Đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn: Tạo nền tảng bền vững cho tương lai

Thứ tư, 04/12/2024 08:30
(ĐCSVN) - Nông thôn Việt Nam không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu, mà còn là không gian văn hóa đặc trưng, gắn bó chặt chẽ với bản sắc dân tộc. Với hơn 60% dân số sinh sống tại khu vực nông thôn, sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này đóng vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nông thôn không chỉ cung cấp nguyên liệu cho sản xuất mà còn sản xuất các nông sản chủ lực, bảo đảm an ninh lương thực và tạo thu nhập bền vững cho hàng triệu hộ gia đình. Các chương trình xây dựng nông thôn mới, cải cách sản xuất nông nghiệp đã giúp nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện cơ sở hạ tầng và chất lượng đời sống.

Những giai đoạn đổi mới kể từ năm 1980 đến nay đã chứng minh sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn Việt Nam từ nền kinh tế tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa và hội nhập quốc tế. Để phát triển bền vững trong tương lai, các định hướng phát triển cần tập trung vào phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư vào hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế số và bảo tồn bản sắc văn hóa. Những mục tiêu này tạo nền tảng vững chắc cho sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.

Khu vực nông thôn luôn đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là nơi cung cấp nguyên liệu quan trọng cho sản xuất, là nguồn tạo ra nông sản chủ lực, đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra các nguồn thu nhập bền vững cho hàng triệu hộ dân. Việc thực hiện chiến lược phát triển nông thôn đã giúp giảm nghèo, cải thiện đời sống và thúc đẩy phát triển bền vững.

Khu vực nông thôn còn có ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, từ công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản, đến sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thu hút đầu tư và phát triển các ngành nghề phụ trợ. Đồng thời, sự chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp từ truyền thống sang hiện đại, với ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đã nâng cao giá trị sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. 

 Bước vào thời kỳ đổi mới, từ xã thuần nông, xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã trở thành một vùng trồng hoa trẻ nổi tiếng. Tổng lợi nhuận từ hoa, cây cảnh của xã mỗi năm đạt khoảng 200 tỷ đồng. Nghề làm hoa công nghệ cao đang mang lại ấm no, sung túc cho người dân ngay trên quê hương mình một cách bền vững.

Sự chuyển mình mạnh mẽ của nông thôn qua các giai đoạn đổi mới

Nông thôn Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ qua các giai đoạn đổi mới. Giai đoạn trước đổi mới (1975-1985) dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, nhưng các cải cách đầu tiên như Chỉ thị 100-CT/TW năm 1981 đã tạo động lực cho người nông dân chủ động hơn trong sản xuất. Mô hình khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đã giúp sản lượng lương thực tăng đáng kể, từ 11,64 triệu tấn (1980) lên 18,2 triệu tấn (1985), góp phần nâng cao năng suất và cải thiện đời sống nông thôn.

Giai đoạn đổi mới sâu rộng (1986-1990), đặc biệt là Đại hội VI của Đảng (1986), đã đánh dấu một bước ngoặt lớn. Nghị quyết 10-NQ/TW (1988) về quản lý kinh tế nông nghiệp giải phóng sức sản xuất, chuyển nông thôn từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng chuyên canh. Thành tựu nổi bật giai đoạn này là việc giảm lạm phát từ 700% (1986) xuống 67,5% (1990), và sản xuất lương thực cải thiện, từ thiếu ăn triền miên đến xuất khẩu gạo từ năm 1989.

Giai đoạn 1991-2000, với chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vùng nông thôn được đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống nông dân được cải thiện, và các vùng chuyên canh cây công nghiệp, thủy sản xuất khẩu hình thành. Kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 1.170 triệu USD (1990).

Giai đoạn 2001 - 2010, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, với mục tiêu hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn, thích ứng với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái từng vùng. Đại hội Đảng lần thứ IX và Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX nhấn mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn, kết hợp nội lực và hỗ trợ quốc tế. Nông thôn mới được xây dựng với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tạo việc làm và giảm nghèo.

Trong 10 năm (2001 - 2010), giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng 5,5%/năm, lương thực đầu người tăng từ 445kg năm 2000 lên trên 500kg năm 2010. Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo/năm. Các sản phẩm nông sản như thủy sản, gạo, cao-su, cà-phê tiếp tục vươn ra thị trường thế giới. Nông dân có thu nhập bình quân tăng từ 2,7 triệu đồng/người năm 1999 lên gần 10 triệu đồng/người năm 2010.

Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 2,93%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 341,7 tỷ USD, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nền kinh tế. Đến 2020, trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới, cải thiện đời sống và thu nhập nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Từ 2021, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với các quan điểm mới, đột phá trong việc phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch, sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tại Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Quốc Oai năm 2024. 

Định hướng phát triển bền vững trong tương lai

Để đạt được sự phát triển bền vững trong tương lai, các chuyên gia nhấn mạnh rằng các yếu tố cốt lõi như phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đầu tư vào hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế số và bảo tồn bản sắc văn hóa sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền nông thôn hiện đại, bền vững.

Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường - Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, phát triển nông nghiệp hữu cơ và mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả sản xuất. Các mô hình này không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên lâu dài, giúp nông thôn phát triển một cách bền vững.

Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, cấp thoát nước, giáo dục và y tế là yếu tố nền tảng giúp phát triển kinh tế bền vững. Hạ tầng tốt không chỉ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân nông thôn phát triển và giảm bớt khoảng cách giữa khu vực nông thôn và thành thị.

Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo lao động nông thôn gắn liền với nhu cầu thị trường và phát triển kỹ năng mới sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, giảm bớt áp lực từ lao động thuần nông. Điều này tạo cơ hội cho nông dân phát triển nghề nghiệp đa dạng hơn và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thúc đẩy kinh tế số - Chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ mở rộng thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm. Các nền tảng thương mại điện tử, cùng với hệ thống sản xuất thông minh, sẽ giúp nông dân tiếp cận công nghệ mới và cải thiện hiệu quả kinh tế, tạo ra cơ hội mới cho ngành nông nghiệp.

Giữ gìn bản sắc văn hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống sẽ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và củng cố mối quan hệ cộng đồng. Điều này không chỉ giúp tạo dựng sự đồng thuận trong cộng đồng mà còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bền vững của nông thôn.

Với những định hướng này, sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn sẽ tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giúp nông thôn trở thành khu vực phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân. Sự nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước và toàn dân, theo các chuyên gia, là yếu tố quyết định giúp nông thôn Việt Nam tiếp tục đổi mới và đạt được những bước tiến quan trọng trong tương lai.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực