Hà Nội đẩy mạnh tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai theo Chỉ thị 42/CT-TW

Thứ hai, 09/12/2024 15:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thực hiện tốt công tác tác phòng, chống thiên tai, ứng phó kịp thời với những diễn biến thời tiết bất thường đe doạ đến an toàn về người và tài sản của nhân dân. Công tác tổ chức các buổi diễn tập PCTT đã được quan tâm tổ chức ở nhiều địa phương như Cao Viên (huyện Thanh Oai) xã Đội Bình (huyện Ứng Hoà) Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ), xã Thạch Đà ( huyện Mê Linh)…..
Diễn tập xử lý sự cố tại xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ. 

Các tình huống đặt ra đa dạng, khẩn trương, sát với thực tế, có quy mô lớn với lực lượng tham gia đông đảo nhiều thành phần, thể hiện được rõ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo điều hành từ cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, công tác huy động lực lượng dân quân. Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng, ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Chấp hành TƯ đã quán triệt cụ thể đến các địa phương “Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở. Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng cứu hộ, cứu nạn ở Trung ương và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng hiện có đang hoạt động tại các cấp để củng cố, kiện toàn, bổ sung nguồn lực, trang thiết bị thiết yếu. Từng bước nâng cao năng lực, kỹ năng và các điều kiện bảo đảm để thực thi kịp thời, xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm "bốn tại chỗ" phù hợp với các lĩnh vực của bộ, ngành, vùng, miền và từng địa phương. Phân công trách nhiệm rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng để phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, sát thực tiễn”.

Đối với tình huống diễn tập công tác thực hành xử lý tình huống trên địa bàn xã Thạch Đà, huyện Mê Linh được xây dựng, triển khai như sau: Qua công tác tuần tra công trình đê điều theo quy định, lực lượng tuần tra đã phát hiện tuyến đê tả Hồng thuộc thôn 2 xã Thạch Đà, huyện Mê Linh xuất hiện tổ hợp sự cố gần nhau. Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã Thạch Đà tiến hành xử lý khẩn trương sự cố mạch sủi do khu vực này có ao, hồ sát chân đê phía hạ lưu, cột nước có độ cao lớn, mái đê thượng lưu có độ dốc cao, do có mưa lớn. Việc thi công xử lý sự cố diễn ra hết sức khẩn trương và nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của lực lượng quản lý đê chuyên trách. Việc xử lý mạch sủi thành công, đất cát trong nền đê đã được giữ lại không bị mạch sủi kéo ra ngoài đảm bảo ổn định cho đê điều.

Tình huống giả định đặt ra trong buổi diễn tập ở xã Cao Viên Thanh Oai là: “Do diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn trong nhiều ngày trên diện rộng trong đó có  huyện Thanh Oai – Hà Nội, mực nước sông Đáy đang dâng cao trên báo động 3,  mực nước dâng chưa từng xảy ra trong 40 năm qua.

Buổi diễn tập tình huống PCTT ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. 

Trước tình huống đó, sau khi nhận được các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và huyện Thanh Oai; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã Cao Viên đã tổ chức cuộc họp vận hành cơ chế quán triệt, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, ban ngành, đoàn thể trong xã.
Theo đó đã chỉ đạo tăng cường thời lượng, tần suất, nội dung thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho cộng đồng người dân trên địa bàn xã thông qua đài phát thanh xã, thị trấn. Tăng cường lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều; nắm chắc diễn biến mưa bão, lũ, tình trạng đê, kè, cống. Bổ sung lực lượng tuần tra công trình PCTT và khu vực khu dân cư, tập trung vào các đối tượng dễ bị tổn thương. Tổ chức thêm lực lượng Dân quân cơ động của xã trực tại chỗ 24/24 giờ/ngày sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Trường hợp phát hiện các tình huống, sự cố bất lợi, yêu cầu xử lý giờ đầu, báo cáo kịp thời, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm.

Sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo UBND, Ban chỉ huy PCTT và TKCN xã tại cuộc họp vận hành cơ chế, Đài phát thanh xã triển khai công tác thông tin liên lạc, cảnh báo thiên tai cho cộng đồng thường xuyên cập nhật tình hình thiên tai thời tiết và thông báo các kỹ năng PCTT cần thiết cho người dân.

UBND xã chỉ đạo các lực lượng xung kích PCTT và lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê điều tổ chức tuần tra canh gác kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai và trọng điểm, xung yếu; báo cáo kết quả kiểm tra, tuần canh gác hệ thống đê điều và công trình liên quan  sau đó báo cáo kết quả về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã.

Đối với tình huống diễn tập ở xã Đội Bình, huyện Ứng Hoà như sau: cơn bão số 7 đã đổ bộ vào miền Bắc nước ta, gây ra mưa lớn ảnh hưởng trên diện rộng, trong đó có huyện Ứng Hoà Thành phố Hà Nội và. Các hồ chứa khu vực thượng nguồn sông Đà, sông Hồng nước dâng cao uy hiếp đến an toàn công trình đập thủy điện. Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT lệnh Công ty Thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy Hồ Hòa Bình nhằm đảm bảo an toàn công trình các hồ chứa. Trung ương, Thành phố và UBND huyện Ứng Hoà đã có các Công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp, các ngành và địa phương tổ chức triển khai công tác ứng phó mưa bão và nước lũ dâng cao; tổ chức tuần tra các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt cần chú ý các trọng điểm, xung yếu nhằm đảm bảo an toàn các công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn khi có lũ dâng cao và các tác động xấu của cơn bão số 7.

Trước tình hình mưa, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, UBND xã Đội Bình yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn xã chủ động các phương án phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai và chức tuần tra canh gác kiểm tra các công trình phòng, chống thiên tai và trọng điểm, xung yếu. Tuần tra canh gác hệ thống đê và công trình liên quan, kịp thời báo cáo kết quả về Ban Chỉ huy PCTT  xã. Đối với các tình huống, sự cố nứt dọc mặt đê sẽ được xử lý phủ lớp bạt chồng, đảm bảo không để nước mặt tiếp xúc với khe nứt làm phá vỡ liên kết và mở rộng thêm khe nứt gây nguy hại cho thân đê, giữa các lớp bạt phủ. Với tình tình huống tôn cao mặt đê đề phòng nước tràn  thì sẽ xếp các bảo tải đất, so le, phẳng dẹp; khoảng cách giữa 02 bao liên tục phải đảm bảo không để nước lọt qua; miệng bao quay về phía hạ lưu, đáy bao quay về phía thượng lưu để nước không cuốn theo đất, cát trong bao ra gây phá vỡ liên kết. Ngoài ra, trong buổi diễn tập còn xử lý tình huống sự cố thẩm lậu nước đục mái đê phía đồng và tình huống xử lý mạch sủi dưới ao hạ lưu.

Các buổi diễn tập ở các địa phương diễn ra theo đúng trình tự và kịch bản. Sau mỗi buổi diễn tập, Đảng ủy, UBND xã, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, qua đó có nhiều kinh nghiệm và bổ sung hoàn thiện các phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các cấp, nhất là công tác chuẩn bị "4 tại chỗ”. Góp phần xây dựng cộng đồng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, các tình huống cũng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai và biến đổi khí hậu. Qua đó kiểm nghiệm kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở địa phương, cơ sở, gắn phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với củng cố quốc phòng - an ninh trong tình hình mới./.

Linh Nhi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực