Năm 2012: Tăng cường kiểm soát chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng

Chủ nhật, 22/01/2012 10:34

 

 Giao dịch tại BIDV chi nhánh Cầu Giấy, Hà Nội (Ảnh:HNV)

(ĐCSVN) – Phát huy thành quả của năm 2011, năm 2012, ngành Ngân hàng tiếp tục tăng cường kiểm soát chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, tập trung cho nhiệm vụ tái cấu trúc ngành Ngân hàng theo hướng tăng trưởng bền vững và hiệu quả.

Đánh giá lại công tác điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định: Trong năm qua, các giải pháp điều hành cơ bản phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP, đạt được các mục tiêu đề ra và góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát, dần ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng thẳng thắn chỉ ra còn có một số vấn đề nổi lên cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới, đặc biệt, cần triển khai hiệu quả trong năm 2012 như: Mặt bằng lãi suất cho vay còn cao so với khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Việc giảm mặt bằng lãi suất cho vay phải phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và xu hướng giảm dần của lạm phát; tín dụng bằng ngoại tệ tăng cao và cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ; thanh khoản của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được đảm bảo, nhưng một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần còn gặp khó khăn, do chưa chú trọng công tác quản lý thanh khoản; giá vàng trong nước và quốc tế biến động thất thường, hoạt động mua bán vàng gia tăng đột biến gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại tệ...

Bước vào năm 2012, kinh tế trong nước được dự báo khả quan với tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn, lạm phát tăng thấp hơn và kinh tế vĩ mô ổn định hơn năm 2011. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2011 là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2012 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là: Kiềm chế lạm phát dưới 10%; tăng GDP khoảng 6-6,5%; bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,8% GDP; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%; nhập siêu 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 33,5% GDP.

Trước bối cảnh đó, để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu do Quốc hội đề ra, trên cơ sở kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định định hướng và mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ năm 2012: Điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; hệ thống TCTD hoạt động an toàn, tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nhằm thực hiện tốt mục tiêu nêu trên, NHNN sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp cụ thể:

Điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, nhất là nghiệp vụ thị trường mở, cho vay tái cấp vốn đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu kiểm soát tổng phương tiện thanh toán 14-16% và tín dụng tăng trưởng 15-17%, bảo đảm thanh khoản của các TCTD.

Các mức lãi suất điều hành của NHNN được điều chỉnh phù hợp, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và xu hướng giảm của lạm phát, đảm bảo lãi suất điều hành của NHNN cao hơn lãi suất huy động vốn bình quân, NHNN hỗ trợ với tư cách là người cho vay cuối cùng. Khi thị trường chưa ổn định, NHNN tiếp tục áp dụng quy định trần lãi suất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người gửi tiền, ngân hàng và người vay, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô; yêu cầu các TCTD giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và xu hướng giảm dần của lạm phát.

Quy định giới hạn tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm TCTD trên cơ sở xếp loại TCTD, yêu cầu TCTD xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tối đa do NHNN phân bổ theo nhóm; tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ để đảm bảo tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động vốn, chủ trương hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế.

Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế để cập nhật kịp thời các dự báo về kinh tế vĩ mô, diễn biến các chỉ tiêu tiền tệ phục vụ cho việc đề xuất kịp thời các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, phù hợp với các cân đối vĩ mô, trong đó có mặt bằng lãi suất và hệ thống lãi suất chính sách của NHNN, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền một chiều từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về thu đổi ngoại tệ, hoạt động niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ nhằm bình ổn thị trường, phát triển thị trường ngoại hối chính thức; quản lý chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp, nhất là của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; rà soát các quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư trực tiếp vào và ra khỏi Việt Nam, nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dòng vốn FDI, góp phần giảm vay nợ nước ngoài của quốc gia; tổ chức triển khai Nghị định thay thế Nghị định số 174/1999/NĐ-CP ngày 09/12/1999 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng sau khi được Chính phủ ban hành, nhằm tổ chức sắp xếp lại một bước thị trường vàng, tăng cường khả năng điều tiết của NHNN đối với thị trường này, góp phần bình ổn thị trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng hoạt động của các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống (nhất là các tỷ lệ đảm bảo an toàn, khả năng thanh khoản và chất lượng tín dụng, chấp hành các quy định về tăng trưởng tín dụng và quy định về trần lãi suất…), kiểm soát rủi ro và nợ xấu; triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại hoạt động ngân hàng theo Đề án được Chính phủ phê duyệt; kiên quyết xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả và từng bước phát triển.

Làm tốt công tác thông tin truyền thông, đưa thông tin đầy đủ, kịp thời về các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực