Ngày 8/11/2024, tại thành phố Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bắc Ninh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn Vùng đồng bằng sông Hồng”.
Hội thảo nhằm nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến Kết luận chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 24/11/2021), gắn với tình hình thực tiễn của Vùng đồng bằng sông Hồng; từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa nói chung, xây dựng các hệ giá trị nói riêng trong thời gian tới.
|
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Báo cáo đề Hội thảo nêu rõ đây là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa tại các khu vực, địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, trao đổi thảo luận, xác định, cụ thể hóa các hệ giá trị; gắn với thực tiễn từng khu vực, địa phương, cơ quan, đơn vị; đề xuất phương hướng, giải pháp tổ chức triển khai thực hiện; góp phần củng cố cơ sở lý luận, thực tiễn để tham mưu cho Đảng tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và đất nước nói chung.
Các hệ giá trị hội thảo hướng đến gồm: Hệ giá trị con người Việt Nam với 8 giá trị chủ yếu là: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Hệ giá trị gia đình với 4 giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Hệ giá trị văn hóa với 4 giá trị nền tảng: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Hệ giá trị quốc gia với 9 giá trị cơ bản: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.
|
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai phát biểu kết luận Hội thảo. |
Hội thảo nhận được 28 tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, đại diện cấp ủy Đảng các địa phương, trong đó 9 tham luận trình bày tại Hội thảo, tập trung vào 3 nhóm nội dung: Những vấn đề lý luận và thực tiễn chung về các hệ giá trị; Hệ giá trị văn hóa; Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người vùng Đồng bằng Sông Hồng trong thời kỳ mới.
Các tham luận nêu bật tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, đặc biệt là việc giữ gìn, phát triển các giá trị để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững gắn với thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời tập trung làm nổi bật vị trí chiến lược của vùng Đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại, nhấn mạnh các giá trị văn hóa tinh thần, văn hóa vật chất của vùng đất địa linh nhân kiệt, địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh...
Các tham luận cũng làm rõ quá trình hình thành, phát triển của các hệ giá trị ở vùng Đồng bằng sông Hồng và những ảnh hưởng của quá trình biến đổi kinh tế - xã hội; yếu tố thời đại tác động đến nhiệm vụ giữ gìn, phát triển các hệ giá trị và chuẩn mực con người trong thời kỳ mới. Đề xuất các giải pháp, chú trọng quan hệ bên trong với quan hệ bên ngoài, tập trung nguồn lực phát triển con người, phát triển văn hóa để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Kết luận Hội thảo, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay tiếp tục khẳng định tính cấp thiết phải nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng nhằm xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, CNH-HĐH đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế; góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Từ kết quả Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng nghiên cứu củng cố, hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa, thể chế hóa các hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam phù hợp với thực tiễn, gắn chặt với việc xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và xây dựng Đảng./.