Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn để chủ động thực hiện Luật Đất đai 2024

Thứ năm, 04/07/2024 18:05
(ĐCSVN) - Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện rà soát, chuẩn bị các điều kiện để chủ động thực hiện Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực. Tăng cường sự lãnh đạo đối với các cấp ủy Đảng về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố.
 Hà Nội: Tháo gỡ khó khăn để chủ động thực hiện Luật Đất đai 2024

Chuyển biến tích cực trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất

Trong những năm qua, thành phố (TP) Hà Nội xác định việc cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ trọng tâm; Thành ủy, HĐND, UBND TP đã ban hành nhiều văn bản và tập trung chỉ đạo thực hiện bằng nhiều biện pháp quyết liệt và có hiệu quả.

Từ những chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, công tác đăng ký, cấp GCN trên địa bàn đạt nhiều kết quả, đặc biệt là sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 01/9/2016 và Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021.

Các Sở, ban, ngành thành phố và các đơn vị liên quan đã có những chuyển biến tích cực trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu; công tác giải quyết hồ sơ đăng ký biến động quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; thực hiện Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội; đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của Văn phòng, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, tổng số thửa đất cần đăng ký, cấp GCN lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân trong khu dân cư trên địa bàn là 1.678.912 thửa đất; trong đó, có số thửa đất đã kê khai, đăng ký đất đai và cấp GCN là 1.672.222 thửa/1.678.912 thửa, đạt 99,6%.

 Đối với cấp GCN cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở, đến nay, đã cấp được 317.808 căn/368.337 căn (tại 787 dự án), đạt 86,28%. Trong đó, từ 01/01/2024 đến 20/6/2024, đã cấp GCN cho 4.254 căn.

 Về cấp GCN cho người mua nhà tái định cư, đến nay, đã cấp được 14.798/15.724 căn, đạt 94,11%. Cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp được 617.964/622.86 thửa, đạt 99,21%...

Có thể thấy, công tác đăng ký, cấp GCN trên địa bàn Thành phố đã có nhiều kết quả chuyển biến tích cực, rõ nét. Phản ánh sự quyết tâm vào cuộc ngay từ đầu của các cấp, các ngành, sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của UBND TP và các ngành, sự cố gắng tích cực của các quận, huyện, thị xã và sự tham gia của đông đảo tổ chức, cá nhân trong thời gian qua.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã đổi mới, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc ủy quyền, phân quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai đã tiết kiệm nguồn nhân lực, chi phí và thời gian cho việc luân chuyển hồ sơ, đồng thời cho phép người dân có thể thực hiện.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến và nhận hồ sơ qua bưu điện để làm thủ tục đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong việc thực thiện các TTHC. Đây là một bước cải cách TTHC hiệu quả.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác cấp GCN quyền sử dụng đất

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác cấp GCN quyền sử dụng đất. Một số quận, huyện hiện nay đang ở bước tiếp tục tiếp nhận và xử lý đơn đăng ký của người dân; chưa thẩm định xong hồ sơ cấp GCN lần đầu.

Công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước còn chưa dứt điểm, còn khoảng 1.000 căn nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước; khoảng 19.000 nhà ở tự quản nhưng không còn nhà ở cũ, người dân đã xây dựng thành nhà ở mới. Một số dự án nhà ở có tình trạng vi phạm quy hoạch, thiết kế được duyệt làm gia tăng dân số cơ học, ảnh hưởng đến hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

 Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục sắp xếp, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, trong đó có nhiệm vụ xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai khu vực trực thuộc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội.

 Bên cạnh đó, xây dựng Đề án giá dịch vụ công của Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội. Trước mắt, tập trung nghiên cứu, áp dụng đối với các thủ tục: Cấp GCN và đăng ký biến động đối với căn hộ chung cư; Đăng ký thế chấp; Xóa đăng ký thế chấp; Đăng ký biến động thông tin về tên người sử dụng đất;

Ngoài ra, thực hiện luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức định kỳ; thực hiện nghiêm túc công tác đánh giá cán bộ haằng tháng; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa TTHC, niêm yết công khai, minh bạch TTHC, nâng cao chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử Sở, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 và có giải pháp hỗ trợ người dân, tổ chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc cấp GCN lần đầu tại các quận, huyện, thị xã và thanh tra, kiểm tra việc đăng ký biến động đất đai tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai.

Hiện Thành ủy Hà Nội đang chỉ đạo các cấp, ngành, quận, huyện rà soát, chuẩn bị các điều kiện để chủ động thực hiện Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực. Ban Thường vụ Thành ủy tăng cường sự lãnh đạo đối với các cấp ủy Đảng về công tác cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo các Sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tập trung thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ để đón đầu thực hiện khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực.

Các cấp, ngành tiếp tục rà soát, phân loại, nghiên cứu, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp chưa đủ điều kiện để cấp GCN; chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đảm bảo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Các đơn vị tiếp tục chỉ đạo thực hiện hoàn thành Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu quản lý đất đai đã được UBND TP phê duyệt, để làm cơ sở kê khai, cấp GCN cho các trường hợp còn lại.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Thành ủy Hà Nội yêu cầu kịp thời triển khai Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị thi công, đơn vị kiểm tra nghiệm thu của Dự án và các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cập nhật những sai sót, phát sinh để kịp thời lên phương án giải quyết, không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính của hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai. UBND cấp xã phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát kết quả đo đạc bản đồ địa chính của xã để thông báo cho người sử dụng đất thực hiện việc kê khai, đăng ký, đảm bảo 100% các thửa đất trên địa bàn được kê khai, đăng ký. Đồng thời, xử lý nghiêm những tiêu cực liên quan đến nội dung cấp giấy chứng nhận; tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý đối với các dự thảo Quyết định của UBND thành phố quy định một số nội dung thuộc thẩm quyền của về lĩnh vực đất đai trên địa bàn để ban hành theo quy định của pháp luật./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực