Ngành Nông nghiệp Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả bão số Yagi

Thứ sáu, 18/10/2024 07:54
(ĐCSVN) - Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Hà Nội là một trong những địa phương ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão Yagi.
Thường Tín triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống thiên tai.  

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến ngày 26/9, hậu quả do bão Yagi để lại đã làm gần 12.000 cây xanh gẫy, đổ (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha… 41 công trình đê điều và khoảng 150 công trình thủy lợi xảy ra sự cố. Cùng với đó là các sự cố, ảnh hưởng khác do ngập lụt gây ra.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người thiệt mạng và bị thương. Cập nhật đến ngày 30/9, đã có gần 75.000 người trở về nhà, trên tổng số 78.000 người dân phải sơ tán, di dời. Còn lại khoảng trên 3.000 người dân vẫn đang sơ tán do ngập lụt, chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ...

Trước tình hình thực tế trên UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản triển khai Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ, theo đó đã xác định quán triệt và phân công cụ thể 37 nhiệm vụ, thực hiện 05 nhóm giải pháp cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân Thủ đô. Đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Theo đó: Tổ chức rà soát, hoàn thành thống kê thiệt hại, phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách địa phương để chủ động triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ thiệt hại sau bão. Thực hiện hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thẩm quyền, đúng đối tượng quy định. Vận động các đối tác nhà tài trợ để huy động các nguồn tài chính, hàng hóa của các nước và các tổ chức quốc tế và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người dân địa phương bị ảnh hưởng. Phối hợp các Bộ, ngành Trung ương thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hoài Đức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống thiên tai.   

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cũng đã nêu rõ là chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội cả về nhận thức và hành động trước tình hình và tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai. Nâng cao kiến thức, năng lực cho lãnh đạo, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn kỹ năng nhận biết và cách thức ứng phó thiên tai cho cộng đồng, đặc biệt là các đối tượng dễ bị tổn thương.

Vì thế, thực hiện chỉ đạo của UNBD thành phố Hà Nội, Sở Nông nghiệp Nông thôn đã &PTNT Hà Nội đang và sẽ tiếp tục triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; hướng dẫn nông dân khẩn trương thực hiện các biện pháp chăm sóc diện tích cây trồng bị ảnh hưởng, bảo đảm năng suất các loại cây trồng. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã rà soát, đánh giá, hỗ trợ người dân con giống, cây trồng thiệt hại sau thiên tai theo quy định. Trước mắt, khắc phục sản xuất nông nghiệp sau bão, thành phố đã tập trung thu hoạch lúa mùa, triển khai vụ Đông.

Mê Linh triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống thiên tai.  

Đối với công tác đê điều, thủy lợi, các công trình bị ảnh hưởng, sạt lở, lún sụt sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá; tham mưu, tham mưu đề xuất xử lý cấp bách các sạt lở sát chân đê, trong phạm vi bảo vệ đê từ cấp III đến cấp đặc biệt và gây nguy hiểm trực tiếp đến khu dân cư. Những công trình khác sẽ đưa vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp. Các trạm bơm tiêu sẽ hoạt động theo kế hoạch để giảm các diện tích đang bị ngập úng.

Ngọc Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực