Giảm lãi suất: Kỳ vọng trở thành hiện thực

Thứ tư, 22/02/2012 18:39

 

 Ảnh minh họa (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

(ĐCSVN) – Trong những ngày vừa qua, thị trường chứng kiến sự vào cuộc tích cực của một số ngân hàng lớn trong việc hạ lãi suất. Việc các ngân hàng giảm lãi suất đang được kỳ vọng sẽ làm mặt bằng lãi suất hạ nhiệt trong thời gian tới.

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm

Nhằm góp phần giảm bớt những khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay và thực hiện chủ trương của NHNN là giảm dần lãi suất. Hiện một số ngân hàng lớn đang tiến hành giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) có quyết định chính thức về vấn đề giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5%/năm so với mức sàn lãi suất đang áp dụng.

Trước đó, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã giảm 2%/năm đối với lãi suất cho vay. Hiện lãi suất vay vốn cho sản xuất kinh doanh ở mức 16 - 17%/năm, mức cao nhất 20%/năm áp dụng cho vốn vay đầu tư chứng khoán, bất động sản. Ngoài ra, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã có 5 lần giảm lãi suất cho vay kể từ tháng 9/2011 đến nay và hiện nay, lãi suất cho vay hiện ở mức từ 14,5%-17,5%/năm.

Tiếp sau BIDV, VietinBank và VietcomBank, tới lượt Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) ngày 22/2 đã tuyên bố hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, ngày 22/2, Agribank chính thức giảm lãi suất cho vay cho mọi đối tượng vay vốn, với mức giảm từ 1 - 1,5%, dao động ở mức 15,5% - 20% tùy mục đích vay. Biểu đồ lãi vay của Agribank đưa ra cho thấy NH này vẫn hướng tới những khoản vay ngắn và trung hạn để phục vụ sản xuất, chế biến nông, lâm, ngư, diêm nghiệp.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, từ ngày 22/2, Agribank đồng loạt giảm lãi suất cho vay bằng VND với mức giảm bình quân từ 1,0% - 1,5% một năm đối với mọi đối tượng khách hàng vay vốn.

Cụ thể, cho vay ngắn hạn sản xuất nông - lâm - ngư - diêm nghiệp đối với hộ sản xuất, lãi suất cho vay thấp nhất 15,5% một năm; sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm và chi phí sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa khác, lãi suất thấp nhất 14,5% một năm. Đối với lãi suất cho vay trung hạn, lãi suất cho vay thấp nhất từ 17-18,5% một năm; dài hạn là 19%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất, lãi suất cho vay thấp nhất cũng là 19% một năm.

Cũng theo đại diện Agribank, tổng số vốn cho vay tăng thêm trong năm 2012 của Agribank khoảng 54.000 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2011. Trong đó, cho vay ngắn hạn tăng thêm khoảng 44.000 tỷ đồng phục vụ chi phí sản xuất - kinh doanh. Vốn trung, dài hạn tăng thêm 10.000 tỷ.

Với sự vào cuộc tích cực của các ngân hàng lớn trong việc hạ lãi suất cho vay, thị trường đang kỳ vọng mặt bằng lãi suất sẽ sớm hạ nhiệt trong thời gian ngắn. Được biết, hiện 4 ngân hàng Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank chiếm 55 - 60% thị phần tín dụng, do đó, việc hạ lãi suất của 4 ngân hàng này có thể là những động thái đầu tiên để khuyến khích các ngân hàng khác “nhập cuộc” để hạ lãi suất trong thời gian tới.

Theo nhiều chuyên gia, lãi suất đang bắt đầu giảm, dự kiến trong qúy II/2012 lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn vì lượng tiền bơm ra của Ngân hàng Nhà nước hiện đang tăng khá mạnh. Tuy nhiên, điều lo ngại hiện nay là thanh khoản của ngân hàng nhỏ, nếu làm tốt vấn đề này thì lãi suất sẽ giảm sớm hơn.

Cần đồng bộ giải pháp

Trên thực tế, hạ lãi suất đầu vào phụ thuộc vào tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của từng ngân hàng, cũng như mức độ ổn định của tỷ lệ lạm phát. Trong bối cảnh cạnh tranh huy động vốn vẫn đang diễn ra gay gắt, nhiều ngân hàng chỉ huy động được với kỳ hạn ngắn, nhưng lại mang đi cho vay trung dài hạn. Vì thế, dẫn đến rủi ro thanh khoản. Do vậy, để hạ lãi suất, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần phải giải quyết vấn đề thanh khoản cho hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo nhiều chuyên gia, để làm được điều này, NHNN cần sớm sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém nhằm điều tiết vốn của thị trường, từ đó, tính thanh khoản của hệ thống NH sẽ ổn định, lãi suất có điều kiện để giảm dần như kỳ vọng...

Trả lời báo chí mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã chia sẻ với báo giới về định hướng điều hành năm 2012, trong đó Thống đốc cho biết, năm nay sẽ xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém; lãi suất huy động sẽ được đưa về mức khoảng 10% nếu như lạm phát xuống 8-8,5%.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, lãi suất ngân hàng là vấn đề rất có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội năm 2012. Nền tảng nhất định cho việc giảm lãi suất đã có. Điển hình, từ tháng 8/2011 trở lại đây, tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có chiều hướng giảm dần và đều ở mức dưới 1%, tạo nền tảng cho kỳ vọng giảm lạm phát trong thời gian tới. Bên cạnh đó, NHNN đang tập trung vào việc xử lý thanh khoản của các Tổ chức tín dụng (TCTD) và nếu xử lý tốt vấn đề này sẽ tạo thêm tiền đề vững chắc hơn cho việc giảm lãi suất trong năm 2012.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mục tiêu của Chính phủ năm 2012 là kiềm chế lạm phát ở mức một con số, cụ thể định hướng lạm phát sẽ ở mức 9-9,5%. Nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ tiền tệ quốc tế đã đánh giá, nếu Việt Nam duy trì các giải pháp quyết liệt như trong năm 2011 thì lạm phát ở Việt Nam năm 2012 sẽ ở mức 8-8,5%. Nếu mục tiêu lạm phát đó đạt được vào cuối năm 2012 thì hệ thống ngân hàng có khả năng để giảm mặt bằng lãi suất huy động xuống mức khoảng 10%/năm. Chính vì thế, mức lãi suất sẽ được giảm dần theo các tín hiệu thị trường, tức là lãi suất giảm khi mức độ lạm phát giảm và vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện.

Được biết, để góp phần đảm bảo tính thanh khoản, hiện NHNN đã và đang chỉ đạo các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN trong triển khai các hoạt động ngân hàng vì sự an toàn của cả hệ thống ngân hàng cũng như của cả nền kinh tế. Cùng với đó, NHNN tiếp tục thực hiện các công cụ chính sách tiền tệ thông qua biện pháp điều hành bơm- hút tiền, điều chỉnh tỷ giá, ngoại hối, đảm bảo thanh khoản các TCTD, lành mạnh hóa hệ thống, đưa vốn đến đúng địa chỉ đầu tư.

Như vậy, những động thái tích cực để giảm lãi suất trên thị trường đang dần lộ diện, hơn ai hết, các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào việc giảm lãi suất từ phía ngân hàng. Tuy nhiên, để “giấc mơ” hạ nhiệt mặt bằng lãi suất sớm trở thành hiện thực đòi hỏi sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của Chính phủ, sự vào cuộc tích cực NHNN và của các bộ, ngành liên quan.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực