(ĐCSVN) - Ngày 5/10, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu và xử lý nợ xấu ngân hàng”.
|
Hình ảnh tại Hội thảo (Nguồn: BTC) |
Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng trình Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 (gọi tắt là Đề án 254). Mục tiêu chính Đề án 254 đặt ra là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Đề án 254 cũng xác định rõ kết quả cơ cấu lại đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là tiền đề để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254 trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn ngành Ngân hàng, Đề án 254 đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, như nhiều chuyên gia nhận xét là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012). Trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,93% vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.
Ông Nguyễn Kim Anh cho rằng, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn đã chỉ rõ: Nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi TCTD, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi TCTD. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân như thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của đoanh nghiệp yếu… là những nguyên nhân căn bản gây nên tình trạng nợ xấu này. Bởi vậy, với mọi quốc gia, vấn đề nợ xấu của các TCTD cũng là vấn đề của chính ngành kinh tế đó. Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.
|
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện kinh tế, pháp lý, thị trường, đến nay về cơ bản Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Đề án xử lý nợ xấu đã được ngành Ngân hàng triển khai quyết liệt, đồng bộ, theo đúng mục tiêu, nguyên tắc định hướng và lộ trình đề ra. Mọi nỗ lực và giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD được triển khai đến nay được thực hiện đúng pháp luật và không nằm ngoài mục tiêu nhằm bảo vệ tốt nhất tiền, tài sản của Nhà nước và nhân dân, bảo đảm sự an toàn của hệ thống.
Và để tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu một cách bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới, ngành Ngân hàng cần phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các TCTD trong thời gian qua để rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phù hợp, trong đó bao gồm: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về an toàn hoạt động và xử lý ngân hàng yếu kém, xử lý nợ xấu với thẩm quyền can thiệp của Nhà nước khi cần thiết và nghĩa vụ của chủ nợ, chủ sở hữu ngân hàng; biện pháp, cơ chế, chính sách khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại; tăng cường nguyên tắc thị trường trong xử lý TCTD yếu kém và nợ xấu; nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành của các TCTD; cải thiện điều kiện tài chính và tăng vốn của các TCTD,...