Sáng 18/10, Thành phố Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804-2024), 70 năm ngày Giải phóng thành phố (30/10/1954-30/10/2024).
|
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương |
Dự buổi Lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương; lãnh đạo tỉnh và các huyện, thành ủy, thị ủy trên địa bàn tỉnh.
Diễn văn Kỷ niệm do đồng chí Lê Đình Long, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hải Dương cho biết, kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm ngày Giải phóng là dịp khơi dậy lòng tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân thành phố Hải Dương trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển; đồng thời, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và những tháng năm oanh liệt, hào hùng, mà lớp lớp cha ông, người Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương nay, đã kiên cường chiến đấu, hy sinh để kiến tạo, dựng xây mảnh đất này.
|
Đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng hoa chúc mừng TP Hải Dương |
Ngược dòng lịch sử, thời Lê Thánh Tông, lỵ sở Hải Dương đặt tại làng Mạc Động (nay thuộc xã Tân Dân, thị xã Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn. Sau rời về Mao Điền, Cẩm Giàng, rồi lại từ Mao Điền về ngã ba sông Hàn Giang và sông Kẻ Sặt thuộc địa phận làng Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao trang huyện Cẩm Giàng, lúc đó gọi là trấn Hàn. Tại trấn Hàn nhà Nguyễn đã xây dựng một thành kiên cố lấy tên là Thành Đông, đặt nền móng ban đầu cho sự phát triển thành phố Hải Dương ngày nay.
Thành Đông được hình thành trên một vùng đất thấp nhiều ao hồ, ruộng trũng và đầm lầy trong điều kiện khí hậu không thuận lợi, thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, không ít lần bị giặc ngoại xâm chiếm đóng và tàn phá. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Thành Đông vẫn trường tồn, không ngừng được củng cố và phát triển từ một trung tâm quân sự - hành chính của triều đại nhà Nguyễn, trở thành đô thị loại II, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của tỉnh Hải Dương - một tỉnh lớn trong vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh phía Bắc.
Hơn hai thế kỷ qua, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương nay, luôn mang trong mình tinh thần quật khởi, khí phách dũng cảm, kiên cường chống giặc ngoại xâm, cùng ý chí mãnh liệt vươn lên trong xây dựng hoà bình, nhất là từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, nơi đây sớm có phong trào đấu tranh cách mạng.
|
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự lễ kỷ niệm |
Sau 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố: từ một Thành Đông vỏn vẹn có 0,35 km2 với khoảng 1000 người, thành phố Hải Dương nay đã là Đô thị loại I với diện tích trên 111 km2, dân số trên 300.000 người với 25 đơn vị hành chính (19 phường, 06 xã); từ Chi bộ đầu tiên chỉ có 03 đảng viên, đến nay Đảng bộ thành phố có trên 19.000 đảng viên sinh hoạt ở 69 tổ chức cơ sở Đảng. Cán bộ, đảng viên Đảng bộ thành phố luôn đi đầu trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh Hải Dương trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh – quốc phòng, luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh Hải Dương. Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII tỉnh Hải Dương, nhiệm kỳ (2020-2025) cũng đã xác định thành phố Hải Dương là trung tâm trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến năm 2030.
Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho biết, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII vào tháng 6 năm 2020 đã đề ra mục tiêu: phấn đấu đến năm 2030 thành phố Hải Dương cơ bản trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn. Để đạt được mục tiêu đó, thành phố đã nỗ lực không ngừng bằng việc triển khai các Đề án, các công trình trọng điểm; phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông – lâm – thủy sản và có sự chuyển dịch tích cực giữa các thành phần kinh tế. Xác định lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của mọi hoạt động, kinh tế thành phố theo hướng phát triển bền vững: ưu tiên thu hút các dự án ngành công nghiệp hỗ trợ, dự án đầu tư có giá trị gia tăng cao, quy mô lớn, công nghệ mới, thân thiện với môi trường; tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân; phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái; đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao, bền vững. Tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị; khai thác, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế phát triển thành phố nhanh, bền vững; từng bước xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ Nhân dân, phục vụ doanh nghiệp với mục tiêu lớn nhất là nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân; xây dựng thành phố Hải Dương là một thành phố đáng sống.
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại buổi lễ |
Đồng chí Lê Đình Long khẳng định, 220 năm khởi lập Thành Đông, 70 năm giải phóng thành phố - một chặng đường vẻ vang, những thành tựu, kết quả mà Đảng bộ và nhân dân thành phố đã đạt được là rất đáng trân trọng và tự hào, đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh và cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tạo bước khởi đầu cho một thời kỳ tăng tốc mới, mạnh mẽ hơn, ấn tượng hơn. Những chặng đường tiếp theo, thành phố mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp, ủng hộ, giúp đỡ nhiều hơn nữa để thành phố Hải Dương phát triển lên một tầm cao mới.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Hải Dương đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất vì đã có thành tích xuất sắc đưa thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương và của đất nước.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nêu rõ, được khởi lập từ năm 1804, Thành Đông xưa - thành phố Hải Dương ngày nay là đô thị nằm trong Tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa, gắn với quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng. Tính từ khi khởi lập, đến nay vừa tròn 220 năm, trải qua hơn hai thế kỷ với bao thăng trầm, thành phố Hải Dương là trái tim của vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi sinh dưỡng, hội tụ nhiều danh nhân, quê hương của các anh hùng từ thời khởi dựng nền tự chủ của đất nước đến những con người Cộng sản kiên trung.
Thành phố Hải Dương - Thành phố anh hùng có vị trí chiến lược, vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và là động lực quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh. Trong 70 năm xây dựng và phát triển; Thành phố vinh dự được 4 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ban, ngành; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách; ra sức thi đua đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh; mở rộng đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Trong vòng hơn 20 năm, từ 1997 đến 2019, thành phố Hải Dương đã 03 lần được nâng loại đô thị (Năm 1997, được công nhận là đô thị loại III; năm 2009 là đô thị loại II; năm 2019 trở thành 1 trong hơn 20 đô thị loại I của cả nước); địa giới hành chính của thành phố từng bước được mở rộng.
Từ một "Thị xã nhỏ bé, khó khăn" đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một thành phố phát triển năng động, một đô thị có hạ tầng tương đối đồng bộ, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh, có hoạt động kinh tế sôi động, đời sống nhân dân ở mức cao. “Có thể khẳng định, những nỗ lực, cố gắng, những kết quả nổi bật của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố trong 70 năm qua là hết sức quan trọng và tự hào, tạo động lực, tác động lan tỏa đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Hải Dương” – Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định.
|
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng trao Huân chương Lao động hạng nhất cho TP Hải Dương |
Nhấn mạnh tỉnh Hải Dương đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương; đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó xác định, Thành phố Hải Dương là đô thị hạt nhân, đô thị trung tâm, đảm bảo liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các đô thị trong tỉnh với vùng thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng Sông Hồng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị thế “đầu tàu”, “hạt nhân”, “động lực” của Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương. Chú trọng xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; nỗ lực xây dựng, phát triển thành phố Hải Dương trở thành đô thị xanh, thông minh, hiện đại, kinh tế đô thị phát triển, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Tập trung thực hiện đồng bộ Quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mở rộng không gian đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường và hệ thống các trung tâm lớn như: trung tâm hành chính, trung tâm thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ, khách sạn, khu vui chơi giải trí cho người dân, khách du lịch, khu vực sản xuất công nghiệp... Đồng thời rà soát, điều chỉnh bổ sung quy mô dân số, đất đai và định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với mục tiêu, giải pháp của Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy hoạch cấp quốc gia.
Đề nghị Thành phố cùng với tỉnh tập trung huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thân thiện của người Thành Đông, quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở cho người thu nhập thấp, tạo sự phát triển chung cho tỉnh; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, thu hút đầu tư; xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thành phố đáng sống, thân thiện.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu cần thực sự quan tâm công tác đảm bảo cảnh quan, mỹ quan đô thị, môi trường sinh thái; phát triển dịch vụ, văn hóa, du lịch, tạo nhiều điểm đến hấp dẫn cho nhân dân và du khách. Chú trọng phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đảm bảo giữ vững quốc phòng- an ninh trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội, vì sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Tỉnh Hải Dương, đồng chí Trần Đức Thắng cũng kêu gọi sự chung tay, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, kết nối giao thương vì sự phát triển của thành phố Hải Dương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương tin tưởng sâu sắc rằng, với bề dày truyền thống, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Dương sẽ tiếp tục đoàn kết, hoàn thành các mục tiêu mà Đảng bộ thành phố đã đề ra, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; xây dựng thành phố Hải Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa./.