Xây dựng thành phố trực thuộc Thủ đô với 6 yếu tố cốt lõi

Thứ sáu, 29/03/2024 10:05
(ĐCSVN) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 nghiên cứu, xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; nơi đáng sống; thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; kết nối toàn cầu; đô thị 15 phút.
hai29.jpg

 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải trình bày Tờ trình của UBND TP tại Kỳ họp.

 

Sáng 29/3, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo tờ trình của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải trình bày: Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022. Hà Nội coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu để cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị cũng như các nghị quyết mang tính chiến lược.

Quy hoạch đưa ra mục tiêu tổng quát là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc; một trong hai cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Thành phố là trung tâm đi đầu cả nước về giáo dục - đào tạo theo chuẩn quốc tế; trung tâm y tế hàng đầu cả nước, có chuyên khoa đạt đẳng cấp quốc tế; Thành phố thanh bình, có sức hấp dẫn cao, con người hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình; trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước tiên tiến trong khu vực...

Quy hoạch cũng đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm các dòng sông, xử lý ô nhiễm môi trường các sông Nhuệ, sông Đáy để đảm bảo nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp; giải quyết dứt điểm tình trạng ngập úng tại các khu vực đô thị, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho các vùng địa hình thấp trũng; giải quyết căn bản tình trạng kẹt xe tại các cửa ngõ TP và tình trạng ùn tắc giao thông đô thị vào giờ cao điểm.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội cũng xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng; Thủ đô có 5 không gian phát triển, 5 hành lang và vành đai kinh tế. Tổ chức không gian phát triển Thủ đô Hà Nội với 5 trục động lực; phát triển hạ tầng giao thông kết nối 4 phương thức vận tải bao gồm hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt đô thị với đường sắt quốc gia kết nối liên vùng và quốc tế, đường thủy nội địa với vận tải biển; đường vành đai 4 và 5 kết nối vùng.

Quy hoạch nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh cảnh quan văn hóa, du lịch, dịch vụ trung tâm thành phố, phát triển đô thị phía Bắc sông Hồng cân đối đô thị phía Nam; xây dựng trung tâm hành chính mới và trung tâm thể thao quốc gia, trung tâm vui chơi giải trí ở khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng, xây dựng trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài là đô thị thông minh- kết nối toàn cầu…

Trong định hướng phát triển không gian đô thị sẽ phát triển Thủ đô Hà Nội theo hướng thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm động lực phát triển quốc gia. Phát triển các cơ sở hạ tầng mới tại các khu vực đô thị mở rộng, đặc biệt là khu vực phía Bắc sông Hồng thuộc Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với cơ sở hạ tầng hiện đại, đạt chuẩn quốc tế. Kết nối không gian vùng đô thị lớn hiện đại, sinh thái, năng động theo cấu trúc vành đai và trục hướng tâm.

Các khu vực phát triển đô thị tập trung theo mô hình TOD được định hướng theo các nhà ga và trục đường sắt đô thị. Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, toàn bộ hoặc một phần cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị ra khỏi khu vực đô thị trung tâm để giảm mức độ tập trung dân số và dành quỹ đất cho phát triển không gian công cộng, không gian văn hóa, sáng tạo và các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ…

Đại biểu bấm nút thông qua quy hoạch.

 

Quy hoạch cũng nghiên cứu, xây dựng mô hình Thành phố trực thuộc Thủ đô trở thành các vùng động lực phát triển với 6 yếu tố cốt lõi: Ưu tiên phát triển các ngành quan trọng; hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng cho tương lai; nơi đáng sống (người dân hạnh phúc, cộng đồng vững mạnh, môi trường sống an toàn, lành mạnh); thế chế, chính sách đặc thù, vượt trội; kết nối toàn cầu; đô thị 15 phút…

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội.

Theo Nghị quyết được thông qua, HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam TP giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực