN NHÂN CHẤT ĐỘC DA CAM” đã nhận được sự quan tâm theo dõi và tham gia của đông đảo bạn đọc với hàng trăm câu hỏi gửi về tòa soạn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua gần 3 giờ giao lưu, các vị khách mời đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm những câu hỏi do bạn đọc gửi tới Báo.

Nhiều câu hỏi của bạn đọc đã được các vị khách mời giải đáp như: Ảnh hưởng của chất độc da cam đối với sức khỏe con người; chế độ chính sách với nạn nhân chất độc da cam; kết quả của cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, những khó khăn và thuận lợi trong công việc này; những nỗ lực của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam...

Qua buổi giao lưu, chúng ta cũng hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học. Chúng ta cũng thấy được trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng nhằm thông tin, tuyên truyền, huy động các tầng lớp nhân dân chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

Còn rất nhiều câu hỏi khác bạn đọc đã gửi đến, nhưng do điều kiện thời gian, nên các vị khách mời giao lưu chưa thể trả lời trực tiếp đến bạn đọc. Những vấn đề do độc giả nêu ra đã được chúng tôi ghi lại đầy đủ để các vị khách mời tiếp tục trả lời và chuyển đến các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thay mặt Ban Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và những người tổ chức Chương trình, cho phép tôi được một lần nữa trân trọng cảm ơn sự có mặt và tham gia buổi giao lưu của các vị khách mời: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Luật gia Lưu Văn Đạt – Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc Luật sư Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

Xin cảm ơn sự quan tâm theo dõi, đặt câu hỏi của quý vị bạn đọc, cảm ơn các cơ quan báo chí bạn đã đến dự và đưa tin kịp thời về buổi giao lưu ngày hôm nay.

Xin trân trọng cảm ơn./.

Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Đào Ngọc Dũng (thứ hai từ phải sang) 
thay mặt Ban Biên tập trao ảnh lưu niệm tặng các vị khách mời tham gia giao lưu

Các vị khách mời tham gia cuộc giao lưu chụp ảnh lưu niệm
với cán bộ, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực